Đại Hội Kiếm Khách và Những Kỷ Niệm Khó Quên

  
Giáo sư  Vũ-Ngọc-Mai

 


 Nhận lời mời của Lê Văn Duyệt Vancouver, chúng tôi ba người- Cô Vân, cô Thu và tôi-đã đáp máy bay đến Vancouver vào lúc 10 đêm Thứ Năm 29 tháng 6, và được cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt cùng với các đấng phu quân và mấy ngưòi con của họ-tất cả 10 người- cùng ra đón. Chúng tôi là một trong những “Phái Đoàn Kiếm Khách” đến tá túc ở nhà Đặng Mỹ trong suốt thời gian một tuần phó hội. Ngoài ra còn có hai cặp uyên ương Đậu Đỏ-Dacung và Hằng-Otgh Đồng cũng đã đến và cùng ở trong nhà của Đặng Mỹ và phu quân là Bác Sĩ Bình. Số là trưóc thời gian họp mặt, tôi đã thấy một tiết mục mới trên diễn đàn Lê Văn Duyệt được mệnh danh “Đại Hội Kiếm Khách,” trong đó các em đã cho xem một số hình ảnh rất đẹp của Vancouver như để chiêu mộ thêm kiếm khách về hội họp nơi đây. Song về thành phần tham dự thì tôi chỉ biết đại khái gồm những cây bút đã và đang viết cho trang web của Lê Văn Duyệt mà thôi.  
 
 Đêm nay đẹp trời, không khí mát mẻ khác hẳn với Cali oi bức. Sau khi nhận phòng (một cho cô Vân và cô Thu, một cho tôi), chúng tôi được chiêu đãi một chầu trái cây tươi ngọt đầu tiên của Vancouver: mãng cầu (na), chum chôm, măng cụt, xoài. Ai cũng xuýt xoa khen ngon, song phải “ráng” ăn cho đã, vì luật cấm không cho mang về Cali. Vào sáng Thứ bảy, chúng tôi lại được Đào Mai tiếp tế thêm những múi sầu riêng thật “mùi mẫn.”  
 
 Sáng hôm sau Thứ sáu, chúng tôi đi thăm phố Tàu. Vô số trái cây tươi đưọc bày bán bên lề đường, còn phía bên trong tiệm thì đủ loại đồ khô, từ tôm cá cho đến xí muội, ô mai, cam thảo, táo tàu… Chúng tôi cũng ghé một khu shopping lớn để mua một số quà kỷ niệm của Vancouver và Canada. Tôi có thói quen khi đi du lịch: đó là mua một vài kỷ vật nho nhỏ để ghi nhớ những nơi mình đã đến, thói quen ấy tôi gọi đùa là “sa ngã,” có nghĩa mình không thể cưỡng lại sự cám dỗ, sức hấp dẫn của những món hàng xem ra rất đặc biệt, rất xinh đẹp, thật đáng công mang về tặng tí ti cho người và giữ chút đỉnh cho riêng mình. Trong suốt thời gian ở Vancouver và ghé Victoria, tôi thấy cô Vân, cô Thu, em Hằng và tôi có mức sa ngã nặng nhất!  
 
 Vào buổi chiều Thứ sáu, phái đoàn đến từ Seattle gồm 6 người: Đào Mai và ông xã Hồng, Kim Huyến, Thanh Long, Kim Tuyết và Kim Báu, tất cả cũng ở nhà Đặng Mỹ. Kim Huyến đã từng là Hội Trưởng Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt, Thanh Long là Nha sĩ đầu tiên đưa ra quảng cáo “1-800-Đau Răng,” cả hai cùng đến từ CA, và Kim Tuyết đã từ New York bay qua Seattle để cùng đi qua Vancouver phó hội. Với nhóm Seattle, con số thực khách tại nhà Mỹ đã lên tới 13 người, và nếu kể cả vợ chồng gia chủ và cô con gái rượu Nguyễn Khuê Tú của họ thì Đặng Mỹ phải chăm lo sơ sơ có 16 nhân mạng mà thôi!  
 
 Và cũng bắt đầu từ đây, sự ồn ào đã lên đến cực điểm khi mà ai cũng tranh nhau nói, rồi khôi hài, và những trận cười òa vỡ thật vui tai. Nhất là khi cô xí mụôi Đào Mai mà đấu với ông anh kết nghĩa Dacung thì câu chuyện luôn nổ ran và bất tận. Tôi không quên hai cặp Dạ Hương và Kiên, Kim Hương và Dũng. Họ đều bận đi làm song khi rảnh đều đến chung vui với chúng tôi. Và Dạ Hương cùng Kim Hương cũng thuộc loại lý luận già dặn một cây. Còn Đặng Mỹ, cô chủ nhà kiêm “chủ trì” trang Web Lê Văn Duyệt và Đại Hội Kiếm Khách, thì luôn ăn mặc tươm tất, nói năng dịu dàng nhưng có sức thuyết phục, lại điều động nhịp nhàng và thành công một cuộc gặp gỡ mà có người em mới chỉ được quen trên mạng lưới của LVD. Mỹ còn mướn xây căn nhà theo ý của mình, phía trước có nước chảy róc rách, phía sau nhà có hồ cá, phải chăng rất tốt nhờ hợp phong thủy? Nhà vừ rộng vừa đẹp, có thể chứa tới mấy chục người như không, chẳng trách nào chúng ta vừa có một ĐHKK rất vui vẻ và thành công ở nơi đây.
 
 Vào sáng Thứ Bảy, chúng tôi đi Cầu Treo Capilano Suspension Bridge. Tên chiếc cầu được chua thêm phía dưới mấy chữ “Naturally Thrilling Since 1889.” Thật đúng với tên, cầu được treo lơ lửng phía trên mặt nước mà khi nhìn xuống, kẻ yếu tim sẽ rất hồi hộp sợ hãi. Sau khi qua cầu, chúng tôi đến một vùng chung quanh có cây cối rậm rạp, phía giữa có một vài hồ nước nhỏ. Không khí nơi đây mát mẻ và trong lành, khách xem cầu treo lũ lượt kéo nhau đi. Mai Đào đã bỏ công dắt tôi qua cầu lượt đi, và khi về nhờ đã có “thực tập” thêm 2 đoạn cầu treo ngắn nữa mà tôi đã có thể tự bước trên cầu, mặc cho Dacung đi sau tôi đã tìm cách lắc cho cầu thêm đung đưa để làm cho tôi sợ hãi.  
 
 Sau đó chúng tôi đã đi Công viên Stanley và Công viên Queen Elizabeth. Vancouver có rất nhiều công viên mà nếu có thì giờ, đi picnic vào cuối tuần thì thật thú vị và lành mạnh. Bắt đầu từ đây, ba chúng tôi được Dacung, phu quân của Đậu Đỏ, làm bác tài. Nhờ đi chung xe, tôi biết thêm Đậu Đỏ tên thật là Hồng Đỗ, Dacung là Đắc Ứng, còn cô Thu thì tưởng anh tên Dạ Cưng. Cái tên này rất tương xứng với chức vụ Hội Trưởng Hội Sợ Vợ mà Dạ Cưng đang hãnh diện nhận lãnh. Có điều sau khi Dacung về lại Arizona rồi thì chúng tôi nhận thấy Cưng có người cạnh tranh chức vụ sợ vợ nhất xứ của Cưng đó. Người ấy là Kiên với bài ca “Lâu Đài Tình Ái” cho sinh nhật của Dạ Hương, là người biết xin lỗi vợ dù không có tí ti lỗi nào, là người biết vâng dạ cống quit, tay chân vụng về không biết để nơi mô mỗi khi thấy nàng khóc. Nói để em liệu mà giữ chức Hội Trưởng của mình nghe Dạ Cưng.
 
 Tôi còn biết thêm Mai Đào biệt hiệu là Mài Dao và Xí Muội, Bùi Đồng là Ông Thần Giữ Hình viết tắt thành otgh. Cái ông Thần này quả thật chụp hình rất nghề, lại chịu khó đăng hình và giữ hình cho LVD. Đặng Mỹ có biệt danh Nghi Nương Nưong, người chuyên kiểm soát những kẻ đáng nghi ngờ trên trang web. Kim Hương với bút hiệu Hương Vàng, còn Dạ Hương tức Hương Tím. Thật vậy, trong suốt thời gian ở Vancouver, tôi thấy Hương Tím diện toàn màu tím mà thôi, mà dù nhạt hay đậm, màu tím rất hợp với nàng Tím này.  
 
 Trần Anh Thư, một cây bút nồng cốt của Web LVD, mặc dầu không phó hội, nhưng đã nhờ tôi mang 4 kí kẹo nougat sang cho Đặng Mỹ và đại hội, cùng 2 chiếc áo sơ mi em đích thân may tặng Đặng Mỹ và Đậu Đỏ mà tôi còn để quên trong xe, và sẽ trao lại cho Mỹ vào dịp gặp em tại buổi ra mắt CD của Miên Du vào trưa Chủ Nhật 30/7 sắp tới. Cũng trong suốt thời gian Đại Hội Kiếm Khách, Anh Thư hằng ngày nóng lòng chờ đợi những tấm hình của đại hội. Tấm lòng của em với thầy cô và bạn hữu thật tha thiết và đầy chân tình.
 
 Còn ba cô giáo của các em thì vẫn giữ tên thật khi viết: Vân Ngô, Thu Lê, và Vũ Ngọc Mai. Trước kia tôi được ghi danh là Mai Vu, một cái tên khô khan mà tôi không thích và đã được Nghi Nương Nương đổi lại cho có chút tên đệm và theo thứ tự họ trước tên sau của mình. Một cây bút cô giáo nữa là Nguyễn Thị Tịnh, vì bận việc gia đình nên đã rất tiếc không đi Vancouver được để gặp các em.
 
 Tối Thứ Bảy mở màn cho Đại Hội Kiếm Khách. Có tất cả 17 nữ sinh Lê Văn Duyệt đã về tham dự, và trên dưới 10 rể và khách của LVD. Chủ nhà Đặng Mỹ mở lời chào mừng đến tất cả, và cám ơn ba cô và các bạn đã qua chung vui với các em. Mỹ cũng đã cám ơn anh Đồng tức Otgh, một Hồ Ngọc Cẩn đã đặc biệt chăm sóc cho diễn đàn LVD thêm phần khởi sắc. Mỹ cũng cho biết anh Phú De đã từ Úc gọi sang chúc mừng Đại Hội đươc thành công.  
 
 Tôi đã đại diện cho hai bạn đồng nghiệp Thu và Vân trình bày sự xúc động của mình khi được tiếp đón rất nồng hậu, về mối chân tình của LVD Vancouver, đã làm sống lại tình thầy trò thắm thiết của trên bốn thập niên trước, về phong cảnh hữu tình và khí hậu mát mẻ đáng yêu của Vancouver. Và tôi cũng ao ước các em LVD sẽ luân phiên tổ chức mỗi năm một nơi để chúng ta vừa có dịp gặp gỡ hàn huyên, lại vừa có dịp đi cho biết đó biết đây. Trong khi đáp từ, tôi thấy những giọt nước mắt đậm nghĩa thầy trò của Dạ Hương, nét mặt đầy cảm xúc của Kim Huyến, Đào Mai, Giáng Hạ… Không khí bỗng trở nên trầm lắng, hẳn mỗi người đang thoáng nghĩ về một quá khứ xa xưa của thời nữ sinh áo trắng…  
 
 Rồi Giáng Hạ, cô nữ sinh nhỏ bé năm nào nay đã trở thành thi sĩ, đại diện các bạn tặng một bó hoa hồng thắm cho chúng tôi. Em cũng đọc tặng chúng tôi 4 câu thơ:
 
 “Hơn ba mươi năm thầy trò phiêu bạt,
  Bước chân giang hồ lưu lạc ngàn phương,
  Ngọc Mai, Lê Thu, Ngô Vân chẳng khác…
 Chúng em chào mừng thân mật cô thương”
 
 Ba chúng tôi đã thay phiên nhau ôm bó hồng chụp ảnh. Và rồi bữa tiệc sum họp được bắt đầu. Một nồi cua rang muối to tướng được đặt giữa bàn cho cả làng thưởng thức tài nấu nướng của cô chủ khéo tay hay…”cook.” Kế bên là chả giò, bánh pâté, gỏi, thức ăn Nhật sushi, … thôi thì mỗi món một vẻ. Cứ cái đà 7 ngày yến tiệc và trái cây tươi này thì chắc chắn khi về Cali chúng tôi lại lên kí mất rồi.
 
 Đêm nay cũng là đêm văn nghệ đặc biệt, có tất cả 3 nhạc sĩ: Ngọc Sơn và Hùng đàn guitar, Dr. Bình đàn dương cầm. Căn phòng dành riêng cho văn nghệ này ngoài dàn nhạc có cả quầy rượu, đủ loại CD và bài hát, và một màn ảnh rộng lớn cho Karaoke. Đặng Mỹ mở đầu phần Văn Nghệ với bài Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An. Tiếng hát điêu luyện đã cuốn hút thính giả vào thế giới Văn Nghệ ngay từ phút đầu. Sau đó, càng nghe các em hát, tôi càng phải công nhận rằng nhân tài văn nghệ của Vancouver thật đông, và trong cuốn CD3 của LVD, không thể thiếu tiếng hát Vancouver Đặng Mỹ và giọng ngâm Seattle Đào Mai. Dĩ nhiên, họ mới chỉ là đại diện cho 2 nhóm, còn nhiều nhân tài nữa mà giấy mực không sao kể hết được.
 
 Sau đây là một số bài hát và ca sĩ đêm Thứ Bảy. Cô Ngô Vân với Tưởng Niệm, Đào Mai ngâm thơ Cô Lái Đò, cô Ngọc Mai và La Vie en Rose, Nguyễn Khuê Tú đàn dương cầm bài Mắt Biếc, anh Đồng và Lâu Đài Tình Ái, Ngọc Sơn với Tình Ca Người Mất Trí, Thế Dũng với Tuyết Trắng, Kiên với Không Bao Giờ Ngăn Cách, Thanh Long và Em Đến thăm Anh Đêm 30, Hồng với Lối Về Quê Mẹ, Cô Thu Lê và cô Ngọc Mai hợp ca Ngàn Thu Áo Tím, Mai Đào ngâm bài “Làn Gió Thu,” thơ của LVD Giáng Hạ, Đắc Ứng với Ngậm Ngùi, BS Bình và Je T’aime, song tấu guitar với Ngọc Sơn và Hùng qua bài Malaguana, song ca Hằng và Đồng với Lời Cuối Cho Em, Tam ca Kim Huyến, Thanh Long và Kim Tuyết với Đám Cưới Đầu Xuân.
 
 Phần ca hát sau đó được dành cho nhạc valse, tango, chachacha, twist… để cho một số cặp có thể đưa nhau ra sàn nhảy tập thể dục tí ti. Và đến 1;30 đêm thì tôi phải dời phòng văn nghệ vì đã quá mệt mỏi sau một ngày và đêm dài sinh hoạt không ngừng nghỉ.  
 
 Ngày hôm sau Chủ Nhật chúng tôi đi Whistler, nơi sẽ được tổ chức Thế Vận Hội vào mùa đông năm 2010. Du khách có thể lấy vé để được xe kéo lên cao xem khung cảnh núi đồi, thác nưóc và cây cối quanh vùng, hoặc ghé xem những khu buôn bán sầm uất với quán hàng dãy đầy nơi đây. Giáng Hạ đã cùng chồng và 5 cô con gái, trong số có một cặp sinh đôi, đến Whistler gặp chúng tôi như một lời giã từ trước khi chúng tôi trở lại Cali. Lý do vì vợ chồng em đều bận công ăn việc làm mà không thể đến nhà Đặng Mỹ thăm chúng tôi một lần nữa.  
 
 Vào lúc 4:15, chúng tôi ghé Shannon Fall để chụp ảnh. Đã có khá đông người đến thăm thác nên có chỗ chúng tôi phải chờ đợi mới tới lượt mình chụp hình. Rồi Kim Tuyết nắm tay tôi cùng trèo lên cao để ngắm thác cho thật gần. Kể ra chúng tôi cũng không phí công leo cao, vừa dãn gân dãn cốt, vừa chụp được những tấm hình ưng ý.
 
 Sau bữa cơm tối, cô Vân phát hiện đã mất cái ví nhỏ trong đựng tất cả giấy tờ và $100.00. Thế là bao nhiêu giả thuyết được đưa ra: mất ở chỗ mua đồ kỷ niệm, mất khi trả tiền vé, hoặc khi lấy chiếc mũ to ra che nắng. Và rồi Bác sĩ Bình giúp gọi phone đến các cửa tiệm, và cuối cùng gọi đến cảnh sát cuộc để “báo cáo” sự việc. Trong khi đó thì cô Vân gọi ông Khang, phu quân của cô, liên hồi. Rồi cô quýnh quáng nhớ điều nọ, quên điều kia khiến chúng tôi thấy mà thương chi lạ! Chỉ đến sáng Thứ Hai, sau khi cảnh sát Vancouver cho biết con số cái case của cô để dùng khi cần thì chúng tôi mới được thấy lại nụ cười hiền hòa của cô.  
 
 Nhờ vậy mà cuộc vui lại được tiếp tục, chúng tôi 5 người, vợ chồng ogth và 3 chúng tôi, thuê xe lái qua Victoria để xem hoa và ngoạn cảnh từ sáng Thứ hai đến tối Thứ tư. Nhưng chưa ở yên chỗ thì được Đặng Mỹ gọi điện thoại mời chúng tôi về trước nửa đêm Thứ Ba vì phái đoàn Seattle lại vừa chở thêm em Phượng qua Vancouver để thăm 3 cô. Chu choa ôi, sao chúng tôi đi chơi mà thời gian eo hẹp sít sao quá thế? Đêm nào cũng thức quá trời khuya, mới đi nghỉ mát bên Victoria thì lại được triệu về. Thôi thì các em đặt đâu 3 cô ngồi đó chớ biết sao hơn? Vậy là sáng Thứ Ba chúng tôi gấp rút đi xem những vườn hoa nổi tiếng của Victoria, the Butchart Gardens. Đây là một thắng cảnh lịch sử của Canada đã được thiết lập trên 100 năm nay. Bây giờ đang vào Mùa Hè, một mùa hoa nở rộ, đẹp rực rỡ đang giang tay chào đón khách thưởng ngoạn. Vào ban đêm, những khu vườn đưọc biến thành biển ánh sáng long lanh, tuyệt vời và toàn hảo nhờ những tiếng nhạc hòa tấu du dương trên sàn cỏ. Năm chúng tôi đã lạc vào cái thế giới thật nhiều màu sắc, nhiều hình dạng mà ngắm mãi cũng không biết chán. Hằng mê mải chụp hình đến độ chốc chốc chúng tôi lại phải dừng chân đợi em, chỉ sợ lạc mất bà xã của bác tài otgh thì lấy ai mà quá giang về lại Vancouver?  
 
 Rồi chúng tôi cũng lên đưọc tàu (phà?) vào lúc 5 giờ. Gặp lại các cô, Phượng tay bắt mặt mừng, rồi lần lượt bế bổng các cô lên. Cô Thu la oai oái: “Thôi miễn cho chúng tôi cái phần bồng bế này đi các em.” Còn cô Ngọc Mai thì hơi nặng, nên Phượng phải huy động đến 2 người mà cũng khó khăn lắm mới “khiêng” được tôi lên tí tỉnh. Số là tôi đâu có quá nặng, song tôi đã biết gồng mình, xuống tấn để khỏi bị làm em bé đó mà! Cái màn “bế cô giáo” này phải coi như độc nhất vô nhị mà chỉ có trường học trẻ trung như Lê Văn Duyệt mới “phát minh” ra phải không các em?
 
 Ấy lí lắc vậy song món gỏi cuốn cá của Phưọng làm đãi các cô đêm đó thì ngon tuyệt vời. Nghe nói cô bé phải đi bao nhiêu chợ mới tìm thấy loại mắm nêm mà em vẫn dùng. Phượng ngồi bên cạnh tôi, rất thích thú khi thấy cô giáo cũ cuốn bánh tráng cũng khá nghề và ăn uống cũng tận tình vì vốn không biết khách sáo là gì.  
 
 Chúng tôi còn thưởng thức món hoành thánh mì Mười Năm của Đặng Mỹ, những món ăn Pháp do chief cook Dũng và LVD Kim Hương khoản đãi tại gia, và buổi tiệc tiễn đưa nơi một nhà hàng lịch sự do Kiên-Dạ Hương mời nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của cặp uyên ương này.  
 
 Chúng tôi cũng có thêm hai buổi văn nghệ nữa, dù không đại qui mô như buổi đầu song chúng tôi khám phá thêm được những tài hoa solo mới của cô Thu, em Kim Hương và Hằng.
 
 Kỷ niệm về Vancouver tôi đã viết trong suốt ngày nay mà dường như vẫn chưa đủ để diễn tả những ý nghĩ thật đẹp về đất nước và con người Vancouver. Xin cảm ơn tất cả học trò cũ thân thương của tôi. Xin giữ lại từng góc phố đã đi qua, căn nhà đã dừng lại, từng núi đồi cheo leo, từng thác nước hữu tình, và những kỷ vật Vancouver mà tôi đã mang về, nhất là những hình ảnh đẹp đã khắc trọn vẹn trong tâm khảm. Mong còn có dịp thầy trò gặp gỡ, và những duyên may trong đời còn đến mãi với tất cả chúng ta…
 
 Tin mới nhất: Con gái Đặng Mỹ đã tìm thấy chiếc ví nhỏ của Cô Ngô Vân ở đầu giường của Tú. Số là chúng tôi đổi phòng cho nhau, và trước khi đổi phòng thì cô Vân để quên ví trên kẹt giường. Khi nhận lại phòng của mình, Tú đã tìm thấy ví, trong khi tôi nằm trên chiếc giường của Tú bao nhiêu đêm mà không hề hay biết gì cả, đúng là Tí Cận!