VỀ CHUYẾN ĐI TOUR JAPAN VÀ SHANGHAI
     
Giáo sư  Vũ Ngọc-Mai
 
Vào một buổi tối nọ, tôi được Thanh Hải gọi phone rủ đi Nhật Bản và Shanghai với một nhóm bạn Trưng Vương.  Tôi bèn hỏi “Thế nhóm cựu G.S. Lê Văn Duyệt mình gồm những ai?” thì được biết có Cô Nguyễn Tố Nga, Nguyễn Thị Tịnh, Lê (Nguyễn) Thị Thu, Hoàng Thị Thanh Hải và tôi.   Thêm vào hai ông xã của cô Tịnh, Thầy Dương Đình  Ngà, và ông xã của cô Thu, Thầy Lê Tiến Đạt, chúng tôi đã có một tổng số khá xôm tụ là 7 người.  Đối với tôi, một kẻ cô đơn quanh năm suốt tháng du lịch một mình thì nay được đi với bạn cũ và nhóm Trưng Vương mà con số có thể lên tới trên 30 người, thử hỏi làm sao tôi có thể từ chối được.


Thế là mọi việc được ủy thác cho Nguyễn Kim Dung, bà xã của nhà giáo kiêm nhà báo Hà Tường Cát, và Thanh Hải.   Chúng tôi yên chí lớn ngồi chờ ngày lên đường sau khi đã dự một buổi họp do A.V. Travel tổ chức để nhận vé và nghe những lời dặn dò của Ban Tổ Chức, cùng gặp gỡ những người quen hay chưa quen sẽ cùng dự chuyến đi với mình.   Đặc biệt cô Nga, người “chủ trì” của A.V. Travel có hứa hẹn là sẽ babysit chúng tôi thật kỹ, nên có lẽ các lão ông, lão bà cũng bớt sợ cái cảnh nước lạ non xa chăng?    


Vào ngày 2 tháng 4 năm 2006, một nhóm chúng tôi tập họp tại trụ sở của A.V. Travel lúc 10:30 a.m. để đến sân bay LAX.  Thủ tục check – in và khám xét mất đúng 1 tiếng đồng hồ.   Tất cả phải xếp hàng chờ tới lượt mình, mà cái hàng thì dài tôi chưa từng thấy từ trước đến giờ!  Cuối cùng máy bay cũng đã cất cánh vào lúc 2:40 trưa. Một nhóm chúng tôi bị ngồi cuối máy bay, nhưng một người trong bọn đã xuề xòa tuyên bố “chỗ này tốt, gần cầu tiêu,” và các bà thì thay phiên nhau đứng lên đi tới đi lui, hoặc tập một vài động tác cho giãn gân giãn cốt.  
 Ngày 3-4, sau khi bay 12 tiếng, chúng tôi đến Nhật thì trời cũng đã về khuya.

 
Đêm đầu tiên chúng tôi chỉ kịp lên nhận phòng và nghỉ ngơi tại khách sạn Narita thuộc Tokyo.  
Sáng 4-4, chúng tôi thưởng thức bữa điểm tâm đầu tiên ở Nhật, có cá hấp, cá chiên, miến xào với hương vị đậm đà, có cháo trắng ăn với trứng muối, cải mặn…, lại có cả thức ăn kiểu Tây phương như ham, sausage, trứng, bánh mì và bánh croissant... Còn rau trái và nước uống thì cũng ê hề, tha hồ chọn lựa.   Chúng tôi đã ăn uống rất tận tình vì biết rằng sẽ không đủ sức đi ngoạn cảnh nếu bị bao tử réo gọi đòi quyền sống.  Và suốt trong chuyến đi, sáng nào chúng tôi cũng được ăn Buffet theo kiểu Âu-Á đề huề cả.


Cuộc hành trình từ Bắc xuống Nam Japan được thực sự bắt đầu ngày mồng 4.  Hai bên đường hoa anh đào nở rộ khiến Thanh Hải ngồi bên cạnh tôi không ngớt xuýt xoa “Trời ơi đẹp quá là đẹp.”  Mà đẹp thật, và xem hoa Anh Đào cũng chính là điểm chính của chuyến đi, và chúng tôi đã may mắn đến Nhật vào đúng dịp anh đào nở rộ và đúng vào mùa Phật Đản.  Theo học giả Đỗ Thông Minh, có tất cả 33 loại hoa anh đào, mà các loại chính có thể kể:  Trường Thọ Anh (Choju Zakura) với hoa 4 cánh, màu trắng hoặc tím nhạt với nhụy đỏ và vàng, mọc thành bụi thấp; Đại Minh Thần Anh (Daìmyojin Zakura) với hoa màu hồng nhạt, thân cây cao;  Phú Sĩ Anh (Fuji Zakura) có hoa 5 cánh màu hồng nhạt, mọc nhiều ở chân núi Phú Sĩ; Thần Đại Anh (Jindai Zakura) có hoa màu đỏ, có cây đã 2000 năm mà vẫn còn sống...  
Trọn ngày mồng 4, mặc dù trời mưa tầm tã, chúng tôi vẫn đi Ibaragi thăm Đại Phật Ushiku cao 120m.   Phái đoàn đua nhau chụp ảnh và lễ Phật.  Sau đó xe bus chở chúng tôi đi vòng qua Hoàng cung Asakusa Temple thay vì được vào thăm như dự tính vì chương trình bị chậm trễ do thời tiết và cũng vì một số nhỏ chúng tôi lỡ quên cả thời gian lẫn điểm hẹn!  Ăn trưa xong, chúng tôi đi mua sắm tại Tokyo Tower.  Vì là một shopping center lớn nên các bà tha hồ ngắm nghía và mua quà kỷ niệm.   Một số chúng tôi rất mê búp bê Nhật với những màu sắc đẹp mắt và y phục cầu kỳ đầy mỹ thuật.   Song muốn mua một vài con đặc biệt đẹp thì phải mau tay lẹ mắt, vì thường họ chỉ có đúng một cặp mà thôi, mà chúng tôi thì tới trên dưới 70 người.    
Ban tổ chức có nhã ý cho chúng tôi đi xem phố đêm Tokyo, song chỉ có một số rất nhỏ hưởng ứng vì phần còn lại đã thấm mệt sau một ngày dài dầm mưa ngoạn cảnh.  Thôi thì nghỉ ngơi cho sớm tại khách sạn KeiO, chờ sang mai tiếp tục cuộc hành trình.

   
Buổi sáng mồng 5, từ Tokyo chúng tôi được đưa thẳng đến vườn Ngự Uyển Shinjuku-gyoen.   Khu vườn thật lớn với khoảng 150 cây hoa anh đào cho chúng tôi tha hồ ngắm nghía.  Sau đó chúng tôi đến thăm phố Ginza đông đúc.   Sau bữa ăn trưa, cả đoàn thẳng tiến Kamakura thăm tượng Đại Phật ngồi nổi tiếng thế giới, được đúc bằng đồng, lớn vào bậc thứ hai của Nhật bổn.  
Rồi chúng tôi nghỉ đêm tại Tominoko Hotel tại núi Phú Sĩ.  Phú Sĩ sơn đặc biệt có tuyết phủ quanh năm, đẹp như chiếc nón bài thơ.  Vì núi còn hoạt động nên ít nhà cửa chung quanh.  Hàng năm vào mùa Hè, dân chúng được phép leo núi.  Khoảng 1,500 núi nhỏ chung quanh làm nổi bật núi Phú Sĩ.  Được biết dưới chân núi Phú Sĩ là Ngũ Hồ, và chúng tôi đang được ở bên ven hồ đẹp nhất trong ngũ hồ.  Anh trưởng đoàn cho biết:  “Những hình thù của mây nơi đây mỗi lần chụp hình đều khác nhau.  Thắng đi 5 lần, chụp hình đều khác cả.”  
Vì sợ phải đi xem những thắng cảnh khác trước khi có dịp chụp hình núi Phú Sĩ, chúng tôi đã thức dậy vào lúc 5 giờ sáng.   Từng nhóm người thay phiên nhau chụp vội những tấm ảnh kỷ niệm miền núi Phú Sĩ.  Là ngọn núi lửa đang ngủ yên chưa chết, Phú sĩ còn là một nơi đẹp nhất đối với một số người Nhật khi họ leo lên tận đỉnh để ngắm mặt trời mọc.   Người ta chỉ được phép leo núi Phú Sĩ vào mùa hè.

 
Vào ngày mùng 6, chúng tôi đi Heiwakoen, Owakudani, và Hakone, rồi đi cruise trên hồ Ashi.  Ngồi trên xe khoảng 4 giờ thì chúng tôi tới Hamamatsu với những thắng cảnh đẹp mắt.   Về khách sạn Royal Hotel đêm nay, nhóm chúng tôi 12 (11 nữ, 1 nam) người đã diện kimono chụp ảnh.    Có cô Nhật đang uống trà, có cô quì gối, có cô bắt chước ngồi kiểu Nhật, lại có cô đang trầm mặc nhìn về phương xa.   Chúng tôi tự đóng kịch cũng khá đó chứ?  Và chúng tôi cũng đã cười đùa thỏa thích.

    
Trên đường đi Ise vào ngày 7-4, chúng tôi ghé thăm đền Thần đạo, nơi thờ âm dương phái nam và phái nữ, được gọi là Linga và Yoni.   Người Nhật thờ rất nhiều loại thần, chẳng hạn thần núi, thần động vật…
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đi thăm Mikimoto Island, một trụ sở nổi tiếng trên thế giới về ngọc trai.  Trong phần giới thiệu mở đầu, chúng tôi được xem 4 cô thợ lặn mò ngọc trai dưới nước.  Họ mặc toàn quần áo trắng kiểu cổ, và chỉ có đàn bà làm nghề này từ trước đến giờ.  Sau đó chúng tôi được vào xem đủ loại hạt trai với màu sắc và cỡ lớn nhỏ khác nhau.  Hòn đảo Ngọc Trai được lấy tên Mikimoto vì Kokichi Mikomoto đã dùng một phương pháp cấy ngọc trai thành công lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 1893.  Thôi thì các bà, các cô tha hồ mà chọn lựa.  Theo lời chỉ dẫn mà tôi đọc được, giá trị của ngọc trai được dựa vào tầm cỡ, hình thù, độ dày , màu sắc và độ bóng.  Mikimoto thật đúng là nơi lý tưởng cho những ai yêu thích ngọc trai.   Đêm nay chúng tôi nghỉ tại Nemunosato Resort.


Sáng ngày 8-4 cũng là lễ Phật Đản, chúng tôi đi thăm Ise Thần cung, nơi có ngôi đền thần đạo rất nổi tiếng, thờ phụng 2 vị thần nam và nữ cùng 3 thần khí gồm gương thần, kiếm thần và viên ngọc thần.  Khi ra khỏi đền, tôi thấy cả một đoàn người nối đuôi nhau vào đền rước lễ.  Họ là những nhân viên tân tuyển đi lễ thần trước khi bắt tay vào công việc.   Vì ngày Phật Đản rơi đúng vào dịp hoa Anh Đào nở rộ nên không khí thật vui tươi nhộn nhịp, người người nườm nượp lễ Phật xem hoa.

      
Sau khi tới Kyoto, chúng tôi nghỉ đêm tại khách sạn Shin Hankyu Hotel để sáng sớm hôm sau 9-4 lại tiếp tục lên đường thẳng tiến tới thắng cảnh Arashiyama và Tenryuji, và nhất là Chùa Vàng tức Kim Các Tự mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ.  Là kinh đô cũ của Nhật Bản trong suốt thời gian trên 1000 năm, từ năm 792 đến năm 1868, Kyoto đã sản sinh ra nét văn hóa đặc thù của người Nhật mà Kim Các Tự là một điển hình.  Ngôi chùa này dã được cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc công nhận là một di sản của thế giới.   Chùa gồm có 3 tầng lầu, được xây dưới chân núi Kinugasa gồm 3 loại kiến trúc.  Tầng trên cùng của chùa là Shinden-zukui, theo kiến trúc của một dinh thự được mệnh danh là Hosui-in. Tầng thứ nhì gọi là Buke-zukuri, theo kiến trúc nhà của samurai và được gọi là Cho-on-do. Tầng thứ ba là Karayo, theo kiến trúc Thiền viện.  Cả hai tầng 2 và 3 đều được dát phía ngoài bằng vàng, đã tạo nên màu sắc đặc biệt khác hẳn những ngôi chùa mà tôi đã thấy tại Nhật.   Khi chúng tôi trở về Riga Royal Hotel thì trời đã tối.   Vậy mà sau khi cơm nước xong xuôi, cô Thanh Hải - người shared phòng với tôi- còn sang phòng của nhóm Trưng Vương để xem “triển lãm” số ngọc trai mà các bạn cô đã dày công lựa chọn.

   
Trong ngày 10-4 cũng là ngày cuối cùng tại Nhật, chúng tôi đã từ Osaka đi Himeji thăm thành cổ nổi tiếng nhất Nhật Bản Himeji, một di sản văn hóa thế giới.  Được Norimura Akamatsu, nhà cai trị địa hạt Harima, xây năm 1333 (và sau này cũng có một số học giả cho rằng thành được xây vào giữa thế kỷ 16) thành Himeji đã được những người kế vị tiếp tục xây thêm và tu bổ cho mãi đến năm 1618 mới chấm dứt.  Thành Himeji đã trở thành một di sản văn hóa và lịch sử đặc biệt của nước Nhật mà du khách phải trầm trồ về những kiến trúc tân kỳ và công phu.   Sau bữa cơm trưa, chúng tôi đi qua thành phố Kobe, rồi ghé thưởng thức trà và nghe cắt nghĩa về nghệ thuật pha trà cùng các loại trà quí tại Nhật.   Đêm nay chúng tôi về lại Osaka khá sớm để còn sửa soạn cho cuộc hành trình đi Shanghai vào sáng hôm sau.
Cho đến ngày cuối ở Nhật, nhóm trên xe chúng tôi gồm 32 người, một số đã quen biết từ trước, một số dù mới gặp nhưng nhờ chuyện trò, thăm hỏi và làm văn nghệ bỏ túi với nhau nên tất cả đã trở nên thân mật hơn.  Bằng cớ là tôi đã có được 4 cô “em nuôi” thật dễ thương:  cô Hiền, chị dâu của cô Thu Lê, người đã chụp dùm tôi rất nhiều ảnh kỷ niệm; Kim Dung, em gái của cô Tố Nga; Hòa, bạn của cô Thanh Hải; và Vân với biệt danh “Búp bê Nhật Bản” do tôi đặt và “Út ghẻ” do nhóm Trưng Vương đặt.  Bên cạnh đó là những tiếng cười òa vỡ trên xe qua các câu chuyện và bài hát tiếu lâm như “Cháu Đi Mẫu Giáo” (với lời lẽ đổi mới tục mà tếu) do Dũng trình diễn.   Thầy Hà Tường Cát vừa có tài ăn nói, vừa hát hay lại tếu cũng giỏi.  Châu Hà hát bài “Cành Hoa Trắng” với giọng ngân tuyệt vời so với tuổi đời của cô.  Nhưng tinh thần tếu hết cỡ từ đầu đến cuối thì phải kể đến phu quân của cô giáo LVD Nguyễn thị Tịnh, thầy Dương Đình Ngà.  Thầy không nề hà giả nữ nhi múa bài “Hoa Anh Đào,”sau khi đã hóa trang với khăn, với quạt và gối.  Thầy múa dẻo đáo để, theo đúng bài hát tiếng còn tiếng mất của chúng tôi, gồm Thu Lê, Thanh Hải và Ngọc Mai.  Sau đó anh đã đi “trình diễn lưu động” bên xe bus số 2 và cũng gặt hái được kết quả khá tốt đẹp.  Thầy đã trở thành “celebrity” tự lúc nào không biết với những câu chuyện vui làm thiên hạ cười mệt nghỉ.  Phải chăng nhờ thầy có nụ cười rất xuề xòa thân thiện, hay chính nhờ tài chọc cười thiên hạ với chủ ý duy nhất là phá tan không khí mệt mỏi vì đường xa?  Còn nhiều mục hấp dẫn khác như cô Quý với câu đố nghĩa của chữ Tử, còn Thu Lê thì cũng duyên dáng kể chuyện tếu nơi khuôn viên Đại học. Sau khi ghé một shopping, Thanh Hải có màn trình diễn khăn quàng trên xe qua các cựu nữ sinh Trưng Vương xinh đẹp như Hòa, Vân Trang, Thu và Trang.  Rồi đến màn khoe những con búp bê Nhật mà các cô đã mua được, đúng là mỗi con một vẻ, và con của Thanh Hải đã chiếm giải nhất, khiến cô ta cười tươi như hoa.

 
Kỷ niệm về chuyến đi còn sự có mặt của “hai Bà Sui” tức hai vị thông gia Tuyết Mai và Nhung mà khi hỏi ra thì chị Tuyết Mai lại chính là bạn rất thân của một đồng nghiệp cũng rất thân của tôi, chị Phạm thị Hồng.   Tự nhiên tôi thấy quả đất rất tròn, rồi bỗng tôi cảm thấy gần gụi như thể Tuyết Mai là người chị của tôi.   Và tôi đã chụp ảnh và gửi hình biếu Tuyết Mai cũng như đã gửi biếu tất cả những ai tôi có dịp chụp hình trong suốt chuyến đi.  Rồi những tiếng chuông điện thoại reo vang đã hơn một lần cho chúng tôi thêm gần gủi.


Tôi rất sợ đi tour vì không được tự do như ý mình. Tuy nhiên, lần đầu tiên đi với AV Travel đã phá tan được nỗi e ngại này. Hai người hướng dẫn chuyến đi Nhật Trần Nguyên Thắng và Triệt Học Trần Đức Giang đều tốt nghiệp tại Nhật, rất thông hiểu về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ và chính trị nước Nhật.   Anh Thắng có dáng vẻ thư sinh, rất yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, lại rành thơ phú Việt Nam khiến một số chúng tôi đã tấm tắc khen sự hiểu biết của anh mà có chị đã xưng tụng là thông thái.
Thầy Trần Đức Giang thì cũng văn hay chữ tốt, thông làu ca dao tục ngữ, cắt nghĩa tận tường tất cả những thắc mắc của chúng tôi về lịch sử, văn hóa cũng như dân tình tại Nhật.  Có lẽ không ai trong chúng tôi không muốn được thầy viết cho ít câu đối chữ Hán với nét chữ thật sắc sảo để mang về treo làm kỷ niệm.   Cho đến ngày cuối khi ngồi đợi lên máy bay mà thầy còn viết vội cho những người còn lại, đủ thấy được tấm lòng của thầy đối với người đồng hương.

 
Rời Nhật Bản, chúng tôi còn 3 ngày nữa ở Thượng Hải, từ 11 đến 14-4.  Thời gian ở đây chúng tôi cư ngụ tại một khách sạn 5 sao:  Bund Shanghai Hotel.  Người trưởng đoàn kỳ này là anh Vũ Trung, một ngưòi thông thạo tiếng Trung hoa.  Ngoài ra chúng tôi còn được hướng dẫn bởi một người Việt Nam và hai người địa phương nói tiếng Anh nữa.  
Trong ngày 11, chúng tôi đi thăm vườn Dự Viên và đi shopping tại phố cổ.   Thời tiết Thượng Hải hôm nay mưa to gíó lạnh nên ban tổ chức đã cho chúng tôi đến thăm một xưởng dệt tơ để trú mưa.   Chúng tôi có dịp thấy tận mắt cách thức nuôi tằm để nhả tơ và những bước sau đó để dệt thành tơ lụa.  Người ta đã mất rất nhiều sức lao động mới sản xuất được một thứ tơ lụa nổi tiếng trên thế giới.

    
Vào ngày 12-4, chúng tôi thăm tháp TV Tower, một tháp mà khi lên cao chúng ta có thể thấy cả thành phố phía dưới để mà chụp ảnh.   Nơi kế tiếp chúng tôi ghé là chùa Ngọc Phật, một ngôi chùa khá lớn với kiến trúc công phu.  Sau đó chúng tôi đi mua quà kỷ niệm ở Nam Kinh Lộ, một nơi shopping mà chúng tôi được dặn là có thể trả giá nhưng sao trong lòng vẫn nơm nớp sợ hớ.   Duy có anh Ngà là tài, vì mấy món đồ chơi mà anh trả giá thì đều rẻ hơn bọn phụ nữ chúng tôi.  Cả khi lên máy bay cũng thế, anh chị ngồi những hàng ghế phía trước ngon lành, khiến chúng tôi ở cuối cánh tìm mãi cũng không thấy, vì cứ tưởng ai cũng thuộc về “xóm nhà lá” như mình!  Có thể cũng nhờ tài ngoại giao của anh chăng?
Đặc biệt vào buổi tối chúng tôi được đi xem xiệc Thượng Hải.   Tôi thật thán phục những màn xiệc đòi hỏi công khó tập luyện đến mức dẻo dai tuyệt vời của thân thể.   Đã có những lúc tôi sợ những người trình diễn bị té nên đã phải nhắm nghiền mắt lại hoặc quay nhìn sang chỗ khác.  Rõ thật trẻ con!

  
Sáng 13-4 chúng tôi đi Tô Châu.   Hai bên đường trồng cây băng phiến, một loại cây được coi là biểu tượng của Tô Châu.   Sau khi thăm Hổ Khâu Tự và Hàn Sơn Tự, chúng tôi lại đi shopping tại một khu làm tơ lụa rất lớn, nơi chúng tôi có thể mua mền tơ, áo lụa, và nhất là khăn tơ đủ loại với màu sắc mát mắt.  Cô Hiền mua “sơ sơ” có 3 chiếc mền khiến chúng tôi cứ phục lăn về cái tài ôm đồm của cô.    
Buổi tối khi ngồi ăn bữa cơm cuối cùng ở Thượng Hải mà lòng cứ lo ra, mải nghĩ về chuyến đi ngày mai, không biết làm sao mà khuân  được tất cả những kỷ vật đã tham lam nhồi nhét vào chật 2 vali, chưa kể đến nào xách nào ví lỉnh kỉnh nữa.
Thức dậy từ 5 giờ sáng ngày 14, chúng tôi đã lên đường trở về LA vào lúc 6 giờ, sau khi đã đợi chờ chuyển máy bay trong suốt 6 tiếng đồng hồ nơi phi trường Kaisai Japan, từ 8:35 sáng đến tận quá trưa.  Để quên đi thời gian chờ đợi, chúng tôi lại đi “mua bán” đợt chót, lần này thì không sợ nặng vì chỉ xách thẳng lên máy bay nữa là xong!
Kể sao cho hết những niềm vui của chuyến du lịch Nhật Bản và Thượng Hải?


Nhóm Trưng Vương, nhóm Lê Văn Duyệt, nhóm Seatle, nhóm Virginia, nhóm Texas, và nhóm…tự do, cứ tạm gọi như thế cho nó xôm tụ.  Nghe nói nhóm Trưng Vương đã được phu quân Vũ Toản của Trưng Vương Kim Long theo sát các nàng TV để khi trở về thực hiện một CD rất công phu gửi tặng cả nhóm.  Các phu nhơn dù nay đã ngoại ngũ tuần đến lục tuần cả rồi song phần xuân sắc thì một số vẫn được xưng tụng là ăn đứt phụ nữ xứ người cơ đó.  Nhóm Lê Văn Duyệt chúng tôi thì cũng gọi nhau tới tấp, gửi ảnh cho nhau lu bù, và đang toan tính một cuộc du lịch khác cho năm tới.  Lần này đã có cô giáo Thanh Hương “đăng ký” rồi, thế là chúng mình 7 người thêm 1, chưa kể chuyến đi có thể mở rộng ra cho các em LVD tham dự nữa.          
Phần còn lại là của chúng ta, cố gắng năng tập luyện thân thể để có thể đi bộ và leo dốc dẻo dai như lão bà 84 tuổi trong chuyến du lịch này.   Và rồi chúng ta sẽ còn nhiều gặp gỡ sum vầy khác nữa trong tương lai…