DUNG NHAN MÙA THU

                                                                                    Thu Lê

 

 

Khi tôi bắt đầu niên học 1999- 2000 vào tháng 9, 1999 ở trường trung học tráng niên Ventura, đầu óc tôi đã quanh quẩn với cái ý tưởng về hưu.  Chợt ngoảnh lại nhìn

con đường đã đi, tôi phải ngạc nhiên khi thấy thời gian 25 năm đã trôi qua lẹ làng.  Hai mươi lăm năm dậy học ở đất Mỹ, khoảng thời gian dài hơn tất cả những quãng đời của tôi ở Việt nam.

 

Tôi chính thức bắt đầu cuộc đời dậy học từ năm 1965 tại nữ trung học Lê văn Duyệt.  Từ 1965 đến 1975 lúc di cư sang Mỹ, cứ tạm gọi là 10 năm dậy học kể cả thời gian đi tu nghiệp ở Mỹ 2 năm (67-69) nếu không muốn kể đến mấy năm học ở Văn Khoa tôi đã dậy giờ ở một trường Trung Học ở Biên Hoà rồi.  Như vậy cứ làm một con tính cộng thì tôi đã ở trong nghề dạy học 35 năm.  Thấy cũng đủ dài.  Thỉnh thoảng khi nói chuyện với các đồng nghiệp người Mỹ trong trường, tôi có đề cập đến ý định về hưu của tôi, mấy ông bà đều trợn mắt, “You are too young to retire!”  Còn lạ gì bọn Á châu mình, trông người nhỏ nhắên, da ít nhăn nheo, họ cứ tưởng mình còn trẻ lắm.  Tôi phải làm một report cho mấy con số rõ ràng: 10 năm dậy học ở Việt Nam, 25 năm dạy ở Mỹ, vậy chưa đủ dài sao mà “you” còn muốn tôi dạy thêm nữa?

 

Đến tháng 5 năm 2000, sau khi tôi gửi đơn đến Hiệu Trưởng cho biết cái ý định về hưu của mình, thì đấy là lúc tôi có những vui buồn, âu lo vơ vẩn và hiện tượng về hưu trở thành “có thực”!  Có những ngày tôi rất là háo hức, nghĩ đến lúc không phải chạy theo thời giờ, muốn làm gì thì làm, và cứ việc thư thả.  Có cả một chương trình dài dài với những “projects” cứ hy vọng sẽ làm nhưng chưa bao giờ làm, hoặc đã bắt đầu nhưng bỏ dở, tôi chưa vứt cái gì đi, cứ  bỏ vào ngăn kéo, hứa hẹn...”để đến lúc về hưu”!  thì đấy, đến cuối tháng 6, 2000 tôi tha hồ mà tung hoành.  Đã về vườn thì phải lo làm vườn trước đã, cho khu vườn nhà tôi khỏi tang thương vì bị bỏ bê trong những ngày tháng còn lao động.  Rồi dọn sách vở, thư từ, hình ảnh, tảo thanh các tủ quần áo.  Rôì chơi với đứa cháu ngoại duy nhất, rôì nấu bếp với những gourmet cooking, với những recipes mà tôi cất dễ dành nhưng chưa bao giờ thực hiện. Rồi la cà đi thăm bạn bè, có thể ăn dầm ở dề ở đâu đó mà không phải vôị vã đi về trước tôí Chủ nhật để còn mắt nhắm mắt mở lo đi dạy ngày thứ Hai.  Như vậy về hưu phải là một cái gì đáng chờ đợi, là giai đoạn mình cảm thấy mãn nguyện, hài lòng với những thành quả của cuộc đời mình, và cho rằng mình đáng được hưởng những ngày sắp tới.

 

Vậy mà có những đêm tôi thao thức, hoặc thức giấc nưả đêm không ngủ lại được, tự hỏi mình sẽ ra sao? Mình đã quen một đời đi làm việc mỗi ngày từ sáng đến tối, lúc nào cũng bận rộn, việc nhà việc trường được xếp đặt đâu vào đó.  Hai mươi lăm năm ở Mỹ không hề thất nghiệp một năm nào.  Bây giờ đang tự nhiên không phải chạy theo thời giờ nữa, muốn làm gì thì làm, nhưng lại không thấy ai chờ đợi mình, cần mình, không thấy mình quan trọng với ai, thâý mình đang tự nhiên ra ngoài “vòng cương toả”.  Tôi tự  hỏi có phải tại mình ở xứ Mỹ, một nơi có guồng máy làm việc và sản xuất đến cao độ cho nên khi mình không còn ở trong vòng đó, không sản xuất nữa là mình cảm thấy bị quên lãng, và thâý bất lực, hay đây chỉ là vấn đề của riêng tôi?

 

Người ta bảo khi về hưu hình như các ông có nhiều vấn đề hơn các bà, vì các bà dù không đi làm vẫn còn có những công việc lặt vặt lo cho gia đình con cái, lo nấu nướng, thăm đứa con này, giúp đứa kia trong khi các ông, thì phần đông ngoài công việc sở đâu có làm chuyện gì khác ngoài chuyện lo cho mình.  Bây giờ tự nhiên có một khoảng trống, chẳng biết làm gì trám vào đấy.  Vậy là các ông đáng lo hơn tôi!

 

Vậy mà sao tôi vẫn có những ngày khắc khoải.  Hay là chuyện “về hưu” gắên liền với hai chữ “về già”?Là chấp nhận mình đã bước sang một giai đoạn khác của cuộc đời, một “dung nhan mùa thu” của cuộc đời?  Có lẽ vậy mà tâm tư tôi rối bời chăng?  Nhưng tôi chưa chấp nhận là tôi già.  Tôi biết tôi chưa già.  Hai câu thơ của một ngưòi bạn gửi cho từ Việt Nam, chẳng biết là thơ của ai mà tôi “chịu “lắm:

 

Soi gương thì thấy đã già

Soi lòng thì thấy vẫn là trẻ trung!

 

Thật thế đấy, tôi có thấy tôi già gì đâu?  Lúc đi dậy học, lúc đi hỏi vợ cho con thì phải cố làm ra mặt trịnh trọng để “quan trên trong xuống, người ta trông vào” chứ sau đó, tôi vẫn thích nói tếu khi gặp các bà bạn giáo sư LVD của tôi và vẫn thích nghịch ngầm như ngày còn đi học!

 

Phần đông khi “về vườn” phải quan tâm đến vấn đề tiền bạc.  Cô em dâu tôi một hôm điện thư cho tôi, “Chị Thu ơi, gửi tặng anh chị mấy bài thơ “hưu non” tuy anh chị là loại... “hưu già”để đọc cho vui...(Cô âý không biết là tôi ... còn trẻ, chưa được lãnh Medicare):

 

Hưu non lãnh được có ba trăm

Chẳng đủ tiêu nhưng cũng chẳng cần

Không rượu, không trà, không thuốc lá

Chỉ đủ mua dăm thuốc bổ gân!

(NTL)

 

                        Thanh thản hưu non được vài trăm

                        Rộng giờ nghiên bút khỏi kiệm cần

                        Kìa mây trời nuí cùng hoa lá

Hòa với hồn ta vẫn cứ gân!

(Sóng Việt)

 

Cảm nghĩ này đúng với các ông bà, nhất là các ông tâm tình giản dị, chỉ quan tâm đến vấn đề tài chánh và vui chơi, chứ không phải tâm trạng của nhửng ngưòi đàn bà như tôi.  Một người bạn rất thân cỉa tôi đã về hưu vài năm nay gưỉ tặng tôi những dòng cảm nghĩ này:

 

Tóc đã thôi không nhuộm nữa rồi!

Phấn son còn lại chút này thôi,

Vết nhăn đã sạm trên vừng trán

Vĩnh biệt nhau rồi tuổi trẻ ơi!

 

Nhìn lại cuộc đời qua cửa sổ             

Bỗng thấy sao không khỏi ngậm ngùi.

Thực hư có đấy rồi không đấy

Có cũng vui mà không cũng vui...

 

Tôi thấy thấm thía quá. Tôi đã “về vườn”!  Tôi phải chấp nhận là cuộc đời tôi đã đến lúc có những âm hưởng của mùa thu...

 

Viết tặng các em  LVD

12/3/2000