Nước mắt trông theo
Như cơn gió lốc, thằng Tùng mở bung cửa, chạy thẳng tới bàn thờ, quơ tay cầm cái bọc nylon mở ra, lựa lấy cái áo thung màu olive của nó ôm vào ngực, và cũng lại như lúc vào, nó quay lưng chạy ra sân, phóng đi mất hút. Bà Thắng nãy giờ im lặng nhìn con trai, chưa kịp lên tiếng đã thấy nó bỏ đi. Bà hốt hoảng gọi với theo: “Tùng, Tùng ơi! Con về sao lại đi Tùng ơi.” Bà cũng vụt đuổi theo nó, vấp ngã ngay ngưỡng cửa.
Mở bừng mắt, ngồi bật dậy, thở dốc, bà Thắng nhìn ra tấm cửa bằng phên liếp, đã bị cơn gió lùa thổi bung, nằm trên nền nhà đất ẩm. Trời mưa rả rích, cơn mưa rừng đến từ lúc nào bà Thắng đâu có biết. Bà bị bệnh đã hơn mười ngày nay, ho như xé phổi, từng cơn, từng cơn vật vã thể xác. Toàn thân chỗ nào cũng đau, các khớp xương, bắp thịt và đầu cũng vậy, bà cảm thấy như hàng trăm con dòi, con bọ đang ăn trong óc bà. Nhức buốt vô cùng, bà quá khổ vì chứng bệnh đang hành hạ mình. Bà Thắng nhìn lên bàn thờ, cái bọc nylon, gói chiếc áo thung nhà binh của con trai vẫn còn nguyên chỗ cũ, bụi phủ... Bà nhận ra là sự trở về của thằng Tùng - đứa con trai độc nhất của bà - chỉ là giấc mơ đau đớn như thân xác bà đang chịu đựng lúc này.
Mất thật rồi! Không còn cách nào và chẳng còn ai có quyền phép gì để mang trả cho bà đứa con ngàn triệu lần yêu thương được nữa. Ba mươi năm rồi còn gì! Bà bỏ Saigon lên khu kinh tế mới Cẩm Ðường, để đợi mong con về với mẹ, mà vẫn biệt tăm. Hơn ba chục năm còm cõi, lao khổ để nuôi cái hy vọng ngọt ngào, ôm đứa con trai vào lòng mà vò tóc nó, xoa tới tấp trên cái đầu hớt tóc kiểu bàn chải của “thằng chó.” Như những lần nó về trước đây.
Ba mươi ba năm rồi con ơi! Tùng ơi! Mẹ ngắt từng hơi thở cố dành lại, để chỉ mong được nhìn thấy con về với mẹ một phút, một giây thôi, đủ thỏa lòng mẹ rồi Tùng ơi! Vậy mà con vẫn biệt mù tăm tích. Con chết thật rồi phải không? Sao lại như thế được nhỉ? Sao lại có chuyện con bỏ mẹ mà đi, ba mươi ba năm rồi không ghé về thăm mẹ được một giây? Tại sao thế. Tại sao con tôi bị biệt tích? Ai đem nó đi biệt?
Bà cố dằn cơn ho và chịu đựng cơn đau để đứng dậy, quơ chân tìm đôi dép Nhật, chỉ còn cái đế, quai cũng đã đứt, được thay bằng sợi dây dừa. Bà Thắng đưa tay với cây gậy dựng ở đầu giường, chậm chạp từng bước nặng nhọc, đi tới bàn thờ, bà ngước mắt nhìn hai tấm hình chồng và con trai. Hình ông Thắng quá cũ, vàng mốc, góc trái đã tróc mất mảng màu đen trên cái cổ áo vét của ông; kế bên là thằng Tùng, nó đâu có chụp hình bao giờ, bà phải lục trong cái rương đựng quần áo của nó, tới tận đáy mới tìm thấy cái hình nó chụp lúc nó mới đăng lính. Hình làm hồ sơ, nên có cái bảng ghi số quân để ngang ngực, hình nhỏ bằng hai ngón tay.
Thật ra bà đâu có thờ thằng Tùng, nó chưa chết mà, nó chỉ bỏ đi đâu đó, sau lần nó về nhà lần cuối cùng trong sự hốt hoảng, để thăm bà mấy phút. Bà còn nhớ nó vội vàng cởi cái áo thung màu olive đang mặc, để thay cái khác. Chiếc áo bẩn bà đã giặt sạch đợi con về lấy đã hơn ba mươi năm, vẫn còn để trên góc trái bàn thờ. Làm sao bà quên được buổi chiều sầu thảm ấy.
Tất cả mọi con đường đều ùn ùn dòng người, dòng xe xuôi ngược. Tiếng còi, tiếng súng từ xa, gần, dội lên từng chặp. Khu Thị Nghè, nơi bà ở, mọi người đang cuồn cuộn chạy vào nội ô, hơn một lần nơi này đã bị giặc chiếm, nhà cháy, người chết. Ðánh nhau cả tuần lễ mới hết. Bây giờ đang đánh nhau bên kia cầu xa lộ. Bà Thắng cảm thấy như nghẹt thở, đứng lên ngồi xuống hàng chục lần, tâm trạng phân vân, muốn theo mọi người tạm xa nhà ít bữa, nhưng bà suy nghĩ mãi mà cũng chưa quyết định được là đi hay ở. Và, bất chợt bà nghe tiếng xe ngừng ngoài đầu ngõ, thằng Tùng chạy vội vào nhà, nó nói: “VC đã đến gần lắm rồi má! Tụi con đang đánh với chúng nó ngoài xa lộ, má liệu đi đâu đó đi. Không chừng nó sắp pháo kích vào khu nhà mình đó, ở nhà nguy hiểm lắm má!”
- Ừ, từ từ chút nữa má sẽ tính, mày ăn gì chưa, má lấy cơm cho con ăn nha?
- Thôi má ơi, lẽ ra con đâu có ghé nhà được, đang đánh mấy cái chốt của nó, hết đạn M-79, đợi mãi không có ai tiếp tế, gọi máy họ cũng chỉ nói chờ. Ông đại úy, con và hai người nữa chạy về phía sau, chỗ mấy đơn vị phòng thủ nội ô xin đỡ ít trái. Con phải đi ngay, tụi nó đợi ở “ngoải.”
Thằng Tùng chỉ kịp thay chiếc áo lót, uống ly nước rồi tất tả chạy đi. Nó chẳng quay lại nhìn mẹ một lần. Lúc đó là 12 giờ 45 phút ngày 28 tháng 4. Ðến tận bây giờ, bà héo hắt đợi con về, niềm mơ ước được nhìn đứa con trai vàng ngọc của bà, bước qua ngưỡng cửa căn nhà đã từng giây hiển hiện trong mọi ý nghĩ của bà.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Bà nhớ rất rõ - Tiếng súng vẫn còn nổ nhịp nhàng từng lúc. Tiếng lớn tiếng nhỏ, rộ lên rồi lại im. Tuy đã gần nhưng vẫn còn ở bên kia cầu xa lộ, chưa bắn nhau trên đường phố. Rồi, bỗng dưng bà nhe radio đọc lệnh buông súng, chờ bàn giao. Sao thế nhỉ? Như vậy là QLVNCH thua rồi! Những người lính như con bà thất trận rồi chứ còn gì nữa!
Bà Thắng đóng kín cửa, cố đẩy chiếc bàn học của thằng Tùng ở góc nhà, chẹn ngang cửa ra vào, đề phòng trong lúc hỗn quân, hỗn quan bọn mất dậy đi hôi của, mặc dù nhà bà chẳng phải là nhà giầu. Khoảng chừng 1 giờ sau khi radio đọc lệnh đầu hàng, bà Thắng lắng nghe động tĩnh, không xẩy ra sự gì, bà mở cửa nhìn ra phía đại lộ, thấy mọi người cũng đang rụt rè rời nhà đi ra ngoài, bà cũng đi theo. Ðến lộ, bà nhận ra mọi sự đã sụp đổ thật rồi. Những chiếc xe tăng, những con người lạ hoắc, mũ tai bèo, quần áo coi dị hợm đối với bà đang chĩa mũi súng từ từ tiến vào thành phố Saigon, thủ đô VNCH, bà tự hỏi vậy là VC chiếm mất nước mình thật rồi sao? Thế những người Iính Cộng Hòa đi đâu hết? Thằng Tùng của bà nữa, đơn vị của nó “bàn giao” xong chưa? Mà sao mãi vẫn chưa thấy nó về.
Có tiếng chân bước vội vã sau lưng, quay lại bà nhìn thấy lác đác mấy người lính VNCH, đã bỏ quân phục, có người ở trần, người thì áo chemise chẽn, bó chặt lấy thân, quần xà lỏn - áo quần vừa xin được của ai đó. Họ đang đi lầm lũi từng bước thất thểu, có người khóc không thành tiếng. Họ dùng những con đường hẻm ngang dọc để tìm về gia đình. Trời bỗng dưng tối sầm, mây xám giăng ngang, và những giọt mưa rơi đây đó trên mặt đường, không gian dường đang khóc ở trên cao.
Bà Thắng chợt nghe có tiếng nói nhỏ bên cạnh, hai người đàn bà vừa ghé tai nhau thì thào lúc vượt qua mặt bà. Họ đi như chạy về phía trước: “Tội nghiệp quá chị Năm ơi! hai người lính đó không biết “uýnh” ở đâu mà một người bị thương, họ dìu nhau dìa tới đầu hẻm 295. Hai người ngồi lại, họ lấy súng tự bắn nhau, tự vận chết hết trơn rồi!”
Bà Thắng chột dạ, nghĩ nhanh đến thằng Tùng, bà cố dằn cơn hồi hộp, bước vội về phía con hẻm 295. Kia rồi, hai ngươi lính nằm trên lề đường, họ mặc đồ rằn ri, bà Thắng càng hoảng hốt hơn, bước vội tới gần. Bà thở một hơi thật dài, nỗi lo âu vuột khỏi lồng ngực. Một chút mừng lóe nhanh trong óc. Hai người lính BÐQ nằm chết bên nhau trong tư thế một nằm ngửa, một nằm nghiêng gối đầu lên bụng bạn. Họ đã chết nhưng mắt vẫn mở, trời cao mây xám vẫn bay trong lòng con ngươi. Bà Thắng bỗng nhận ra mình tàn nhẫn, vô duyên. Ai chết miễn không phải con bà là được.
Bà tự sỉ vả mình thật nặng. Bà khấn thầm trong lòng, “Lậy Trời, lậy Phật xin gia hộ độ trì cho hai người lính này chết thảm ở đây. Làm sao bây giờ, ai lo cho họ? Gia đình họ ở nơi nào? Hai người lính tuổi còn trẻ, nhỏ hơn cả thằng Tùng nữa. Tại sao họ lại tự bắn để cùng chết trong lúc giặc đang vào thành phố như thế này.”
Bỗng một loạt đạn nổ ròn, chiếc xe jeep VNCH cắm cờ Việt Cộng thắng gấp, thêm một tràng liên thanh nữa, mọi người chạy dạt ra, có người co chân nhảy sát vào hiên nhà, người thì té lăn xuống mặt đường. Một toán “VC con” nhảy xuống xe, tay trái đeo băng đỏ, tay phải cầm súng M.16. Mấy thằng mất dạy, lũ cỏ đuôi chó, trộm cắp biến thành Việt Cộng! Một thằng trong bọn khoác khẩu M.16 lên vai phải, thêm cây súng lục của Cảnh Sát nhét lưng quần trước bụng. Chắc nó là thằng chỉ huy nên cất giọng lấy oai:
- Ðồng bào nghe đây, giải phóng rồi, nhà nước độc lập rồi. Mừng cách mạng thành công. Yêu cầu đồng bào giải tán, ai về nhà nấy sinh hoạt bình thường. Hai thằng lính ngụy ác ôn này chết là đáng lắm, chúng nó nợ máu nhân dân thì phải trả.
Chẳng ai nói một lời, lặng lẽ trở về nhà. Bầu trời xám hơn, mây xuống thấp, luồng gió lạnh thổi áo bà Thắng bay lất phất, dường như mùa thu bỗng có trong ngày hôm nay. Trên đường quay lại nhà, bà nghe tiếng một ông già:
- ÐM. Mấy thằng chó đẻ, mới hồi hôm tao thấy tụi khốn nạn này còn lạng quạng chỗ chợ Thị Nghè, rình móc túi, giựt giọc, bữa nay đã là cách mạng. Thiệt hết biết! ÐM. tụi bay mà không có súng trên tay, tao dộng thấy con đĩ mẹ tụi bay.
Bà Thắng không dám ngoái nhìn lại coi ai đang nói sợ bị vạ lây, bà đi nhanh về nhà để chờ con trai. Bà nuôi hy vọng thằng Tùng sẽ được yên thân, nó chỉ là trung sĩ không phải quan.
***
Chiến tranh mỗi ngày một gần hơn với làng cô Ngân. Máy bay Tây đảo qua, đảo lại trên vùng quê thường hơn. Dường như ngày nào cũng có con “bà già” bay vè vè trên trời dòm xuống vùng ruộng chiêm trũng này, lần nào cũng vậy hễ bà già vòng vòng từ 10 đến 15 phút là sau đó đại bác từ trên phố phủ bắn về, từ đồn Cầu Họ bắn qua, ít nhất cũng cả chục tiếng nổ. Thôn xóm của Ngân chẳng ai dám ra đồng mà làm lụng đông đúc nữa, đã có lần dưới xóm Thủy, đạn đại bác rơi trúng ngay chỗ mấy người đàn bà đang ngồi nghỉ trên bờ ruộng, chết cả sáu người.
Gia đình Ngân thuộc loại khá giả trong làng, trong tổng, vì cha cô là lý trưởng và cũng là một nhân vật có vai vế trong làng. Ruộng vườn cung cấp thóc lúa cho gia đình cô mỗi vụ đủ dùng, còn dư ra ít nhiều. Nhưng năm nay thì cả làng đang bị đói, gia đình Ngân cũng trong số ấy. Bố mẹ Ngân có hai người con. Anh Trọng của Ngân, đi kháng chiến ngay từ buổi đầu. Trọng học, thi đậu bằng thành chung, làm việc tại Nam Ðịnh và cũng tại đó Trọng cùng đồng đội vào ATK (an toàn khu) luôn, chưa ghé về nhà lần nào.
Thỉnh thoảng, ông bà Lý Thạc - Bố mẹ Ngân - nhận được mẩu nhắn tin từ đâu đó là tình hình chưa cho phép. Bao giờ kháng chiến thành công, con trai ông bà sẽ về nhà. Ngoài ra còn có câu kèm theo “Thầy đẻ sốt sắng ủng hộ kháng chiến càng nhiều càng tốt, hãy hy sinh bây giờ, tiền bạc, lương thực có đầy đủ thì quỹ nuôi quân mới dễ dàng chăm lo cho bộ đội, có đủ sức mà đánh giặc Pháp và tay sai Việt gian. Ông bà Lý Thạc có hỏi gì thêm cũng chỉ được người liên lạc cười tự đắc trả lời: “Cụ đừng lo gì cả, anh ấy đi kháng chiến là anh hùng chứ có phải đi làm nô lệ cho Tây như trước đâu. Cụ nên mừng và đóng góp cho quỹ kháng chiến nhiều hơn nữa mới phải. Các đồng chí ấy được đảng chăm lo, giáo dục, soi đường cho mọi người tiến lên, dưới ánh sáng của cách mạng. Cụ phải tuyệt đối tin tưởng, chao đảo là hỏng đấy.”
Riêng bà vì nhớ con có gặng hỏi cách nào cũng không bao giờ biết Trọng đang làm gì và ở đâu. Ðó là nguyên tắc bảo mật của mọi cuộc kháng chiến. Ông bà Thạc và Ngân có xin liên lạc viên cho gởi ít chữ cho Trọng cũng không được - Tuyệt đối không đem theo một mẩu giấy dù là chỉ một chữ - Chẳng may bị lọt vào tay giặc thì khốn. Tất cả chỉ là lời nhắn mà thôi, tuy nhiên nếu có muốn gởi tiền hay thuốc tây trị bịnh thì được. Tốt nhất là gởi tiền, dễ mang và không nguy hiểm. Tiền gởi cho thân nhân kháng chiến mà nhiều thì công cuộc kháng chiến càng mau chóng thành công.
Làng của Ngân có tên là làng Tán, các con đường Hà Nội, Nam Ðịnh gần 4 kí lô mét, sâu mãi trong cánh đồng chiêm, lụt lội là chuyện xẩy ra hàng năm. Chỗ nào cũng chỉ thấy mênh mông nước trắng. Cây lúa cứ phải ngoi lên theo mực nước để trổ đòng, kết trái. Mùa gặt mới là nỗi cực nhọc. Người thợ gặt phải kéo theo chiếc thuyền, khi cắt lúa, phải dìm mình xuống nước dùng liềm cắt ngầm, rồi xếp lúa lên. Khi thuyền đầy kéo tới một gò cao hay con đường bờ. Những người có nhiệm vụ vận chuyển đã đón sẵn, bó thành từng bó, gánh về làng. Chịu lạnh, chịu cho đỉa đeo như thế cả tháng, mỗi ngày từ sáng đến chiều. Mọi hoạt động của chính quyền kể như không có và không cần biết đến. Thỉnh thoảng từ trên phố phủ (huyên lỵ), mới mở một cuộc hành quân ruồng xét. Mỗi lần như vậy, máy bay bà già quần quần trên trời, nghiêng qua ngó lại, đại bác bắn dọn đường sau đó mới là những tốp lính từ từ băng đồng tiến vào làng, vừa đặt chân tới bìa làng là mấy ông tây bắn như vãi đạn, bờ tre, gốc dứa, ao cá cũng bắn, vừa bắn vừa cười coi như là một trò vui.
Ðã không ít người bị đạn lạc như bà Quản Trúc, người cô góa bụa, mù lòa của Ngân, nghe tiếng súng nổ phía chuồng heo, sợ heo chết hay bị bắt mất, bà Quản Trúc lần mò ra sân, mới lò dò được vài bước, bà bị một viên đạn từ đâu đó chui thẳng vào hốc mắt, phá toang hoác ra sau gáy. Bà Quản không kêu được một tiếng, ngã vật xuống chết tức khắc. Óc, máu chảy đầy một vũng, mấy con chim trên cành sà xuống mổ ăn lia lịa. Vì vậy, mỗi khi có tiếng súng nổ là mọi người đều tản mỏng để trốn. Ðàn bà con gái, đàn ông tuổi sồn sồn chạy ra cánh đồng, ngâm mình trong ruộng lúa để lính Tây không thấy. Nếu để bị bắt gặp thì chuyên chẳng lành sẽ đến ngay. Hãm hiếp và chết chóc tới tức thì...
Sau này lập tề, trên huyện cho dựng một đồn do lính Quốc Gia trấn giữ, ngay ngã ba đường số 1 và con lộ nhỏ đi vào chợ huyện. Cũng chẳng hơn gì, tuy không phá phách bắn bừa như những anh lính Tây, nhưng có khi cả tháng họ mới vào làng, tập họp dân chúng, nói năm điều ba bốn chuyện, giải thích điều này việc kia chừng vài tiếng đồng hồ, họ rút trở về đồn. Chuyện cũ vẫn như cũ! Có nghĩa là ngôi làng Tán của gia đình Ngân tuy ở vùng tề, thực tế nó chính là con mắt của ATK. Cán bộ, liên lạc, từ chiến khu, liên khu luôn luôn có mặt, không kể ban đêm, ngay cả ban ngày họ cũng tổ chức những buổi học tập. Phát động phong trào tích cực góp quỹ kháng chiến, ngày càng nhiều hơn. Hũ gạo nuôi quân cứ tăng dần, mỗi gia đình phải tự giác tăng số lượng đóng góp. Thuế nông nghiệp cũng đã bắt đầu tăng gấp hai. Cuộc sống của gia đình Ngân đã đến mức bần hàn.
Trước kháng chiến, dù chỉ có trên sáu mẫu ruộng, ông Lý Thạc, canh tác bằng cách thuê người làm công, tất cả mọi việc từ gieo mạ, cấy gặt đều thuê người. Bây giờ an ninh không có, đạn bom ưng nổ là nổ. Thanh niên đi lên chiến khu, đi bộ đội và cũng có cả di lính Quốc Gia nữa nhưng rất ít và thân nhân của các người này sống không nổi trong làng cũng đã phải bỏ đi phiêu bạt nơi thành phố hay chốn nào đó để tránh bị khủng bố. Với tất cả sự cố gắng, ông bà Thạc cũng chỉ canh tác được hai mẫu ruộng, còn lại thì đành bỏ hoang. Lúa thu được từ mỗi vụ mùa, đóng thuế đã gần hết chỉ còn lại chút ít ăn cầm chừng, chống đói.
Bà Thạc phải ra đồng cùng với Ngân hai mẹ con mò cua bắt ốc. Tát nước chỗ này be bờ chỗ kia để vớt mớ tép, mớ cá lẹp. Về, nếu nhiều thì đem bán bớt còn để lại một ít kho mặn. Ðiều may mắn là nhà ông lý Thạc đất khá rộng, trong vườn trồng cây ăn trái cũng khá nhiều, để thay gạo, bà Thạc đã kho cá với mít non, rồi lại đổi món, nấu chuối xanh - gọi là ốc nấu chuối cho sang. Vài ba con ốc, ít lá tía tô, nấu nguyên cả nải chuối. Ăn xong có bữa ông Thạc nói đùa với vợ: “Hình như bà bỏ đá tảng vào bụng tôi, sao thấy nặng quá.” Bà Thạc thở dài: “Cơ ngơi này chắc mình còn đói khổ nữa chư chưa thôi đâu ông ơi! Tháng sau nghe đâu lại có lệnh thâu thêm thuế thịt nữa đấy. Mỗi gia đình bổ đồng 40 cân thịt quy ra tiền mỗi năm. Cán bộ nông nghiệp sắp về làng dạy cách nuôi gà vịt, lợn để cho chúng mau lớn, nặng cân mà nộp thuế nuôi quân kháng chiến.
- Nếu thế chỉ còn nước chết thôi.
- Chết được thì may quá!
***
Ðời sống của dân làng trầm xuống, tất cả mọi thứ đều cạn kiệt. Mấy năm trước còn có rơm rạ để đun nấu, giờ đây cũng hết, thay vào đấy là thân cây chuối, chẻ dọc phơi khô. Lúc đun nấu chỉ có lửa không có than để ủ, cháy xong là tàn luôn. Người trong làng, gặp nhau ngoài ngõ,ngoài đồng, chẳng ai muốn chào hỏi hay chuyện trò giây lát. Vì đã xẩy ra trường hợp, cơ cực quá, thuế không đủ đóng, than thân trách phận, kháng chiến nghe được cho người về dẫn đi một năm sau mới được tha về - Mặt xanh nanh vàng, cậy răng cũng không dám thở dài nữa.
Hai mẹ con Ngân từ sáng sớm đã ra ruộng để quơ cào tôm tép, bắt được bà lựa những con ngon, béo mập, mang lên chợ huyện bán, kiếm chút đỉnh tiền lời. Chẳng có gạo, bà mua khoai lang, về ăn giặm thêm với mít non luộc. Khóc mãi đã cạn nước mắt, bà Thạc quắt queo như thân cây khô. Ông Lý Thạc thì gần như thành tượng đá, sáng, trưa, chiều, tối ông lẩn quẩn với những cây mít, cây hồng, cây cam, cây khế ngọt. Những thứ cây này trở thành vô duyên vì bán chẳng ai mua, ăn trừ bữa không được. Chỉ còn quả mít, nải chuối thì lại càng không dám bán. Quét chỗ này, nhặt lá khô chỗ kia chán rồi ông vào nhà nằm như vô hồn trên chiếc tràng kỷ, vắt tay lên trán lặng ngắt hàng giờ.
Cuối Thu năm 1952, những cơn gió xa từ phương Bắc đã thổi về heo hắt, cây đã trụi lá, khom lưng chịu nổi cô quạnh. Buổi sáng vừa thức dậy, Ngân đang chuẩn bị cái giỏ, sợi dây lạt quấn ngang lưng, ống vôi trộn mồ hóng trừ đỉa, để sẽ qua đồng làng Gai bên cạnh để mò cua, vạt tép như mọi ngày.
- Ngân ơi, lên đây thầy bảo cái này. Ông Lý Thạc gọi con gái.
Ngân từ nhà ngang bước lên đã thấy bố mẹ đang ngồi trên cái chõng tre vẫn được dùng làm bàn ăn, bà Thạc nói:
- Vào đây con, ngồi xuống nghe thầy con dặn.
Ngân ngồi xuống kế bên mẹ, ngạc nhiên và lo lắng không hiểu chuyện gì mà lại lạ như sáng nay thế này. Ông Lý Thạc cất tiếng, giọng trầm, rè, xúc động:
- Thầy đẻ quyết định hôm nay cho con lên ở trên nhà cô Cửu Phúc. Cô ở trên phố Phủ đang bán tạp hóa cũng đỡ không đói con ạ. Thầy đã liên lạc được, cô Cửu nhắn về cho con lên ngay, phụ với cô buôn bán và lâu lâu lên tỉnh cất hàng với cô.
- Thầy đẻ! Con chả biết ra sao cả, con lên cô Cửu thì thầy đẻ ở nhà với ai. Thôi, cho con ở nhà khi nào quá lắm hẵng hay thầy ạ!
Ông Lý Thạc gằn từng tiếng quyết định: “Con phải đi ngay sáng nay, đẻ con sẽ đi cùng nhưng đến bìa quốc lộ thì đẻ về, con cứ dọc quốc lộ đi thẳng đến nhà cô Cửu. Ði ngay bây giờ, lấy quần áo nhét vào trong cái giỏ cua ấy và con mặc thêm cái áo nữa vào bên trong.
Quay sang vợ, ông nói tiếp: Bà đi với con, cứ xuôi về phía làng Gai, bắt vài con tôm con cá gì đấy, rồi hai mẹ con đi sang đồng An Tập một khoảng xa xa hãy đổ ngược ra phía quốc lộ. Cẩn thận. Chúng nó bắt gặp, chặn lại là hỏng hết.
- Con đã nói cho con ở nhà, đói khổ bao nhiêu con cũng chịu, con đi bỏ thầy đẻ làm sao đành!
- Con nghe thầy nói lời cuối cùng này, nếu con cứ nhất định cãi, thầy sẽ thắt cổ chết cho con xem, thà tao chết trước khi cớ sự xẩy đến cho mày.
Ngân lau nước mắt, khóc rấm rứt. Bà Thạc giọng ướt đẫm và nghẹn: “Con ơi, mày không lên cô Cửu thì cả nhà mình cùng chết. Mấy hôm trước thằng mõ Xòe nó lẻn đến nói cho thầy biết là cuối tháng này, làng mình phát động đợt dân công 6 tháng, những người đi dân công đợt đầu có tên con đấy. Mõ Xòe bây giờ là trưởng ban thông tin, nó thương nể thầy con nên cho hay để tính. Lộ ra thì thằng Xòe ốm đòn, rồi còn ở tù nữa, nhà mình cũng nguy con ạ!”
Ông Lý Thạc đã đứng sau lưng con gái từ bao giờ. Không khóc nhưng mắt ông đỏ lên, đưa tay xoa đầu con, ông nói như mất hơi:
- Con lên ở với cô Cửu Phúc (cô Phúc là em gái ông, chồng được phong hàm cửu phẩm của nhà vua), cố mà giữ gìn, để xem tình hình thế nào đã, thầy đẻ sẽ nhắn cho con sau. Thôi hai mẹ con đi đi.
Ông Thạc quay lưng bước vội về phía trường kỷ, ngồi vật xuống. Ngân và mẹ cùng lau nước mắt, thu xếp đồ đạc, Ngân mặc thêm chiếc áo, nhét vào giỏ cái quần. Mấy thứ vặt vãnh Ngân để lại cho mẹ. Có nhiều nhặn gì đâu, mấy năm rồi không may thêm được cái áo.
Mẹ con bà Thạc giữ vẻ bình thản như mọi ngày, đi về hướng xóm Thủy để sang cánh đồng làng Gai. Hai người lội xuống ruộng, như hai cái xác giữa đồng nước.
Con lộ nhựa, đường xe lửa đã ở trước mặt. Bà Thạc vịn tay con gái leo lên lề đường, bà và Ngân dõi mắt nhìn quanh. Cả hai chiều Nam Bắc đều vắng bóng người. Con đường sắt chạy cặp bên quốc lộ hiện mầu hoen rỉ lâu rồi, không một chuyến tầu xuôi Nam, ngược Bắc. Ngân nhìn theo hai thanh ray song song bên nhau, chặp lại ở nẻo xa hút mắt. Con chim cu gáy duy nhất đậu trên sợi dây thép, gật gù theo nhịp võng đưa của gió.
- Này Ngân! Mẹ phải về nhá, con cứ đi thẳng lên nhà cô Cửu, em Long đón con ở đầu phố phủ. Mẹ về không thầy mày lại mong. Cố giữ gìn sức khỏe, đừng để cô Cửu giận con ạ!
- Mẹ đi với con một quãng nữa - Ngân cố níu kéo.
- Ði mãi cũng vậy thôi, ngày một ngày hai thầy đẻ sẽ gọi con về ấy mà.
Nói xong, bà Lý Thạc bước trở lại ruộng nước. Ngân chết lặng dõi theo thân hình còm cõi của mẹ đang ngâm mình sâu dần xuống nước, trên cánh đồng mênh mông hoang vắng. Không kìm được nữa, Ngân vật mình nằm gục trên gờ đá, khóc thành tiếng, gọi trong nỗi đau xé lòng: “Ối thầy ơi, đẻ ơi! Trời ơi sao lại khổ thế này!”
Lịm đi như vậy bao lâu không biết, lúc nhìn lên, Ngân không thấy mẹ trên đồng chiêm trũng nữa. Có lẽ bà đã về đến nhà, hay còn rán mò thêm vài con ốc về nấu chuối ở đâu đó tuốt mãi trong ruộng đồng làng Tán. Từng mũi kim đâm vào lòng, Ngân mường tượng ra cảm giác lần giã biệt mẹ cha là muôn trùng, là miên viễn. Từng bước thấp cao, màn nước che mắt, Ngân đi về phía nhà cô Cửu Phúc trên phố phủ.
Như đã linh cảm lúc ra đi. Thầy đẻ Ngân cũng không còn ở làng nữa. Ngân không về, không dám về, nhưng được người làng nhắn với cô Cửu Phúc: Nửa năm sau ngày Ngân lên ở trên phố phủ, có người từ ATK về nói với ông bà Lý Thạc, kháng chiến cho hắn ta về đem ông bà vào vùng tự do, an ninh hơn và đồng chí Long Vân (bí danh của Trọng) yên tâm phục vụ kháng chiến hơn (?). Rồi biền biệt từ đó.
Ngày tháng qua đi trong nỗi cô quạnh của Ngân. Nỗi nhớ về cha mẹ không sôi sục, vật vã trong tâm tưởng như buổi đầu, nhưng vẫn là những se sắt, cay xót lúc một mình. Nửa khuya chợt thức giấc vì vẳng nghe tiếng mẹ gọi, tiếng cha kêu đi hái cho ông một ít lá chè xanh ngoài vườn để nấu ấm nước buổi sáng. Dường như tất cả đã hóa vôi, kết khối ở linh hồn.
Ngân sống đều đặn với công việc hàng ngày. Cô Cửu Phúc thương cháu, dưng không thành côi cút, cô lấy cơ giường rộng, ngủ một mình lạnh. Bà kêu Ngân ngủ chung với cô. Hai cô cháu rù rì nói chuyện, mục đích cho Ngân nguôi ngoai nỗi cô tịch.
Và, rồi Ngân lấy chồng. Thằng Long con cô Phúc rủ thầy giáo Thắng về nhà chơi. Thầy Thắng được bổ về dạy trường tiểu học của huyện. Ông dạy lớp Nhất. Các lớp còn lại phần ông giáo Quảng và cô giáo Nơ, người địa phương. Cách một hai tuần Long lại rủ ông Thắng đến chơi, ở lại ăn cơm với gia đình. Long cố ý đẩy đưa cho Ngân và ông Thắng nói chuyện với nhau, sau vài lần như vậy, cả nhà cùng nhận ra Thắng và Ngân đã thân nhau. Ðôi lúc họ nói chuyện có vẻ riêng tư. Ngân đã chịu nói nhiều hơn, dáng tư lự, trầm lặng đã vơi bớt phần nào khi có Thắng và Long, đặc biệt khi chỉ có một mình Thắng.
Cả huyện Bình Lục có ba người được nể trọng: ông Thiếu Úy Bình, trưởng đồn quân đội, trấn giữ phía Nam của phố phủ. Ngả Bắc đã có một đồn Tây, do ông quan hai Tây làm sếp bốt, người thứ hai là Long, con bà Cửu Phúc, đang làm việc trên tỉnh và thứ ba là thầy giáo Thắng, người đang cố gắng đem chút chữ nghĩa cho đám trẻ con trong vùng và ông là người có bằng Thành Chung. Hai hoặc ba tuần họ gặp nhau một lần. Long từ trên tỉnh về, mời ba người bạn đến nhà mình ăn cơm.
Ngân trở thành bà Thắng - bà giáo Thắng - không ở nhà cô cửu Phúc nữa, về với chồng nhà ở gần trường tiểu học, mỗi ngày bà Thắng (Ngân) vẫn ra phụ bán hàng cho cô Cửu Phúc, theo ý chồng và cũng một phần cô Cửu Phúc đã yếu nhiều vì tuổi cao.
Một năm sau - đầu 1954 - ông bà giáo Thắng có đứa con đầu lòng, ông đặt cho nó tên là Tùng, vì muốn nó có cuộc đời đẹp như cây tùng, cây bách. Nhưng rồi một ngày oan nghiệt lại phủ xuống đời Ngân. Ðúng ngày đầy tháng của thằng Tùng. Bà đã chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ để mừng nó và cũng để cầu xin Trời cho thằng con mau lớn, khỏe mạnh. Tiệc đã bày sẵn trên bàn, Long, Thắng, Ngân và cô Cửu chờ mãi vẫn không thấy Thiếu Úy Bình đến.
Long đưa ý kiến hai người xuống đồn mời Bình như vậy hắn mới chịu đi, không chừng cu cậu còn đang bài bạc hay có gì trong đồn. Ra đến cửa, Thắng còn quay lại dặn vợ, chỉ lâu chừng 15 phút sẽ quay về tới nhà. Mười lăm phút, 1 giờ, rồi đến xế chiều, chẳng thấy chồng và Long về, bà Thắng sốt ruột và lo, nhờ cô Cửu trông giùm thằng Tùng để đi tìm Thắng, Long. Ði đến tận đồn binh của Thiếu Úy Bình, bà Thắng cũng không biết tin tức gì của chồng. Hỏi trong đồn thì bà được biết, sáng sớm nay Thiếu Úy Bình đã đi cùng 6 người lính về tỉnh rồi, ông Thắng và Long không đến đây.
Gần trưa hôm sau, cả phố phủ nhốn nháo: Hai người đàn ông bị cắt cổ chết, treo ở cây đa đầu làng An Tập, cách đồn Cầu Họ chừng bốn năm trăm mét. Lính Tây kéo xuống, Thiếu Úy Bình dẫn theo một trung đội tới đầu làng An Tập. Bà Thắng, cô Cửu Phúc cũng đã có mặt.
Thầy giáo Thắng và Long bị giết cắt đứt cổ, treo ngược trên cành đa, bản án viết tay nguệch ngoạc ghim trên ngực áo: “Tội danh Việt gian, thì thụt với bọn lính tay sai để làm gián điệp. Nhân dân cần phải trừng trị những kẻ phản quốc như hai tên Việt gian này.”
Tang ma cho cho Long và thầy giáo Thắng xong, một tháng sau, theo lời khuyên của Thiếu Úy Bình, Ngân đưa con về Hà Nội. Bình sẽ gởi Ngân đi theo chuyến xe liên lạc, đến vào cuối tuần, Bình cũng viết thư cho vợ dặn dò, tìm mọi cách giúp đỡ cho Ngân (bà Thắng) có việc làm để nuôi con, cần nhất là lo giấy tờ tùy thân cho bà.
Bà Thắng được nhận vào bán vé cho rạp ciné Hà Nội trên phố Huế, đối diện với chợ Hôm. Công việc tương đối dễ dàng, có giờ chăm nom cho thằng Tùng. Nó có khuôn mặt của ông Ngoại. Riêng cặp mắt là bản sao của cha nó, thầy giáo Thắng.
***
Ðất nước chia hai - Quốc Gia, phía Nam; Việt Minh, phía Bắc (Cộng Sản VN đã hiện nguyên hình). Lần thứ hai, bà Thắng nghe lời khuyên của vợ chồng Bình đi Hải Phòng rồi xin di cư. Di cư là phiêu lưu vào nơi xa lạ, chẳng một người thân, nhưng suy cho cùng nếu ở lại thì bà cũng chẳng còn ai nữa. Trơ trọi hai mẹ con.
Trong tận cùng của đau khổ, đau xót, còn bừng bừng nỗi thù hận, bà Thắng tự hỏi tại sao tai ương, thảm nạn lại liên tiếp giáng xuống gia đình bà, úp cái bàn tay nhếch nháp, dơ bẩn xuống đời bà, tại sao? Trời, Phật, Thánh, Thượng Ðế hay gì gì nữa thuộc về linh thiêng ngủ ở đâu. Có liếc mắt nhìn về cõi trần để thấy bè lũ yêu tinh, quỷ dữ nó múa may, nhảy nhót. Chúng muốn đâm chém, giết ai thì chỉ đưa dao cắt cổ là xong. Hận thù chất ngất. Bà Thắng trách cả chồng: “Tại sao anh lại thật thà, ngây ngô đến thế, những con chó hoang rình rập, cắn trộm, uống máu người ta. Anh ỷ y, vô tình, để bây giờ con không có cha, vợ mất chồng. Mẹ con em biết làm gì để sống đây!” Những câu tự hỏi, những chữ tại sao ấy đã tích tụ, đã cô đặc lại thành một quyết định dứt khoát: Di cư vào Nam, rồi thì ra sao cũng được.
Vào đến Saigon, nơi mà lúc còn nhỏ ở quê nhà, bà Thắng thường nghe người làng nói là đi “Tân thế giới.” Với tuổi 22 đã trở thành góa phụ, bế đứa con chưa đầy một năm tuổi. Bơ vơ, ngoái nhìn quê cũ chẳng thấy đâu mà chỉ là mây xám cuối trời. Bà Thắng đã dằn tất cả mọi khổ đau, mọi ưu phiền để đứng thẳng lưng, tính toán với thực trạng, cách nào để nuôi con, nuôi thân, bà hỏi ý kiến vợ chồng ông Bình. Ông bà quyết định: “Chị không thể đi đâu được hết. Nơi này tứ cố vô thân, con chị còn nhỏ dại, chị làm gì để sống? Thằng Tùng lúc chị mới sanh cháu, tôi nhận lời bạn tôi đỡ đầu và lo cho nó như một đứa con ruột, ít nhất là về phương diện tinh thần. Bây giờ cũng vậy, vợ chồng tôi mời chị về nhà tôi ở, tại Thị Nghè. Rất may là tôi thuê được căn nhà một mà là hai; một chính, một phụ nằm thẳng góc với nhau. Chị đem cháu về ở chung với vợ chồng tôi, không phải lo gì chuyện nhà cửa, xin nhường chị căn phụ, nhỏ hơn một chút, vì tôi có 3 cháu nên ở căn lớn. Và, chị không được nói đến chuyện tiền bạc. Tôi thuê giá rẻ lắm, hơn nữa xin cho tôi giữ lời hứa với anh Thắng, để bạn tôi yên lòng nơi chín suối.”
***
Thằng Tùng lớn dần theo thời gian. Bà Thắng từ lâu vẫn đành nương nhờ vào lòng hào hiệp của bạn chồng. Bà tự nhủ thầm: Lúc ban đầu thôi, sau sẽ tính. Chẳng dè chữ “sau rồi sẽ tính” mấy chục năm vẫn chưa tính được. Từ lúc còn là góa phụ 22 tuổi, tóc xanh da mịn, bà cương quyết tôn thờ hình ảnh ông giáo Thắng. Người chồng vô vàn thương yêu. Con người từ tốn, say mê sách báo đến nhịn ăn để đọc cho xong cuốn sách. Hơn nữa ông Thắng đến với bà như một cái phao được để vào tay người đang chới với giữa dòng nước xoáy. Bà chỉ nung nấu một lòng sao cho thằng Tùng có cuộc đời xứng đáng để cha nó kiêu hãnh từ cõi âm nhìn về con mình.
Nhớ lại có lần, bà thấy bất tiện nếu cứ ở căn nhà này mãi, dù có riêng biệt nhưng vẫn là nhà ông bà Bình. Bà lấy cớ thằng Tùng đã lớn và muốn gần chỗ buôn bán, ngỏ ý xin ông bà Bình cho mình dọn ra ở riêng. Ông bà Bình (ông Bình đã giải ngũ, về phục vụ ngành cũ: công chức Bộ Quốc Gia Giáo Dục) nhất định không đồng ý. Cuối cùng ông Bình quyết định:
- Chị Thắng, ý kiến của tôi thế này nhé. Muốn để chị và cháu Tùng ở đây lâu dài, tôi còn có thể dạy nó học thêm. Căn nhà chị đang ở đó là của mẹ con chị, chúng tôi bán cho chị, không định giá, chỉ cần chị đưa cho chúng tôi chút ít thôi, một vài trăm là được. Căn nhà đó sẽ là tài sản của mẹ con chị, khỏi phải đắn đo suy nghĩ gì hết. Chị đã biết là cả căn nhà trên chúng tôi đã mua được từ 7 năm nay rồi, bây giờ chia lại cho chị căn xép là hợp lý nhất, chị không cần đắn đo gì nữa.
Căn nhà đã trở thành tài sản của mẹ con bà Thắng với giá một ngàn tiền VNCH thời đó. Khi Tùng đã tới tuổi trưởng thành, đã đậu bằng Trung Học Phổ Thông. Và, đến lượt nó quyết định cho chính mình:
- Mẹ!
Mẹ cho phép con nói với mẹ chuyện quan trọng nhé.
Bà Thắng chắc mẩm trong bụng. “Có lẽ thằng con nhà này muốn lấy vợ đây, bực mình quá mới nứt mắt mà đã ‘tọt tẹt.’” Nhưng không phải vậy. Tùng nói chậm từng tiếng:
- Mẹ cho con đi lính nha mẹ!
Bà Thắng sửng sốt:
- Mày nói gì? Ði lính hả? Con ơi, tuổi con còn nhỏ, đang học dở dang, sao lại tính chuyện lính tráng hả con? Học thêm vài năm nữa đã con ơi.
- Con đủ tuổi rồi, mẹ cho con đi Hạ Sĩ Quan, học ở Nha Trang có mấy tháng à, nhanh lắm mẹ ơi!
- Vẫn biết thế nhưng mẹ muốn con học xong Tú Tài đã. Mai mốt hết đánh nhau có mảnh bằng cũng đỡ cực hơn con ạ. Mẹ không bao giờ có ý cản con việc đi lính, nhưng có bằng cao cũng đỡ hơn nhiều.
- Con không đi học được nữa đâu, tại mẹ không đi học, không thấy đó. Trường học bây giờ chán lắm. Thầy giáo cũng đi lính, bạn bè con cũng mặc đồ lính hết trơn rồi. Con bây giờ học cũng hết muốn vô rồi. Ðàng nào cũng phải đi, mẹ cho con nộp đơn nhé. Hơn nữa con nghe bố Bình nói đi nói lại nhiều lần: “Tùng, sau này nếu có thể, con hãy cố tìm xem thằng nào đã dùng dao cắt cổ cha con. Cha con chưa hề làm một việc gì gọi là tội ác, không dính một tí nào đến quân đội. Chỉ là một ông thầy giáo dạy học cho lũ trẻ con nghèo, vậy mà chỉ vì cha con là bạn của bố, thỉnh thoảng xuống chỗ bố ngồi chơi, lấy báo về đọc, vì bố được tiếp tế báo hàng tuần. Chỉ có thế thôi mà chúng nó kết án là Việt gian, là gián điệp, cắt đứt cuống họng, treo lên cây đa đầu làng...” Mẹ cho con đi lính đi! Biết đâu con lại gặp ngay cái thằng đã giết cha con.
Hình ảnh người chồng yêu quý hiện về trong tâm tưởng, nhìn ra con hẻm, bà mường tượng ông Thắng về đứng ở đó, nhìn con cười với nét cười nhẹ và âu yếm.
Chiến tranh ngày càng hung dữ. Bom đạn vang vọng về từng giờ, nghe radio bà biết mặt trận càng ngày càng lớn, đánh nhau bằng mọi thứ súng. Thằng Tùng nhập ngũ, ra trường, lên mặt trận đã được mấy năm rồi. Nó xin đi Biệt Ðộng Quân. Lần thứ nhất về phép, nó đưa cánh tay áo trái, với cái đầu con beo đen may trên đó, nói với bà:
- Mẹ thấy ngon không? Ði thứ lính này đánh mới “đã,” ở binh chủng này con hy vọng tìm ra thằng đã cắt cổ ba con. Dù có bắt được thằng đó hay đồng bọn, thì cũng cùng một loài với nhau. Tất cả chúng nó đều là dã thú, không có nhân tính. Con cho rằng tất cả chúng nó đều đáng bị xử như nhau. Có điều những người lính VNCH chúng con, không đành lòng xử man dại như chúng nó mẹ ơi!
- Mẹ cũng nghĩ vậy, chẳng lẽ mấy chục triệu con người đều biến thành thú hết hay sao. Cũng có người bị kềm kẹp, bắt buộc phải làm những việc bất nhân, dã thú. Thù là thù mấy thằng chỉ huy; mấy thằng cha ông nhà chúng nó thôi. Nên ăn ở sao cho có đức con ạ!...
Cuối cùng thì tất cả những thằng tội phạm, phạm tội cắt cổ ông Thắng, treo ngược thây trên cành đa, đang lũ lượt kéo nhau vô Saigon.
Mặt mũi vênh váo.
.......
Mưa đã dứt, khu kinh tế mới Cẩm Ðường nằm kẹt giữa vùng rừng núi, cao su và một trại tù lao động dành cho những ông quan chế độ VNCH, bị đầy ải hành hạ. Nắng mai đã dàn trải đều khắp không gian trong, đẹp. Ðồi Thới Dao cũng đang thoải mái phơi mình hong khô thân xác. Thật xa nơi mạn Bắc, ngọn núi Chứa Chan vẫn ẩn trong mây, ngủ vùi cô tịch.Và, cũng trong cái nắng mai rực rỡ, nồng ấm buổi sáng hôm ấy. Người hàng xóm đã phát giác bà Thắng nằm chết trong nhà, trượt dài trên nền đất. Tấm liếp cửa phủ kênh một nửa trên xác bà.
Ba mươi ba năm khổ đau - thù hận.
Trần Phương Khanh