Nguyễn Ngọc Chính Hồi Ức Một Đời Người
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi...
Người Sài Gòn không thể nào quên được câu hát… Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi… của Y Vân ngày nào. Trong suốt thời niên thiếu, Sài Gòn đối với tôi là một thành phố tuy xa lạ nhưng lại đầy cuốn hút. Tôi chỉ biết đến Sài Gòn qua những chuyến nghỉ hè kéo dài độ 1 hoặc 2 tháng. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, các chuyến nghỉ hè tại Sài Gòn là cả một khám phá lớn, hứa hẹn những ngày hè sôi động đối với một thiếu niên chỉ sống tại Đà Lạt và Ban Mê Thuột.
Bước sang thời quân ngũ tôi đã trở thành cư dân thường trực của Sài Gòn và đây cũng là một cơ hội để tôi khám phá từ những con đường nổi tiếng cho đến những con hẻm không tên trên đất Sài Gòn. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là việc đi sâu vào nếp sống văn hóa-tinh thần của người Sài Gòn, từ ăn-chơi cho đến lối sống, cách suy nghĩ và rất nhiều khía cạnh khác nữa trong tâm hồn người Sài Gòn.
Ngay từ năm 1953 khi di cư vào Nam, dù định cư tại Đà Lạt nhưng gia đình tôi có những mối quan hệ họ hàng với những người ở Sài Gòn. Ông bà NVT sinh sống tại 158 Cống Quỳnh là họ hàng phía bên mẹ tôi. Ông T. có 3 người con gái và một cậu út, tên Đức, nhỏ hơn tôi một tuổi. Trong số 3 người con gái có cô Loan, hơn tôi độ 2 tuổi, học Trưng Vương. Vì vai vế họ hàng phải gọi là cô, chú nhưng kỳ thật 3 đứa chúng tôi vẫn đối xử với nhau như những người bạn thân thiết.
Cô Loan có biệt tài vẽ tranh lại thích viết lách với bút danh Hương Kiều Loan. Cô tiếp tục hoạt động văn nghệ khi sang Mỹ. Cô có người bạn thân là Bích Huyền (Nga) và đồng thời là bạn văn chương từ thời còn học Trưng Vương. Thật oái ăm, vì là bạn của cô Loan nên tôi cũng coi Bích Huyền cùng vai vế với cô Loan nên gọi là Cô. Đến khi quen người tình mới biết Bích Huyền lại là vai em họ của nàng. Đúng là chuyện tréo cẳng ngỗng!
Tại Sài Gòn, gia đình tôi còn có người thân là Bác Chánh, ông anh ruột của bố tôi. Hồi còn ở ngoài Bắc, nghe nói bác Nguyễn Ngọc Giác làm chức chánh tổng trong làng nên mới gọi là Bác Chánh. Bác có 4 người con (2 trai, 2 gái). Người con cả tên Toan, ở lại miền Bắc khi gia đình bác vào Nam. Đây là chuyến vào Nam thứ hai trong đời bác vì khoảng thập niên 30 bác đã vào theo diện phu đồn điền cho Pháp.
Sau khi di cư vào Nam năm 1954, bác Chánh mua một căn nhà nhỏ trong khu lao động Xóm Chiếu, Khánh Hội, thuộc quận 4. Xóm Chiếu vào thời đó là một bãi sình lầy. Người ta cất nhà sàn trên bãi lầy, nước thải trong nhà chảy thẳng xuống lớp sình bên dưới. Vào những trưa hè, sình lầy dưới đất bốc lên một mùi khó chịu. Vào những ngày nước triều lên cao có thể nhìn thấy nước dâng gần sát sàn nhà.
Những người ở Xóm Chiếu vốn đã quen với sinh hoạt hàng ngày nên cuộc sống vẫn cứ tiếp tục trôi, ít người để ý đến môi trường sống chung quanh. Tuy nhiên, đối với những người từ phương xa đến như tôi thì đây là một trải nghiệm khó quên khi phải tiếp xúc với một trong những xóm lao động tồi tệ nhất Sài Gòn hoa lệ.
Xóm Chiếu, Khánh Hội, là đất của phần đông những kẻ bụi đời, những tay anh chị giang hồ, những cô gái điếm, những đứa bé đánh giầy, những kẻ cờ gian bạc lận, những ‘cao thủ’ chuyên hành nghề móc túi hay… đá cá lăn dưa. Nói chung, đây là xóm lao động điển hình của Hòn ngọc Viễn Đông.
Thế nhưng, từ Khánh Hội chỉ cần vượt qua một cây cầu là mọi sự đổi khác. Sài Gòn hiện ra như một nàng tiên, ‘xiêm y lộng lẫy’. Đường Bonard, Catinat, Charner lúc nào cũng đầy ắp người và xe cộ dập dìu qua lại.
Như vậy, bức tranh Sài Gòn xưa hiện lên hai mảng màu sáng-tối rõ rệt. Phải chăng đây cũng là tình trạng của đa số những thành phố lớn trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á mà tôi đã từng đi qua: Manilla, Kuala Lumpur, Jakarta, Bangkok… ngoại trừ Singapore.
Nổi bật nhất Sài Gòn xưa là đường Catinat, sau đổi thành Tự Do dưới thời Đệ nhất Cộng hòa và từ 1975 mang tên Đồng Khởi. Ngay vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, con đường này đã được tác giả Nguyễn Liên Phong miêu tả sinh động trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca xuất bản tại Sài Gòn năm 1906:
Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều
Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều [sic] phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương [đan]
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi
… Nhà in, nhà thuốc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son [xoong]
… Phong lưu cách điệu ai bằng
Đường đi trơn láng, đền [đèn] giăng sáng lòa
Thứ năm, thứ bảy, thứ ba
Với đêm chúa nhựt hát nhà hát Tây…
Tiêu biểu cho sinh hoạt trên đường Catinat vào thời kỳ đầu Pháp thuộc là nhiều cơ sở dịch vụ thương mại được thành lập từ rất sớm. Sớm nhất là hãng Denis Frère mọc lên ở đầu đường, phía bờ sông, nay là khu vực của Grand Hotel, đối diện với Nhà hàng Majestic phía bên kia đường.
Đường Catinat, sau đổi là Tự Do và cuối cùng là Đồng Khởi
Sau Denis Frère là hiệu thuốc tây đầu tiên của cả Sài Gòn nằm ở góc Catinat và Bonard (Lê Lợi), khai trương năm 1865, chủ nhân là Lourdeau, sau làm Xã trưởng Sài Gòn (1870). Ít lâu sau, hiệu thuốc được giao lại cho Holbé, tiến sĩ dược khoa, một nhân vật khá nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa, từng làm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Sài Gòn và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản hạt Nam kỳ (Conseil colonial de la Cochinchine).
Holbé từng điều chế ra một loại biệt dược có tên “Gouttes Holbé”, loại thuốc cai nghiện dành cho những tay hút á phiện muốn giã từ ‘làng bẹp’. Về sau, nhà thuốc tây về tay Renoux, rồi Solirène và mang tên vị chủ nhân này trong một thời gian dài, trước khi bị thay thế bởi nhà hàng Givral còn hoạt động đến ngày nay.
‘Bót Catinat’, nằm ở góc đường Nguyễn Du-Tự Do, gần Nhà thờ Đức Bà, có lẽ là một địa danh ‘khó quên’ trong ký ức của người Sài Gòn, nhất là những "người anh em bên kia chiến tuyến" trong thời thực dân Pháp. Nhà văn ‘cách mạng’ Trần Bạch Đằng đã mô tả:
“Ông trời ở Catinat vuông vức, vì tù nhân ngó lên trên, chỉ thấy một khoảng mây xanh vuông. Trời càng trưa, trong khám càng nóng dữ dội. Hơi nóng từ sân ximăng bốc lên hừng hực, 400 con người nép sát vào tường, tìm một miếng bóng mát mỏng manh, ba culoa đen nghẹt. Từ trong hai phòng công cộng 7 và 12, hơi người nồng gắt dội ra. Người ta nằm sấp như cá mòi trong đó, mồ hôi tuôn ra như tắm.
Trời nắng cũng khổ mà trời mưa càng khổ hơn nữa. Sân khám không có nóc, mỗi lần mưa là tù ướt như chuột. Nhất là ban đêm, khi mưa xuống ai cũng ngồi chụm đầu vào nhau mà chịu trận. Những người khỏe mạnh thì gắng chịu đựng. Nhiều anh chị em còn đang thời kỳ lấy khẩu cung, mình mẩy thương tích lở lói, phải sống vất vả như vậy nên không hôm nào là không có người chết. Thực dân Pháp đã biến bót Catinat thành một lò sát sanh, nơi mà mạng sống con người bị coi như cỏ rác”.
Bài thơ dưới đây mô tả bót Catinat của ‘mật thám’ Phòng Nhì Pháp thời thực dân đô hộ:
Catinat, Catinat
Dã man, bỉ ổi, xót xa não nùng
Hỡi ai dạ sắt lòng trung
Đứng lên! Uất hận thấm dòng máu tươi
Ngoài kia dưới ánh mặt trời
Ngoài kia thành phố của người văn minh
Cách nhau một bức tường thành
Mà đây vẽ lấy vạn hình đau thương
Catinat, một khám đường.
Mà sừng sững trước giáo đường Giêsu!
Đề cập đến sinh hoạt của cư dân Sài Gòn trên đường Catinat, không thể không nói đến nhà hàng Continental, tuy sinh sau đẻ muộn hơn (năm 1880), nhưng bề dày lịch sử của nó thì không một cơ sở dịch vụ, thương mại nào sánh kịp. Trong khi nhà hát Tây ở cạnh đó mãi đến ngày 1/1/1900 mới được khánh thành và sinh hoạt diễn ra 4 ngày mỗi tuần thì từ đầu thập niên 1880, nhà hàng-khách sạn Continental là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp chính quốc trên đường công tác tại xứ thuộc địa. Đây cũng là chỗ tụ hội của những du khách trên đường sang Đế Thiên- Đế Thích của xứ chùa Tháp.
Chủ nhân đầu tiên của Continental là Pierre Cazeau, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, sau bán lại cho Công tước De Montpensier. Người ta kể rằng chính vị công tước này là chủ nhân của Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết, nơi chứng kiến tình sử của thi nhân Hàn Mặc Tử và người đẹp Mộng Cầm (?).
Năm 1930, nhà hàng có chủ mới là Mathieu Franchini, người đã điều hành thành công Continental trong một thời gian dài, cho đến ngày quân đội Pháp rút về nước sau khi thất trận Điên Biên Phủ. Franchini xuất thân là dân anh chị người đảo Corse, Pháp.
Franchini trốn xuống tàu thủy làm bồi bàn (đại khái chuyện cũng giống như ‘Bác Hồ’ lên tàu tìm đường cứu nước!) và mò sang Việt Nam vào đầu thập niên 1920. Người dân thuộc địa vốn trọng Tây, dù đó là một tên vô danh tiểu tốt hoặc vô lại, nhưng đã sang đến Đông Dương vẫn được nể trọng và xem như một ông lớn.
Franchini được một Đốc phủ sứ miền Tây gả con gái và được thừa kế hàng ngàn mẫu ruộng. Chỉ vài năm sau, vợ chết, gã bèn bán hết điền sản để tậu khách sạn nổi tiếng Continental ở trung tâm Sài Gòn. Franchini vừa kinh doanh, vừa làm ông trùm của những tên mafia đảo Corse và thành phố cảng Marseille tại Đông Dương.
Continental Palace
Sự nổi tiếng của Continental không xuất phát từ các chủ nhân mà từ những diễn biến lịch sử diễn ra trên đất Sài Gòn xưa. Trước thế chiến thứ hai (1939-1945), nó từng được đón tiếp hai nhân vật nổi tiếng trong thế giới văn chương là thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải thưởng Nobel văn chương năm 1913) và nhà văn Pháp André Malraux, tác giả của La condition humaine (Thân phận con người) xuất bản năm 1933, sau làm Bộ trưởng Văn hóa Pháp (1959-1969).
Trong buổi “giao thời” Pháp đi, Mỹ đến, căn phòng số 214 của khách sạn Contiental còn là nơi ‘ngự trị’ của Graham Greene, nhà văn người Anh đã thai nghén và cho ra đời quyển tiểu thuyết nổi tiếng The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) ngay trong căn phòng này.
Truyện xoay quanh 3 nhân vật: Thomas Fowler, người Anh, ký giả, trạc 50 tuổi; Alden Pyle, người Mỹ, nhân viên Phái đoàn Viện trợ Mỹ, khoảng 30 tuổi, và một phụ nữ Việt tên Phượng, tuổi độ 20. Fowler đến Sài Gòn, ở tại Hotel Continemtal và bắt nhân tình với Phượng. Anh Mỹ trẻ Pyle ở Hotel Majestic ở cuối đường Catinat, phía bờ sông Sài Gòn.
The Quiet American đưa người đọc đến một ‘khúc quanh lịch sử’: Phượng bỏ người tình già ở Hotel Continental để qua Hotel Majestic sống với anh Mỹ trẻ. Tác giả đã để cô gái Việt thay tình nhân như thay áo trong khi anh ký giả Fowler cũng không có phản ứng gì đáng kể về việc bị người bạn Mỹ Pyle cướp mất Phượng.
Graham Greene dựng lên nhân vật Pyle là một người say mê chủ thuyết được mệnh danh là “lực lượng thứ ba” tại những thuộc địa của thực dân. Trong tiểu thuyết The Quiet American, vụ đánh plastic ở trước Khách sạn Continental là do lực lượng quân sự Bình Xuyên của Tướng Trịnh Minh Thế thực hiện chứ không phải do Việt Minh.
Vụ nổ trước khách sạn Continental trong phim The Quiet American
(Đạo diễn Philip Noyce dàn dựng tại Saigon, năm 2002)
Ngay sau vụ nổ, Pyle bị ám sát, xác thả dưới sông gần cầu Dakao, không biết là Cầu Bông hay Cầu Kiệu (?). Người ta cũng không biết phe nào giết Pyle và tại sao anh Mỹ lắm chuyện ấy lại bị giết.
Theo tôi, ngoài những chuyện không đúng về tình hình Việt Nam, Graham Greene có vẻ như quá coi thường người Việt. Green viết: ‘To take an Annamite to bed with you is like taking a bird; they twitter and sing on your pillow.’ (Đưa chị Mít vào giường với mình như đưa con chim, họ ríu rít và họ hát trên gối). Đến năm 1952 mà còn dùng danh từ “Annamite” để gọi người Việt Nam thì đây là việc cố ý hạ nhục người Việt.
Thường thì những văn sĩ sau khi viết về một đất nước không phải là nước mình, viết về một dân tộc không phải là dân mình, thường đưa bản thảo cho người bản xứ đọc trước để tránh những chi tiết sai. Green chắc chắn không hề làm điều đó. Trong truyện ông ta viết Dakow thay vì Dakao, Tanyin thay vì Tây Ninh. Ông đặt tên cho một phụ nữ Việt trong truyện là Mei, người Việt không bao giờ có cái tên kỳ lạ đó.
Trở lại với Continental, khách sạn này đã đi vào văn chương thế giới qua The Quiet American, nhưng không chỉ có thế, cho dù như thế là đã quá đủ để tự hào. Về lĩnh vực báo chí, Continental còn tiêu biểu cho cả con đường Catinat. Cụm từ Radio Catinat hay Radio Catinat một đèn phổ biến trong giới báo chí Sài Gòn đầu thập niên 1950 xuất phát từ chính nhà hàng này. Sở dĩ có từ một đèn là vì vào những thập niên 1940-1950, hầu hết máy thu thanh còn sử dụng đèn điện tử, ai có máy 2, 3 đèn trở lên là thuộc hạng sang, máy 1 đèn thuộc về giới bình dân, vì thế Radio Catinat một đèn mang chút ý nghĩa châm biếm.
Cho đến giờ, vẫn có nhiều người không hề biết nhà hàng khách sạn Continental có một khuôn viên rất rộng phía bên trong. Chung quanh sân có những cây sứ thuộc loại ‘cổ thụ’ có đến hằng trăm năm tuổi với những mấu sẹo lồi lõm như cội mai già. Phải đến năm 1993 tôi mới phát hiện sân vườn này giữa trung tâm Sài Gòn khi có dịp đến thăm cơ ngơi của bà Thu, giám đốc khách sạn Continental. Bà Thu vốn là một thành viên trong đoàn Saigon Tourist đi thăm xứ cờ hoa năm 1993 (Xem Chương 8: Thời mở cửa).
Nhà hàng kỳ cựu sau Continental là Majestic, thành lập năm 1925, nằm ở góc đường Catinat và Luro (sau là Cường Để, nay là Tôn Đức Thắng) nhìn ra bờ sông Sài Gòn, do một thương nhân người Hoa giàu có và nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn thời bấy giờ là Hui Bon Hoa (Chú Hỏa) xây dựng theo đồ án thiết kế của một kiến trúc sư Pháp.
Cạnh khách sạn Majestic là rạp hát cùng tên, ngó mặt ra đường Catinat. Ngược lên phía trên, và những thập niên trước ngày Pháp về nước, những người thuộc lớp trước 1950 trở lên sẽ không quên hiệu bán đĩa hát Ménestrel (gần nhà hàng Bông Sen ngày nay), rạp Catinat (nằm trên một con hẻm đâm ra đường Catinat), nhà hàng Brodard, Givral, La Pagode…
Qua bên kia đường Bonard (Lê Lợi), cạnh nhà thuốc Tây Solirène (sau là nhà hàng Givral), là rạp hát Eden, tiệm sách Albert Portail (nay là Nhà sách Ngoại văn Xuân Thu), nhà thuốc Tây Pharmacie de France (sau là La Thành), nhà hàng La Pagode, cũng từng là nơi gặp gỡ của báo giới Sài Gòn.
Góc đường Catinat (Đồng Khởi) và Bonard (Lê Lợi)
Đi vào lịch sử của những tên đường Sài Gòn ngày xưa ta sẽ tìm được nhiều chi tiết thú vị. Chẳng hạn như nhìn bảng tên đường là có thể hình dung được từng giai đoạn lịch sử. Tên đường De Lagrandière (sau này đổi là Gia Long và kể từ 1975 là Lý Tự Trọng) chính là tên ‘hải tặc’ đã kéo pháo thuyền vào Vĩnh Long buộc kinh lược Phan Thanh Giản ký hàng ước nạp nốt ba tỉnh miền Tây năm Đinh Mão 1867. Đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ) cũng là tên ‘hải tặc’ đánh thành Gia Định khiến tướng Nguyễn Tri Phương bị thương năm Tân Dậu 1861!
Đường Charner, sau đổi là Nguyễn Huệ
Vào những dịp nghỉ hè, tôi thường dạo chơi đường phố Sài Gòn để nhìn cuộc sống vừa hối hả lại vừa ung dung. Hối hả đối với những người lo mưu sinh hàng ngày nhưng lại ung dung đối với những người ngồi quán café, quán nước.
Chỉ cần một ly ‘xây chừng’ hoặc ‘bạt sỉu’ là có thể ung dung ngồi nhìn thiên hạ tất tả qua lại ngay trước mắt. Cà phê bình dân thì pha bằng vợt, có khi lại gọi là cà phê ‘dớ’, chữ vớ đọc theo giọng Sài Gòn! Ở Sài Gòn hồi đó, người lớn tuổi vẫn còn giữ thói quen uống cà phê đổ ra đĩa, có lẽ vì nóng quá chăng? Có người lại còn giữ kiểu ngồi ‘nước lụt’, hai chân bỏ cả lên ghế trong quán cà phê.
Sau 1975, tôi lại thấy kiểu ngồi ‘chồm hổm’ này từ bộ đội miền Bắc khi vào ‘giải phóng’ Sài Gòn. Phải chăng vì họ ở trong rừng nên quen với kiểu ngồi kinh dị này? Phải thành thật nhìn nhận, đây là kiểu ngồi ‘mất thẩm mỹ’ nhất của người Việt mình, đặc biệt đối với phụ nữ khi họ ngồi ‘chò hỏ’!
Cho đến ngày nay, kiểu ngồi này vẫn còn tồn tại. Bằng chứng cụ thể nhất là khi những người Việt đi du lịch hay đi lao động ở nước ngoài, ngay tại phi trường đã có nhiều người ‘squat’ một cách tự nhiên trước những cặp mắt ngạc nhiên của người nước ngoài. Dân ta biết đến bao giờ mới từ bỏ được thói quen xấu này? Thế mới biết, chừng nào chưa bỏ được những điều nhỏ nhặt như ‘văn hóa ngồi xổm’ thì hãy khoan nói đến ‘nếp sống văn minh, hiện đại’.
Người Sài Gòn có cái thú uống cà phê, đọc báo vào buổi sáng. Thói quen này cho đến ngày nay vẫn còn được duy trì. Bây giờ, buổi sáng cứ vào hệ thống các cửa hàng cà phê Trung Nguyên là thấy ngay: quá nửa khách uống cà phê ngồi đọc báo trước khi lo việc mưu sinh hàng ngày.
Nhiều quán cà phê cung cấp báo cho khách đến uống, thường là hai tờ nhiều người đọc nhất – Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Chắc hẳn chi phí về báo chí cũng như Wifi đều đã được tính vào giá thành của ly cà phê. Xem ra vẫn có lợi cho cả hai, khách cũng như chủ, mà lại thể hiện được phương châm ‘khách hàng là Thượng đế’.
Sài Gòn thiên hình vạn trạng, từ ăn cho đến chơi, từ nghỉ ngơi cho đến làm việc. Sài Gòn trong những thập niên 60-70 là một thành phố chiến tranh với sự hiện diện rất rõ nét của quân đội. Trên đường phố, xe jeep, xe dodge, xe GMC hòa nhập cùng những dòng taxi Renault sơn hai màu và những chiếc xe nhà mang đủ các nhãn hiệu phương Tây như Simca, Citroen, Ford, Chrysler, Mercedes, Volkswagen…
Nói đến Sài Gòn không thể nào bỏ qua những chiếc xe gắn máy đã gắn bó với mọi người từ năm 1954 trong khi đó ngoài miền Bắc nhà nào có một chiếc xe đạp là cả một niềm tự hào! Bảo Ninh, nhà văn miền Bắc, kể lại Hà Nội ngày đó qua truyện ngắn Thời của xe máy:
“Những năm 50, sau giải phóng Thủ đô, khi tôi còn nhãi ranh, lượng xe đạp ở Hà Nội còn ít hơn số đầu xe hơi thời nay. Ngoại trừ vài tuyến xe điện, và thưa thớt, chậm rề những chiếc xích lô, dân tình thời ấy "tham gia giao thông" chủ yếu bằng cặp giò.
Dọc một phố lớn như phố Hàng Đẫy chúng tôi mà nhà ai xe đạp mác gì mọi người đều tỏ. Giàu nhất phố là gia đình ông Ích Lợi, thành phần tư sản, chục người chung một chiếc Pegeout với một chiếc Sterling. Oai nhất phố là ông giáo Bình, công chức lưu dụng, đương quyền hiệu phó Trường Albert Saraut (thời ấy còn chưa đóng cửa), có chiếc Solex đen xì với cái bầu máy ngộ nghĩnh hình trụ rất hiếm khi được ăn xăng và cất tiếng. Thường xuyên để cỗ xe ở chế độ vận hành bằng mồ hôi, ông giáo già gò lưng ngoáy người è cổ đạp. Dân phố kêu thầy bằng thầy Bình xô-lếch, hay đơn giản, thầy Bình bịch.
Dần dần Nhà nước cho nhập xe đạp của ‘phe ta’ về: Tiệp Khắc, Đông Đức, Liên Xô, Trung Quốc và bản thân Việt Nam cũng đã lần hồi tự lực sản xuất được. Không nhiều lắm, chỉ đủ để phân phối cho cán bộ xếp hàng tà tà lần lượt theo chức vụ, theo thâm niên.
Hồi bấy giờ, ở nông thôn thì nhà nhà đi bình dân học vụ, còn ở Hà Nội thì nhà nhà đi tập xe. Từ chập tối tới canh khuya, tại những khúc phố rộng rãi, sáng đèn bên Bờ Hồ, ở vườn hoa Canh Nông, ở quảng trường Ba Đình, dọc đường Cổ Ngư, trẻ con, người lớn, đàn ông, đàn bà ríu rít thay nhau lên yên xuống yên, người thì ghì cứng ghi đông và loạng choạng đạp, người thì rình rịch chạy sau đỡ, luýnh quýnh ngượng ngập, ngã bổ nhào, ngã chỏng gọng, rất vui mắt.
Tới khoảng năm 1960 thì Hà Nội đã chính thức là một thành phố với nền văn minh xe đạp. Không phải chỉ vì nườm nượp xe đạp mà còn vì xe đạp đã thành sở hữu tối cao của mỗi nhà, một chiếc xe đạp nói lên vị thế xã hội của một gia đình”.
Hà Nội thập niên 60
Tại miền Nam, xe gắn máy thâm nhập qua nhiều giai đoạn, thế hệ xe này mối tiếp loại xe xe sau, hiện đại hơn và mẫu mã cũng bắt mắt hơn. Trước hết là thời của Mobylette vàng và Velo Solex. Nói chung, cả hai loại này đều có hình dáng như chiếc xe đạp đầm nhưng lớn hơn và có gắn bộ máy vận hành chạy bằng xăng pha nhớt.
Mobylette vàng
Tốc độ của Mobylette có thể lên tới trên 60 km/giờ nếu còn mới. Tiện lợi ở chỗ có thể chuyển sang đạp bằng đôi chân khi bất ngờ hết xăng dọc đường. Tiện nghi ở chỗ xe có hai ‘phuộc nhún’ phía bánh trước. Còn Velo Solex thì được các bà, các cô, nhất là giới trẻ ưa thích. Chiếc xe có dáng thanh mãnh hơn Mobylette với bộ máy có cần điều khiển nằm ngay phía trước. Tuy đầu xe hơi nặng nhưng bù lại, ngồi trên Solex người phụ nữ hình như đang bay lượn theo tà áo dài trong gió!
Cuối thập niên 1950, Mobylette và Velo Solex đã phải nhường chỗ cho các loại xe của Ðức như Goebel, Puch, Sach với các tiện nghi như còi điện, ống nhún cả ở hai bánh và xe có thể chạy nhanh hay chậm bằng cách chuyển giữa 3 số. Tất cả những loại xe gắn máy này giá thường chỉ gấp ba chiếc xe đạp tốt hiệu Peugoet, Alcyon hay Dura nên giới trẻ thuộc các gia đình trung lưu đều có thể tậu được.
Vespa
Vespa cũng có đối thủ, đó là Lambretta. Có tin đồn hãng nhập cảng độc quyền Lambretta trên đường Trần Hưng Ðạo là của bà Ngô Ðình Nhu nhưng Lambretta cũng không thể lấn át được Vespa vì kiểu dáng vẫn không độc đáo bằng Vespa mà lại kềnh càng hơn.
Cuối năm 1968 là một cuộc cách mạng xe gắn máy tại Sài Gòn với sự xuất hiện của xe Honda đến từ Nhật Bản với 2 kiểu dành riêng cho nam và nữ. Nam thì có SS50, S50 và nữ thì có Honda Dame C50.
Cũng vào năm này, từ Ban Mê Thuột, tôi đã tậu được một chiếc Honda SS50 với giá 36.000 đồng bằng tiền đi làm cho phái đoàn y tế Milphap. Một kỷ niệm khó quên với chiếc xe gắn máy mới mua không liên quan đến bản thân tôi mà lại dính dáng đến bố tôi. Một hôm ông đi thử xe trong công viên và bị ngã một cái nên thân. Số là Honda SS50 đòi hỏi sự kết hợp giữa tay trái bóp embraya và chân trái điều khiển cần số.
Tổng Cục Tiếp Tế, Bộ Kinh Tế, của nội các Nguyễn Cao Kỳ năm 1968 ào ạt nhập cảng xe gắn máy Honda về bán trả góp cho công chức và quân nhân. Thời gian đầu, phản ứng của dân Sài Gòn đối với Honda có phần dè dặt. Người ta còn chê “xe gì mà làm bằng mủ” vì Honda có vè và bửng làm bằng mủ cứng để xe nhẹ hơn nên dù máy cũng chỉ 49cc mà tốc độ lên tới 70, 80 km/giờ.
Honda
Chỉ sau ít tháng sau, Honda đã trở thành món hàng được giới tiêu thụ săn đón, mua đi bán lại với giá tăng vùn vụt vì thấy loại xe này tiện nghi hơn các loại gắn máy trước rất nhiều, tiếng máy nổ êm vì máy là loại ‘4 thì’.
Thêm vào đó, Honda còn có còi điện chạy bằng bình ắc quy. Tuy còi xe có hình dáng nhỏ bé nhưng kêu rất vang. Ngoài ra còn có hai cặp đèn hiệu (signal) trước và sau với hai kính chiếu hậu hai bên tay lái.
Khi vận hành lại có ba số (loại C50) hay bốn số (loại SS50). Hơn nữa xe Honda Dame C50 lại bán tự động nên rất dễ cho các bà các cô sử dụng. Ngồi trên chiếc Honda nhỏ bé nhưng người sử dụng thời đó lại có cảm tưởng như đang sử dụng xe hơi! Chỉ một năm sau các loại gắn máy của Nhật đã tràn ngập thành phố, không chỉ có Honda mà còn Suzuki, Yamaha, Bridgestone, Kawasaki.
Phong trào chơi xe gắn máy của tuổi trẻ Sài Gòn thời đó không chỉ là tháo bỏ ống hãm thanh mà còn “xoáy xy lanh” cho lòng phân khối của xe lớn hơn để đua nhau trên xa lộ Biên Hòa. Từ đó mới có danh từ ‘anh hùng xa lộ’ hay ‘yên hùng xa lộ’ để chỉ những tay đua bặm trợn, liều lĩnh phóng xe xả hết tay ga, luồn lách qua các hàng xe đang chạy, kể cả chui qua những chiếc xe be đang kéo những cây gỗ dài thượt.
Nhiều anh hùng còn ‘làm xiếc’ trên chiếc Honda như đứng thẳng trên yên xe hay nằm dọc trên chiếc xe đang chạy với tốc độ cao. Người Sài Gòn mỗi khi thấy xuất hiện những ‘anh hùng xa lộ’ này thường hốt hoảng tránh xa vì tai nạn thê thảm bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra.
Ngày nay, giới trẻ còn dùng thuật ngữ ‘đi bão’ để chỉ những cuộc đua xe trên đường phố còn khủng khiếp hơn thế hệ cha anh hồi xưa. Ngoài việc xoáy xy-lanh để tăng tốc độ, chúng còn tháo hết bửng và vè xe, thậm chí còn không dùng đến thắng xe để… đến nhà thương cho thật nhanh!
Vào thời ấy, dân số Sài Gòn chỉ mới tròm trèm ba triệu người và số xe gắn máy cũng chỉ trên 700 ngàn chiếc nên đường phố còn rộng thênh thang. Trai gái có thể chạy vòng vòng hết Bonard ra Catinat, quành ra bờ sông, ghé vào Point des Blagueurs (Nhà hàng Cột cờ Thủ Ngữ) để “uống ly chanh đường cho thấy môi em ngọt” hay ghé quán kem Hà Nội, Mai Hương để nhìn trai gái tấp nập đi lên đi xuống dọc theo con phố Bonard. Lúc ấy tuổi trẻ gọi là “đi bát phố Bô Na”.
Xin trích thêm một đoạn nữa của Bảo Ninh ở bên kia chiến tuyến viết về lần đầu tiên được thấy xe Honda:
Xe máy của “nền văn minh Mỹ-ngụy", tôi được thấy lần đầu tiên năm 1970 tại khu gia binh căn cứ biệt kích Đắc Xiêng. Một tay thiếu úy [ngụy] qua đêm ở nhà vợ, nghe pháo kích liền hộc tốc lên xe máy lao về đồn. Nhưng vừa phóng ra khỏi khoảnh sân trước nhà thì y dính đạn AK, văng khỏi yên. Chiếc xe quật mạnh xuống đường.
Khi chúng tôi xộc tới tay thiếu úy đã hết giãy, nhưng động cơ chiếc xe vẫn chạy, bánh sau xoay tít. Tôi không nhớ chiếc xe ấy mác gì, chỉ nhớ máy của nó tiếng rất giòn lại rất khẽ. Tiểu đội trưởng Thoại của tôi vực chiếc xe dậy, nói đùa: "Máy thế này mới là máy chứ, nghe cứ như là mợ nó rên lên trong lòng cậu nó!". Chiếc xe đột ngột rống to, vùng khỏi tay Thoại, chồm ngược, đâm bổ vào tôi…
***
Thủ đô Sài Gòn ngày ấy lúc nào cũng đậm sắc màu áo lính. Từ những đại lộ chính cho đến hang cùng ngõ hẻm, ở đâu cũng thấy lính. Ra ngõ là gặp lính, nói theo kiểu sau 1975 người ta ca tụng Việt Nam ta ra ngõ là gặp anh hùng. Họ mang nhiều sắc áo, từ rằn ri cho đến bộ quân phục truyền thống của bộ binh và sau này đổi thành bộ 4 túi, áo bỏ ngoài quần.
Loại được mệnh danh là ‘lính kiểng’ như tôi hàng ngày đi đi về về giữa Trường Sinh ngữ Quân đội (TSNQĐ) và nhà trên chiếc Honda SS50, tối thỉnh thoảng vào trường ứng chiến, khi nào tình hình chiến sự căng thì cấm trại 100%.
Ứng chiến hay cấm trại trong trường chỉ là một hình thức họp mặt tán gẫu, đánh bài hay học thêm chứ nếu VC tấn công có lẽ chẳng biết xoay xở ra sao dù trường có phát cho mỗi người một khẩu Carbine với vài chục viên đạn.
Lâu lâu TSNQĐ lại có tên trong danh sách tuần tra khu vực quận 1 phối hợp cùng quân cảnh, cảnh sát đi lêu bêu ngoài đường nhìn thiên hạ qua lại. Thật khôi hài: anh lính quân cảnh và anh cảnh sát đeo súng ngắn còn anh sĩ quan TSNQĐ lại… sách khẩu Carbine! Một toán tuần tra như vậy thì làm thế nào để phân biệt TA và ĐỊCH giữa cảnh phố phường nhộn nhịp như mắc cửi?
Sau này ngồi nghĩ lại, quân lực VNCH có quá nhiều các động tác thừa nhưng lại cũng không ít những việc cần thì không làm. Phải chăng đó cũng là một trong những lý do khiến Sài Gòn và cả miền Nam bị sụp đổ.
Đa số các ông Tướng thì quên hẳn nhiệm vụ chính của mình là bảo vệ tổ quốc. Các ông chỉ tìm cách nhảy vào chính trị, quên hẳn chuyện nhà binh. Len lỏi vào chính trường được rồi là bắt đầu theo bè, kết đảng, đấu đá lẫn nhau vì danh vọng và vì quyền lợi riêng tư. Mất nước là phải. Phải tự trách mình trước khi trách người.
Sài Gòn ngoài những lính ‘cơ hữu’ còn có sự xuất hiện của những người lính trận về nghỉ phép, họ thuộc đủ mọi binh chủng dữ dằn nhất như Nhảy dù, Biệt động quân, Biệt kích dù, Thủy quân lục chiến. Họ từ các mặt trận nóng bỏng, từ những nơi thần chết cận kề. Những người lính trận đó đi phép về Sài Gòn đa số đều mang một tâm trạng bất mãn trước cảnh ăn chơi xa hoa của thành phố.
Hồi đó, đã có lúc tôi nghĩ bức tượng người lính thủy quân lục chiến đặt trước Quốc hội hình như đang xung phong tấn công mấy ông dân biểu ‘xôi thịt’ ngồi trong đó! Lính trận như lạc lõng giữa một Sài Gòn phù phiếm nên thường nổi loạn bằng những cuộc ăn nhậu bất cần đời. Có khi những cuộc nhậu chỉ trả tiền bằng… trái lựu đạn đã rút chốt để trong ly rượu! Gặp những thực khách ‘liều mạng’ loại này, chủ quán thường áp dụng chiêu ‘dĩ hòa vi quý’ vì ‘tránh voi đâu xấu mặt nào’!
Đó là Sài Gòn thời chiến. Sài Gòn của những năm ‘xôi đậu’, của vàng thau lẫn lộn, của Cộng hòa chen lẫn VC. Người ta hối hả sống và làm giàu trước khi bị dính những mảnh đạn pháo kích vô tình. Hòn ngọc Viễn Đông đã thấm không biết bao nhiêu máu của người Sài Gòn cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ!
Tượng đài Thủy quân Lục chiến trước Quốc hội
Để chấm dứt đoạn viết về Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi… xin mượn 2 câu thơ dưới đây của Bùi Giáng, một nhà thơ ‘điên’ trong khi mọi người ‘tỉnh’. Nhưng cũng có thể nhà thơ ‘Giàng Búi’ hay ‘Bùi Giáng bán dùi’ lại rất ‘tỉnh’ vào lúc mọi người đang ‘điên’ vì cuộc sống ở Sài Gòn trong thời kỳ tao loạn:
Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi,
Đi lên, đi xuống đã đời du côn
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời quân ngũ)
Thứ Năm, ngày 23 tháng 8 năm 2012--