THẾ GIỚI TÌNH YÊU - ASIA 57
Dương Hà & Vương Thư Sinh
Hí viện Long Beach Terrace Theater tại miền Nam Cali hôm nay lại tưng bừng nhộn nhịp như ngày trẩy hội vì với hai xuất hát của Trung Tâm Asia trực tiếp thu hình cho DVD Asia 57 diễn ra trong không khí tưng bừng của mùa lễ lạc cuối năm 2007, quan khách đến tham dự thật đông đảo và đường vào parking lot xe vào tấp nập.
Nhìn vào poster Asia Show 57, những dòng chữ tạo cho người xem một ấn tượng với chủ đề nổi bật là ca ngợi "Thế Giới Tình Yêu". Tình yêu là đề tài gắn liền với con người muôn thuở. Cuộc sống không có tình yêu thì con người như vô vị, như khô héo, dù sự gắn bó đó là tình thương giữa ông bà, cha mẹ và con cái, tình yêu dành cho quê hương, đất nước, cho tha nhân, tình yêu dành cho tôn giáo và nhất là tình yêu về đôi lứa. Tình yêu vốn mang đặc tính trừu tượng nối kết hai tâm hồn hoặc là nối kết tâm hồn với yếu tố siêu hình hay tâm linh, như khi nói về quê hương hay tôn giáo.
Khắp mọi nơi trên mặt địa cầu thì mọi người đều đã diễn tả và biểu lộ tình yêu theo nhiều hình thức cá nhân, những cảm tính cá biệt, bằng cách này hay cách khác, tùy hoàn cảnh hay địa hình hay địa vật, tùy theo ngôn ngữ diễn tả, hay phong tục hoặc tập quán tùy mỗi nơi có thể khác nhau, nhưng chung quy thì vẫn có thể nói rằng tất cả dành cho những cảm xúc dâng tràn nội tâm hay những rung động bâng khuâng được phát xuất từ con tim, để trao cho nhau những lời nói ngọt ngào, hay dịu dàng từ đáy lòng, hay ít ra những cái liếc mắt đưa tình mà đối tượng có thể cảm xúc được. Cho nên từ những nguồn cảm hứng, những rung động thổn thức dạt dào mà những văn nhân, những thi sĩ, những nhạc sĩ thường đem hết khả năng và tim óc với sự đam mê, với hứng khởi, hoặc ngay cả những kinh nghiệm trên tình trường mà mình đã gặp dù hạnh phúc hay khổ đau để sáng tác để đời những tác phẩm ngọt ngào hay cay đắng. Nhạc tình chan chứa cả kho tàng âm nhạc, trong nhiều bài ca đó bây giờ được chương trình Asia 57 đem ra trình làng qua chủ đề rất luyến lưu "Thế Giới Tình Yêu". Chương trình đã diễn ra khá dài, hơn 5 tiếng đồng hồ, với 60 tiết mục bao gồm rất nhiều chi tiết về các bài hát, phỏng vấn ca sĩ, trình chiếu video clips tài liệu, hài kịch, những giai thoại về văn học, vinh danh những tác giả sáng tác, và tất cả được tóm tắt qua 27 bài hát tiêu biểu về nhạc chủ đề như đã nói.
Mở đầu là "Liên Khúc Tình Yêu" của hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Trịnh Công Sơn do các ca sĩ trẻ của Trung tâm Asia trình diễn. Phần sân khấu được dàn dựng đẹp mắt. Bài hát "Paris Có gì Lạ Không Em", một trong những "top hits" của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, bài nhạc được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Hãy nghe:
"Paris có gì lạ không em
Mai anh về, em có còn ngoan”
Và sự lãng mạn đáng yêu:
"Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây…
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay"
Theo video clip trình chiếu, nhà thơ Nguyên Sa có tên thật là Trần Bích Lan, sinh năm 1932 sau là giáo sư Triết Học và hiệu trưởng tư thục Văn Học, cũng là giáo sư Ðại Học Văn Khoa ở Sài Gòn. Nguyên Sa là một trong những nhà thơ nổi bật của hậu bán thế kỷ 20. Thơ tình của Nguyên Sa vẫn là nét quyến rũ trong văn chương lãng mạn và mang nét nhạc tính. Theo lời tâm sự của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên khi ông phổ nhạc bài thơ này như sau, trích từ trang Ðặc Trưng:
"Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình... Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu. Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ từ thơ Nguyên Sa đã thành hình. Có những bài thơ khi muốn phổ nhạc, người nhạc sĩ phải tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ, hoặc phải thay đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc... Riêng "Paris Có Gì Lạ Không Em" khi đọc lên tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971".
Vào năm 1949 Nguyên Sa được gia đình gửi sang Pháp du học. Năm 1953 ông theo học Triết Học ở Đại học Sorbonne. Lập gia đình năm 1955 với cô Trịnh Thúy Nga ở Paris, đầu năm 1956, vợ chồng trở về Sài Gòn. Ông chọn Bút hiệu Nguyên Sa từ thời ở Pháp, mà ông giải thích rằng tất cả cuộc đời chỉ là một hạt cát, chữ Nguyên Sa có nghĩa là một hạt cát nguyên vẹn.
Giáo sư Trần Bích Lan từng dạy Triết cho nhiều trường trung học và Đại học Văn Khoa ở Saigon, sau này ông mở trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản. Năm 1966 nhập ngũ Khóa 24 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Trường Quốc Gia Nghĩa Tử từ năm 1967 đến tháng 4 năm 1975. Ông viết nhiều thể loại, từ truyện dài, truyện ngắn, sách nghiên cứu về Triết học, nhưng nổi tiếng nhất là những bài thơ tình lãng mạn mà ông viết cho người yêu và sau này trở thành người bạn đời mang tên Nga. Sau khi tỵ nạn sang Mỹ, ông định cư tại California và cộng tác với một số báo chí Việt ngữ, trước khi lập tờ báo riêng lấy tên là tạp chí Đời. Điều ít ai biết là ông rất yêu văn nghệ, và chủ trương một trung tâm băng nhạc cũng lấy tên là Đời. Chính ông là người sớm nhận ra tài năng của các tiếng hát trẻ, và góp công rất lớn trong việc giới thiệu những tên tuổi của thời đó như Hải Lý, Ngọc Lan và Tuấn Vũ.
Ông cùng với nhà văn Mai Thảo, được coi là hai cây cổ thụ của nền văn học nghệ thuật tại hải ngoại. Ông qua đời vào ngày 18 tháng 4 năm 1998, hưởng thọ 67 tuổi, trong niềm thương tiếc của mọi người.
Trong "Thế Giới Tình Yêu", nếu chúng ta nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, nhạc Thái cũng mang âm điệu ngũ cung nên rất gần gủi với nhạc Việt Nam. Bài hát "Sabaay Sabaay" rất nổi tiếng của Thái Lan, được hát bởi nam ca sĩ Thongchai McIntyre, mà người Thái gọi anh chỉ bằng một cái tên duy nhất là "Bird", tức là "Chim". Người ca sĩ này thành công vượt bực khi có kỷ lục số dĩa hát được bán lên đến hàng triệu dĩa. "Sabaay Sabaay" là bài hát ca ngợi tình yêu, nó có nghĩa là "Tình Yêu Tình Yêu’’, mà nhạc sĩ Nam Lộc đã chuyển qua lời Việt, chứng tỏ tình yêu ở nơi nào cũng có những lưu luyến và thắm thiết như lời ca:
"Tình yêu, Tình yêu!
Tình như viên thuốc bọc đường
Dẫu đắng bên trong, vẫn cứ trông mong,
Vẫn luôn vấn vương trong lòng.
Người yêu, người yêu!
Người cho em biết thật nhiều.
Biết nói quanh co, biết nỗi âu lo.
Dẫu có anh bên lòng".
Thi sĩ Phong Sơn đặt bài thơ "Rất Huế" được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc. Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm cao đẹp. Những năm gần đây thế giới chịu nhiều thiên tài vì hậu quả của sự hâm nóng địa cầu. Việt Nam là nước ven biển, nên cả 3 miền đất nước đều bị bão tố hoành hành. Gần đây miền Trung bị nạn bão lụt gây cho người dân khốn đốn, 5 lần bão lụt liên tiếp, mực nước sông Hương dâng cao 3 thước, cảnh đời khổ sở tại quê hương. Thiên tai liên tiếp khiến nhiều người dân đã nghèo lại càng nhọc nhằn hơn. Đó là hậu quả do thiên nhiên, video clip cũng cho thấy yếu tố con người gây ra, hay sự tắc trách của chế độ trong phạm vi quán xuyến xứ sở. Tại Cần Thơ, một tai nạn sập cầu thật đau thương đã xảy ra tại thủ đô của miền Tây, hay Tây Đô. Đó là cây cầu đang xây bị gẫy đổ, gây ra sự kinh hoàng và phẫn uất cho người dân, biến cố này được nhắc nhở qua bài hát "Chiều Tây Đô", như sự xót xa thống khổ từ đất mẹ, nhạc của Lam Phương.
Biến cố Dân Oan nói lên tình yêu quê hương, vấn nạn do sự tham lam và thái độ côn đồ của nhà cầm quyền. Bài hát "Khóc Mẹ Dân Oan" của Mặc Thiện được phổ biến từ trong xứ, kèm theo với đoạn video clip minh họa là phần trình diễn của ca sĩ Như Quỳnh.