macco
|
Ông già bà cả thường hay nói, ăn coi nồi ngồi coi hướng, đó là muốn dạy chúng ta khi ngồi vào bàn ăn, phải đàng hoàng dòm trước ngó sau cho đúng phong cách của người lịch sự, biết kính trên, nhường dưới... Miếng ăn là miếng tồi tàn, ý muốn nói cũng đừng vì một miếng ăn mà phải bán rẻ nhân phẩm của mình.
Trong nhiều gia đình cũng vì giành ăn mà anh em phải xích mích nhau, kiểu chị ăn cá em mút xương, chị ăn kẹo em mút cây, v.v…xảy ra không thiếu gì, có khi máu sân si nổi lên dám nói lẫy là: nè, lấy đi, ăn dọng gì ăn đi! Lại có gia đình thì đời cha ăn mặn đời con khát nước, thì cũng đúng với quy luật thường tình của tạo hóa mà thôi, giống như là câu giận cá chém thớt hay cha làm con chịu vậy!.
Nhà ăn tập thể là nơi công nhân xí nghiệp vào đó để dùng bữa. Ham ăn hốt uống là chỉ những hạng người du thủ du thực chỉ biết có ăn mà thôi, ngoài ra các thứ khác đều không quan trọng. Ăn cỗ thì đi trước còn lội nước thì đi sau, khôn thấy mẹ! Có người ăn ở bất nhơn thất đức, nhưng ngược lại cũng có người ăn hành ở liền (ăn hiền ở lành)...Ăn đồng chia cho đủ để tránh gây gổ với nhau.
Ở thôn quê, người ta ăn nói mộc mạc như ăn dằn bụng ba hột cơm rồi hãy ra đồng mần việc! Còn mấy bà già trầu thì hay rủa mấy cậu thanh niên...“bộ tụi bây ăn phải đồ dơ của ai hay sao mà ngu quá vậy”... Hèn chi, đời mới có lắm kẻ ngu như thế nầy! Nói vậy, thì đàn ông con trai Tây Mẽo và VN ở thời đại văn minh bi giờ đều ngu hết hay sao vậy cà?
Ngày nay, càng ngày càng có nhiều giới trẻ thường từ bỏ nông thôn ruộng vườn vừa cực nhọc mà lại cũng vừa lâu ăn huê lợi được. Họ mu lên thành thị để sống khỏe hơn, dễ kiếm việc làm, có khi làm ăn công, làm gì cũng được, có làm có ăn, có ít ăn ít có nhiều ăn nhiều, mà lại mỗi đêm còn có em út bia ôm, cà phê ôm, karaoké ôm nầy nọ, cho đời thêm hương chẳng thua gì các đại gia, sướng lắm.
Có đói bụng thì ăn lai rai vài cái bánh tráng mè dằn bụng cho chắc ăn, chờ cơm chín rồi mới ngồi vô bàn. Sau những ngày mần việc mệt nhọc, cuối tuần bọn nình ông hay tụ họp ăn nhậu với nhau, nhưng họ hổng thích có nình bà con nít xía vô ăn vã phá mồi.
Tại các xứ Tây xứ Mẽo, đi làm thêm ngoài giờ quy định thì được ăn tiền phụ trội, tiền súp (supplémentaire), hay tiền ô quờ thêm (overtime), một giờ tính bằng một giờ rưỡi, hoặc bằng hai giờ. Khi bị mất việc, thì được ăn tiền thất nghiệp, về hưu thì ăn tiền hưu trí đến lúc già thì ăn tiền già, không có việc làm thì mình có quyền ăn tiền xã hội. Nếu bạn là công chức, nếu lỡ chết thình lình, thì bà xã được ăn tiền tử (death benefit), rồi còn ăn tiền bảo hiểm nhân thọ nữa cũng đủ để vợ con trang trải chi phí tang lễ, hay hỏa táng, bạn khỏi phải lo lắng thắc mắc làm chi, cứ yên tâm nhắm mắt mà...đi đi để người ta còn có thì giờ tái giá!
Trên bàn ăn, nên ăn miếng nhỏ, ăn nhỏ nhẹ, ăn xong rồi hãy nói, xỉa răng phải che để khỏi văng tùm lum làm mất thẩm mỹ thấy ghê quá chừng! Đi ăn buffet, nên lấy vừa đủ ăn, ăn cho nó lỗ chỉ khổ cho cái bụng mình, ăn hết mới đi lấy nữa, lấy nhiều ăn không hết bỏ tội chết đi!
Ở xứ mình, thời nào cũng có tệ nạn con ông cháu cha cocc, ăn hối lộ, lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ. Hồi trước 75 cũng như bây giờ, có những tai to mặt lớn là hạm ăn tiền viện trợ, ăn phân bón, ăn thuốc trừ sâu, ăn xi măng, ăn thiếc, ăn sắt... Làm việc gì cũng bị bọn họ ăn bòn, ăn bớt, ăn hớt khiến dân tình thấp cổ bé miệng rất ư là khốn khổ. Ngày xưa hay ngày nay cũng thế, tệ nạn ăn hối lộ, ăn đút, ăn chẹt, ăn lót quá ư là phổ biến, muốn được việc thì phải biết đút lót cho họ ăn chút đỉnh, đúng nghĩa kẻ cơm người cháo chớ có gì là lạ đâu. Nạn bè phái, ăn chặn của công, ăn tiền mãi lộ, ăn rút tiền viện trợ, tiền cứu trợ nầy nọ…là chuyện rất phổ biến như ăn cơm bữa vậy. Ăn là một tệ nạn hệ thống hóa từ trên xuống dưới. Thực là ngồi mát ăn bát vàng, khỏe ru bà rù!
Mấy năm gần đây, trong nước cũng như ở hải ngoại đã bộc phát ra dịch quyên góp tiền từ thiện một cách ồ ạt vô tư lạ thường. Phải chăng cái dịch vụ kinh doanh từ thiện (charity business) nầy là một lối kiếm ăn mới mẻ đầy tính tâm lý sáng tạo?... Thiệt giả vàng thau lẫn lộn, ai muốn làm thì cứ làm, ai thấy mình cần phải cho thì cứ việc cho, không ai ép buộc ai hết, tùy hỷ mà... Ai cũng ăn cánh được hết, họ hợp thành phe cánh ăn chia với nhau để kiếm lợi. Ai cũng có thể nhân danh từ thiện nhảy ra làm ăn được hết. Họ khai thác triệt để lòng hảo tâm của Việt kiều tị nạn ở hải ngoại, nhất là làm cho họ có mặc cảm tội lỗi, lương tâm cắn rứt nếu hổng chịu giúp chút đỉnh cho đồng bào khốn khổ lầm than bên nhà. Mạnh ai nấy quyên nấy góp, rất hăng hái, hồ hởi phấn khởi…Vui lắm, vừa xem văn nghệ, vừa đớp hít lại vừa nhảy nhót mà hổng tới một bò...“Trước mua vui sau làm nghĩa” hoặc “Miếng khi đói bằng gói khi no” hay “Của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng”, v.v...Ai dám nói dân tị nạn mình không giàu lòng nhân ái đâu?
Chuyện tranh ăn đôi lúc cũng không thể tránh khỏi. Ăn không được thì phá cho hôi, cho bỏ ghét, chẳng khác gì trâu cột ghét trâu ăn. Phe nầy tổ chức thì phe kia cũng bắt chước làm theo. Ai cũng giành độc quyền thương người tàn tật khốn khổ bên nhà. Đúng là thương người như thể thương thân... Nhưng ở đời, hễ dính tới tiền bạc thì rắc rối lắm, dễ bị thiên hạ nghi kỵ hiểu lầm nầy nọ. Chuyện nói xấu chụp mũ qua lại cũng thỉnh thoảng khó tránh khỏi. Lâu lâu, cũng có xì ra một vài vụ lem nhem, nhưng mà rồi những người có lòng nhân ái thật sự, đều lại nghĩ đại khái là: “thây kệ, có ít còn hơn không”, hoặc là “người ta ăn thì còn, mình ăn thì mất”, hoặc “gieo nhân nào gặt quả nấy” hay “tụi nó làm bậy tội ráng chịu” đúng theo tinh thần của Thiên Chúa giáo hay Phật Giáo, có nghĩa là làm phước thì sẽ gặp phước, làm lành sẽ gặp lành, v.v…, nên rồi đâu cũng lại vào đó mà thôi!
Trong nước, thì vợ công nhân viên biên chế (bên nầy Tây Mẽo gọi là permanent) thì ăn theo chồng. Những kẻ ăn trên ngồi trước lúc nào cũng hưởng nhiều quyền lợi và bổng lộc vì biết nguyên tắc ăn chia cho cấp trên cấp dưới, vui vẻ cả làng! Cũng có một hạng người háo danh, ăn cơm nhà đi lo chuyện bao đồng của thiên hạ, lăng xăng lạch xạch chạy tới chạy lui cho ra vẻ ta đây... Cũng có người bợ đít, ăn bã mía mong kiếm chút cháo!
Làm chuyện gì thì cũng bị họ đòi ăn tiền trà nước, ăn tiền đầu tiền đít, ăn hai đầu, có khi gọt mình sát ván mà còn nói toàn là ơn với nghĩa không hà! Lúc đi vượt biên thì bị đòi ăn toàn cây, mà phải là cây ba số 9 (vàng Kim Thành) mới được. Có khi tiền họ đã lấy đủ nhưng ăn trớt không thèm giúp đỡ, hoặc có khi họ còn bỏ rơi mình ở lại một cách không kèn không trống nữa. Đúng là quân bất lương, cái đồ ăn cướp!
Sau 75, họ chủ trương chính sách ăn no mặc ấm, ăn chắc mặc bền trước, rồi sau nầy mới có thể nói đến chính sách ăn ngon mặc đẹp, ăn sung mặc sướng được! Trong thời buổi khó khăn đó, lo cái ăn cái mặc cũng đã hụt hơi rồi còn sức đâu mà làm những chuyện gì khác, lại có người bị xuống dốc đâm thất chí, ăn nói lảm nhảm hoặc đổi tánh trở thành ít ăn ít nói, lầm lầm lì lì suốt ngày suốt tháng để…suy nghĩ về thế sự thăng trầm hoặc về tình đời thay trắng đổi đen, nhưng có người cũng biết an phận thủ thuờng, nín thở qua sông, chờ thời…Trong đời sống hằng ngày, đa số dân chúng VN phải chịu cảnh ăn dặm, ăn độn khoai mì, bo bo để cầm hơi đỡ đói, và cong lưng đạp xe đạp xe máy suốt ngày, nắng cũng như mưa. Nhờ cái môn thể thao exercise bắt buộc và bất đắc dĩ nầy mà rất tốt cho sức khỏe, nên ít ai bị béo phì như tụi Tây tụi Mẽo bên nầy!
Ông bà mình có nói, khéo ăn thì no khéo co thì ấm, thật đúng quá mà…Ai ăn ngay nói thẳng dễ sinh mích lòng, dễ bị thiên hạ ganh ghét và có khi còn bị trù ẻo nữa. Ăn nói tráo trở lật lộng là nói thế nầy mà lại làm thế kia! Còn tệ nạn COCC, con ông cháu cha thời nào cũng vậy, ăn trên ngồi trước, ăn không ngồi rồi, ăn xổi (ăn ngay không để lâu) ở thì, ăn báo chế độ, sướng thấy mẹ. Thời trước cũng như thời nầy, con cái của họ được cho đi ăn học nước ngoài, đi du học ào ào bên Tây bên Mỹ, tiền bạc hổng phải là vấn đề đối với họ. Cửa hàng ăn uống mọc lên khắp phố phường, sáng trưa chiều tối đều đầy nhóc người ngồi ăn nhậu, ăn tục nói phét, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu...Trong cảnh khốn cùng cũng còn có người thức thời nhiều sáng tạo, nhảy ra làm ăn, trước thử làm chơi, sau thành ăn thiệt, người khác thấy vậy cũng nhào vô ăn có, nhưng đâu phải là dễ gì...Phàm làm việc gì cũng phải có ăn chịu cả. Dân kinh tế mới ùn ùn kéo về ăn bám, ăn gửi, ăn vạ thành phố, gây cảnh xô bồ hỗn độn mất an ninh trật tự khắp nơi.
Tệ nạn ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp diễn ra hà rầm bất kể ngày đêm, nhất là trong các xóm bình dân lao động có nhiều ngõ ngách ăn luồn ăn thông với nhau. Gái ăn sương, ăn đêm, chị em ta, chị tình hay gà móng đỏ ăn vận, ăn mặc diêm dúa, tụ tập nơi các quán ăn quán nhậu, quán cà phê mời mọc khách tìm của lạ. Bỏ cơm nhà ăn cơm chợ đổi món đỡ ngán, ăn phở, ăn bánh trả tiền đổi bữa... Dù trời nắng gắt bạn vẫn phải nhớ trùm áo mưa đàng hoàng nghe bạn, nếu không dám bị bể ống khói bất tử hay mầm Sida ăn mòn, ăn lần tâm can tì phế thận ắt phải ăn đất (chết) thôi, chừng đó có ăn năn thì cũng đã muộn rồi! Có bạn có tí máu văn nghệ thì trốn vợ nhà, chạy tìm bò lạc chở đi.. ăn chè khoái hơn. Đúng là hảo ngọt. Bà nhà mà biết được thì kể như bị ăn đòn. Ông dám ăn vụng thì bà cũng dám nhảy rào trả đũa, ông ăn chả thì bà ăn nem, huề cả làng!
Tình hình như thế mà cũng có người nhờ tiền chôm chỉa, nên họ dám ăn xài phung phí, ăn chơi phè phỡn, họ chỉ biết ăn sung mặc sướng chớ đâu bao giờ chiụ ăn cực ăn khổ đâu. Có lẽ họ thấm nhuần câu tháng giêng là tháng ăn chơi, và theo họ thì trong năm chỉ có 12 tháng giêng để cho dễ tính dễ nhớ mà thôi. Ngược lại, cũng có người nghèo tận xác đi, mì gói, mì Ramen, mì hành, mì hai cua, mì Kung Fu, mì ăn liền làm chuẩn, giúp họ ăn qua ngày cầm hơi đỡ dạ!
Chùa chiền thì bị bọn ăn xin ăn mày vây kín suốt ngày. Đi chùa lễ Phật mà cũng có người chưa tỉnh vẫn còn mê, còn chấp ngã ăn nói khó nghe, mở miệng ra là Mô Phật nhưng hễ ai nói đụng tới cái ngả của mình thì cái sân si ùn ùn sụt sụt nổi lên. Đôi khi họ lại hay nói xấu người nầy, dèm pha chê bai kẻ khác, hơn thua nhau từng tiếng một, nói bóng nói gió, nói móc lò móc họng, nói cao nói thấp, quên cả Bát Chánh Đạo ở tận đâu đâu...Người ta nói thà ăn mặn nói ngay, còn hơn là ăn chay mà nói dối!
Chợ búa thì ê hề món ăn, có thứ ăn sống, ăn chín, có thứ ăn nóng, ăn lạnh, có thứ ăn khô, có thứ ăn ướt. Hủ tiếu thì có người thích xào khô, nhưng cũng có người thích xào ướt, thường thì xào khô trước rồi xào ướt sau mới đúng điệu là biết...nghệ thuật ăn. Ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối không sợ thiếu món nào cả! Hàng quán mất vệ sinh khiến khách hàng có khi ăn nhầm thức ăn bẩn nên bị ngộ độc thực phẩm ngã bệnh cả lũ. Vậy, ăn uống phải cho cẩn thận kỹ lưỡng để khỏi bị chết oan vì bệnh tòng khẩu nhập! Có mấy người quen mới đi du lịch VN về, nói bên đó ăn từ sáng tới khuya, đâu đâu cũng thấy ăn bất kể giờ giấc, thật đúng là Sài-gòn Ăn.
Có người cũng nghĩ là trong đời, ăn uống là ba cái chuyện lẻ tẻ, ăn nhằm gì mà phải bận tâm. Trong gia đình cũng có những người ăn uống rất khó khăn, rất kén ăn, chọn món nầy chê món nọ, đòi hỏi đủ điều, chê bai, hạch sách vợ con đủ thứ, tưởng mình là vua trong nhà. Nếu chẳng may ngã bệnh, lên máu, tiểu đường, sợ chết quá mới nghe lời bác sĩ, ép mình miễn cưỡng ăn kiêng... Cũng có cha sao hay quá xá cỡ, vì có thể bắt nạt vợ nhà làm việc thấy bà, còn mình thì phè phỡn ăn no ngủ kỹ, số sướng thật, có lẽ cha nội nầy đẻ bộc điều hay vì nhờ kiếp trước khéo tu nên được hưởng quả kiếp nầy chăng? (Nói rõ hổng phải tui đâu). Có người thường có lộc ăn, bạn bè lôi kéo đi ăn nhậu suốt ngày hoặc được biếu xén đủ thứ món ngon vật lạ, có lẽ nhờ số tử vi có sao Lộc tồn, Thiên Trù, Hóa Lộc, Tấu Thư chiếu mệnh... Có cha thì phớt tỉnh ăn glê, không quan tâm đến thế sự thăng trầm, ăn sao cũng được, ăn ít ăn nhiều cũng vậy thôi, hổng khen ngon mà cũng hổng chê dở, chán thấy mồ tổ, có lẽ anh ta đang tu thiền hoặc đang bị bệnh trầm cảm gì đó chăng?... Cũng có cha tánh cẩu thả, ăn ở bầy hầy, ăn trây ăn trét, khiến bà chị bực mình vì phải dọn dẹp trối chết, mệt thấy mồ tổ, sanh đổ quạu, cáu có điện xẹt bất tử cũng dễ hiểu mà thôi!
Trong thảm cảnh vượt biên, rất nhiều đồng bào mình đã từng nếm qua rồi, ăn dụm để dành, được ăn cả ngã về không, năm ăn năm thua, có bao nhiêu tiền vàng đều chụm vô hết cũng chỉ vì hai chữ tự do là vô giá (freedom is priceless)... Có người thì tìm cách bán nhà bán cửa về quê cạnh sông cạnh biển ăn gửi nằm nhờ, ăn chực nằm chờ, ăn gió nằm sương nhà bà con để chờ có dịp là vọt liền lập tức. Nếu lỡ đi không lọt thì phải ủ tờ (ở tù), bị nhốt ở chấp pháp, bắt lao động thấy bà, nếu khéo chạy chọt đút lót thì được thả mau, còn xui hơn thì đôi ba năm nằm ấp, rồi cũng được thả về, nhưng phải làm tờ tự kiểm nay đã ăn năn hối cải, tui xin chừa, tởn lắm rồi. Được tạm tha trả về nguyên quán làm ăn, gom góp tiền bạc chờ ít lâu có cơ hội là lại…vọt nữa! Đúng là bắt cóc bỏ dĩa…
Hồi hợp, lo âu mất ăn mất ngủ hổng kể xiết trong thời gian chuẩn bị nằm chờ ở nhà, thật là trần ai lai khổ, ngậm bồ hòn nuốt đắng, nín thở qua sông...
Ngoài biển, thì hải tặc Thái Lan muốn ăn tươi nuốt sống mình, nhảy qua ghe kiếm ăn, mã tấu súng ống dao búa đầy người, hãi hùng lắm bạn ơi, thiếu điều muốn…tè tại chỗ. Mà đâu phải chỉ có một lần đâu, thằng nầy đi thì báo cho thằng khác đến ăn hàng tiếp. Các bà các cô khiếp quá phải lấy dầu lấy mỡ lấy cả đồ dơ, thoa trét khắp mình mẩy cho tụi nó ghê nó tởm mà tha cho. Cầu Trời, khẩn Phật, cầu Chúa, cầu xin Cô Cậu, xin người khuất mày khuất mặt hãy thương xót, phù hộ che chở cho tui tai qua nạn khỏi, ai giúp cũng welcome hết, nguyện khi thoát nạn sẽ xuống tóc ngay lập tức, ban ngày ăn chay ăn lạt, còn tối lại len lén lai rai mì thịt, mì hành cho đỡ xót ruột khó ngủ. Lần chuỗi niệm Phật một tháng không sót một ngày. Xin hứa danh dự mà!
Có người không may mắn thì làm mồi cho cá mập ăn mất xác hoặc đi chầu Hà Bá Diêm Vương.
Người ở nhà thì tự hỏi, không biết ăn cái giải gì mà bọn họ phải liều mạng trốn đi như vậy kìa? Rồi cuộc đời thay đổi đổi thay, tới được bến bờ tự do, nhiều người bắt đầu lột xác cho hợp với phong cách của miền đất hứa, có người cũng đi quá đà…Luân thường đạo lý Đông phương đảo lộn nhường chỗ cho tự do cá nhân và giá trị kim tiền vật chất của xã hội Tây phương. Hai ba chục năm sau, có người còn quên luôn lời hứa buổi ban đầu, thề thốt nầy nọ, cũng như không nhớ vì sao ngày xưa mình phải cực khổ liều thân liều mạng trốn đi tị nạn bên Tây bên Mẽo! Ôi, đời là một chuỗi đổi thay không ngừng, tình đời thay trắng đổi đen biết đâu mà rờ.
|