Ông Niết tuổi đã bảy mươi, nói với anh con rể:
“Mầy phải biết vùng lên một chút chứ! Sợ vợ như mầy, làm tao cũng nhụt chí anh hùng theo!”
Anh rể khoảng bốn mươi tuổi, cười hề hề:
“Thôi Ba ơi. Chúng ta phải thanh toán cho xong dĩa tiết canh nầy, rồi thu dọn chiến trường, dấu kín tàn dư, chứ chốc nữa vợ con và Má về, biết được thì ồn ào lắm. Khi vui, ba đừng tiết lộ cho Má biết con lén mua tiết canh về cho Ba ăn nghe!”
“Tao có ngu đâu. Mầy biết tao thèm tiết canh nên mua, chứ mầy đâu quen ăn cái thứ nầy! Vợ mầy biết chuyện, thì cũng khổ cho mầy đó!”
Hai bố con miệng mồm dính tiết đỏ lòm, hành lá màu xanh dắt trong răng, nhồm nhoàm nhai khoái trá. Mặt đã đỏ bừng vì mấy chai bia. Giọng ông Niết lè nhè:
“Ừ. Mầy ‘chơi’ thêm chai nữa đi! Tao cũng làm một chai nữa. Có mấy khi được tự do như hôm nay?”
“Sợ mặt đỏ, vợ con về biết!”
“Mặt mầy đã lỡ đỏ như ráng trời rồi, không thể đỏ hơn được. Uống đi, sợ cóc gì? Kỳ thật, đàn bà thấy tiết canh là la lên í-oái. Cấm đoán. Mấy khi có được thứ ngon như thế nầy! Không ăn, cũng uổng lắm sao?”
Ông Niết uống cạn ly bia khà một tiếng, anh rể cũng nốc ực. Ông Niết lặp lại:
“Mầy phải vùng lên, ‘hỡi giai cấp bị trị’ hãy vùng lên dành lại tự do, công bằng.Vợ chứ đâu phải ông trời đâu mà mầy cứ chịu lép một bề hoải?”
“Ba vùng lên trước, rồi con sẽ theo chân Ba mà vùng.”
“Tao đâu có bị vợ đè nén ức hiếp mà phải vùng lên? Mầy biết, bà ấy coi tao như ông trời. Có khi nào tao bị sai bảo, chạy cho có cờ đâu. Bà nói gì mặc, tao đâu có nghe, chẳng làm. Rồi cũng thôi. Làm gì tao được?”
Anh rể cười hì hì: “Con nghe nói ông Trời cũng biết sợ vợ đó Ba à’”
Ông Niết tiếp: “Có ai như mầy đâu? Đi làm việc một ngày mười tiếng đã bở hơi tai. Chiều nào tan sở về cũng phải ghé ngang chợ, vợ điện thoại nhờ mua đủ thứ. Thế mà cũng cứ bị chê rau không tươi, thịt không ngon, trái cây lựa chưa kỹ. Hạch xách đủ thứ. Rồi thứ bảy, chủ nhật sai mầy chở tao và má mầy đi cả trăm dặm thăm người nầy, người kia, Việc gì cũng đổ lên đầu mầy cả. Đôi khi tao cũng bực lắm, thương mầy chịu đựng. Tao mà như mầy, thì…thì…”
“Thì sao hở Ba?”
“Thì sao? Tao cũng chưa biết. Nhưng phải vùng lên, đấu tranh. Ừ, nhưng mà thế hệ của mầy văn minh hơn, nên kiên nhẫn, chịu để cho vợ đè sát ván. Tao không binh con gái, thấy việc bất bình thì phải nói ra. Hừ, nam nữ bình quyền, bình cái con khỉ. Đã cưỡi lên đầu người ta, mà vẫn kêu gào là bị đàn áp chưa bình quyền.”
“Ba say rồi đó!”
“Đúng. Tao say, nhưng còn nói điều sáng suốt.”
Ông Niết chịu bán cái dinh cơ có vườn rộng mênh mông sáu mẫu đất tại một tỉnh nhỏ của một tiểu bang lạnh miền đông bắc Mỹ, dọn về nam California ở với vợ chồng người con gái cho ấm áp và đỡ cô đơn trong tuổi già.
Cái nhà năm phòng ngủ của người con gái được thiết kế lại, chia làm hai phần riêng biệt, cửa vào riêng, nhưng có cửa sau thông nhau. Phần ông bà Niết cũng có đủ hai phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, chỉ thiếu cái bếp, vì cô con gái muốn cùng bố mẹ cùng ăn chung cho tiện. Hàng tháng ông bà đóng góp rộng rãi tiền nhà, tiền ăn, vì không muốn mang tiếng nhờ vả con. Ông bà Niết gạt ra ngoài tai lời khuyên của các bạn già đã có kinh nghiệm quý báu, rằng không nên ở chung với con dâu con rể. Bất tiện và đôi khi tủi thân lắm. Những khi dâu rể nó vô tình đóng cửa mạnh, hay lỡ to tiếng với con cái chúng, mình cũng ái ngại, không biết nó có buồn giận chi mình chăng. Vợ chồng nó cũng có lúc bất hoà cãi cọ nhau, nghe cũng mất vui. Tự do của mình cũng bị hạn chế. Trong nhà, mình cũng phải ăn mặc đàng hoàng, lịch sự, không được tự do đánh trần mang xà lỏn, phơi cái bụng phệ. Ở riêng là tiện và sướng nhất. Biết rõ ý bố mẹ vợ, anh con rể ngăn đôi căn nhà. Khi muốn chung thì cũng chung được, khi muốn riêng biệt thì cũng hoàn toàn riêng. Không ai phiền hà ai.
Bà Niết thường hay to nhỏ cùng chồng: “Anh đừng nêu gương xấu cho thằng rể, làm hư nó, con gái mình có phước, lấy được một thằng chồng hiền như đất cục, biết cưng chiều, hết sức nhịn vợ và chăm sóc cho gia đình. Khó mà kiếm ra được một thằng như vậy lắm”.
Ông Niết cự nự lại: “Thế nào là nêu gương xấu? Tôi đã làm gì sai? Ít sợ vợ là nêu gương xấu chăng? Tôi chưa thấy thằng đàn ông nào ỉu xìu, sợ vợ như nó. Vợ chứ đâu phải cọp beo chi mà sợ đến thế? Nếu nó là con trai của bà, chắc bà đã giãy nảy lên mà xỉa xói, kêu là thằng đàn ông râu quặp, đội vợ lên đầu. Bà phải xử sự công bằng.”
“Không công bằng gì cả. Nó tự nguyện, chứ con gái mình có ức hiếp đâu? Nó cảm thấy sung sướng hạnh phúc được phục vụ gia đình. Đừng nói là ‘sợ vợ’ nghe chướng tai, phải nói là thương vợ mới đúng! Em không có phước bằng con gái, nó được chồng thương hơn.”
Ông Niết cười khà khà; “Tôi không là con gà chết.”
Mỗi ngày đi làm về, anh con rể len lén đặt nhẹ lên bàn mấy tờ báo Việt Nam, rồi liếc nhìn ông già vợ, miệng hơi mỉm cười. Ông Niết biết nó mua cho ông, chứ chưa bao giờ thấy nó đọc báo. Sau đó, anh rể ra xe, ôm nhiều bao bì đầy cả hai tay vào bếp. Vợ nó dặn sẵn, trên đường về ghé chợ mua các thứ nầy.
Những khi có việc đi qua phố, anh con rể thường dẫn ông Niết vào các tiệm sách, la cà tìm kiếm. Thấy ông có vẻ ưa thích cuốn nào, thì nó mua liền. Ông Niết nói không đọc thì đừng mua. Nó bảo cứ mua để đó, khi có thì giờ thì đọc. Biết nó mua cho ông, nên định dành trả tiền, mà nó nhanh nhẩu hơn, trả tiền trước, làm ông cứ áy náy mãi.
Một lần bà Niết nhận xét cái máy truyền hình trong phòng ông bà không được rõ nét và đẹp bằng cái ở phòng khách. Chủ nhật hôm đó, anh con rễ mang về một cái máy truyền hình mới, màn dẹp, khổ lớn, đem vào phòng ông bà. Ông Niết la lên:
“Chết, chết, đem trả lại đi. Cái máy cũ cũng đã tốt lắm rồi. Mua máy mới làm chi cho tốn kém. Ba không chịu cái máy mới nầy đâu.”
“Ba không chịu, nhưng mẹ chịu. Cái màn hình lớn, màu đẹp, rõ nét, xem sướng con mắt hơn máy cũ nhiều lằm. À, mà Ba Mẹ đã xem hết mấy cái dĩa phim truyện chưa? Con đi đổi bộ phim khác. Nghe nói có mấy bộ phim Đại Hàn mới, chuyện cảm động lắm. Mấy bạn con có cả trăm bộ phim hay chọn lọc chứa trong “ổ cứng”, hôm nào con mượn về sang ra, để dành mà xem.”
Ông Niết không muốn phiền anh con rể, gạt ngang: “Thôi, thôi, đủ rồi. Chừng đó dĩa phim xem mãi, mờ con mắt ra, cũng chưa xong.”
Bà vợ ông gắt: “Thôi sao được mà thôi? Ông không xem thì để tôi xem.”
Ông Niết nháy bà vợ, nói nhỏ: “Đủ rồi, đừng quá lợi dụng lòng tốt của nó.”
Cứ vài ba hôm, anh con rể mua món nhậu ngon về cùng bố vợ khề khà với vài chai bia trước khi ăn cơm chiều. Mấy lần mua được thịt bê thui, anh con rể vui vẻ nói lớn:
“Hôm nay qua chợ, thấy có thịt bê thui còn nóng, mới giao hàng, trông ngon lắm, con mua mấy lạng, về hai bố con mình nhậu cho vui.”
“Không chờ vợ con và mẹ ăn luôn sao?.”
“Con có để phần rồi. Mình lai rai làm vài chai bia trước. Bê mới thui, thịt tươi rói, mới nhìn thôi cũng đã cảm được cái vị ngọt trong miệng rồi!
Hai bố con đem bàn ra vườn, ngồi nhai lai rai. Ông Niết cười, nói đùa:
“Mầy tập cho tao hư rồi đó! Uống bia nhiều, cái bụng cứ to thêm mãi. Khi ở trên miền Bắc, không có bạn nhậu, lâu lắm mới uống một chai bia. Uống một mình, không thấy vui, chẳng cảm được cái vị ngon.”
“Lâu lâu mới có một bữa mà Ba! Tội chi không vui với những cái hạnh phúc nho nhỏ nầy? Trời cho mà không nhận, cũng uổng! Con biết Ba ưa ăn ngon, nhưng lại sợ bị bệnh tim, gan. Cứ ăn tưới đi, tới đâu thì tới. Năm ba bữa, làm một chầu cho đời lên hương, đừng ngày nào cũng say sưa là được!”
Cô con gái ông Niết đi làm về, mở cửa nhìn ra sân sau, làm anh con rể giật bắn mình quay lại nhìn vợ. Cô nói lớn: “Mỗi người một chai bia thôi nghe!”
“Ưà! Một chai thôi.” Anh con rể đáp lời vợ, quơ tay xuống bàn, giấu mấy vỏ chai vào góc kẹt, rồi nháy ông Niết mà cười.
Mùa hè trời nắng nóng, buổi chiều ngày nghỉ, anh con rể thường đưa cả nhà ra bãi biển, trải tấm khăn lớn, quây quần dọn thức ăn ra, chung vui. Thằng bé con lăn lộn vọc cát. Ông Niết đi bộ ven theo bờ nước nghe sóng vỗ rì rào. Bà vợ không muốn ông đi một mình, sợ ông ham ngắm nhìn những thân thể lồ lộ mập mạp của các bà ít vải che trên thân thể. Bà cứ kêu ông trở lại, không cho đi xa.
Bà nguýt ông và nạt: “Con mắt cứ láo tiên như mèo thấy mỡ.”
Ông phản ứng ngay: “Ra đây bà bắt tôi phải nhắm mắt lại sao? Nói thế, con cháu nó cười cho.”
“Cười ông chứ cười ai? Già rồi mà chưa chịu yên!”
Anh con rể đưa tay bí mật bấm ông Niết làm dấu. Ông liếc nó mà mỉm cười.
Trăng vàng sáng vằng vặc trên bãi biển. Ông Niết nằm ngữa nhìn lên trời và nhớ về quê hương xa xôi, có những đêm trăng sáng trên đường quê, trai gái rộn ràng ca hát vui chơi. Tiếng nhạc du dương êm đềm từ các quán nước văng vẳng mơ hồ. Ông Niết nhắm mắt, thiếp đi một giấc ngắn. Mộng thấy còn nằm trong lao tù cải tạo. Khi thức giấc,ông giật mình hoảng hốt, nhìn quanh xem có thực đang ở trên đất Mỹ, có vợ con bên cạnh hay không. Thấy dáng điệu lạ của chồng, bà vợ hỏi có sao không? Ông trả lời là không sao hết. Những lúc như thế nầy, ông bồi hồi, cảm thấy sung sướng, hạnh phúc dâng tràn. Ông cám ơn nước Mỹ, đã dang rộng vòng tay ra cho ông có nơi dung thân, cám ơn vợ, con đã đem lại cho ông tháng ngày bình an sung sướng nầy. Ông nghĩ đến những người anh em bên kia chiến tuyến mà thương cho họ. Họ đã khởi động cuộc chiến, xua quân xuống miền Nam, tấn công chinh phục. Thế mà họ lại còn hận thù chất ngất nạn nhân của họ. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra, chỉ để được nghèo đói hơn, bị áp bức hơn, và thiếu tự do hơn. Ông thầm nhủ, thôi quên đi, phe nào cũng tội nghiệp cả. Lỗi lầm của lịch sử.
Nhiều khi anh con rể đưa cả gia đình về một khu thương mãi lớn, ngồi trên sân rộng, có gần cả trăm bàn vây quanh sân khấu thấp, nghe nhạc sống, đàn trống xập xình vang vang. Ban nhạc đầy đủ đàn lớn, đàn nhỏ, kèn, tiêu, sáo hoà âm rộn ràng. Ca sĩ già trẻ thay phiên nhau ca hát. Người nghe ngồi gật gật thưởng thức với cái hạnh phúc toát ra trên những khuôn mặt vui tươi. Những sinh hoạt nầy không có ở thành phố vắng vẻ nơi ông ở trước đây. Không cần hỏi trước, anh con rể băng qua bên kia, mua về cho mỗi người một ly kem mát lạnh, ngọt và ngon. Khi thấy nhiều cặp già trẻ đứng lên nắm tay nhau bước theo điệu nhạc, anh rể kéo ông Niết đứng lên:
“Ba ra nhảy với con vài bản cho ấm người thông máu”
Ông Niết gạt tay anh con rể: “Nhảy nhót gì, mấy chục năm chưa nhảy lại lần nào. Mà già rồi, kỳ lắm.”
Anh rể cười cười: “Ba nhìn qua bên kia kìa, hai cụ cũng gần chin chục tuổi, còn muá may lia lịa. Ba đứng dậy đi! Má chịu rồi đó.”
Ông Niết ra muá may với anh con rể trong tiếng nhạc dập dồn. Bước tới, bước lui, tay hoa, chân đá, uốn éo. Hai cha con vờn nhau trong tiếng trống, tiếng kèn. Khi nhạc dứt, trở về ghế ngồi. Anh con rể nói:
“ Ba dấu nghề kỹ quá. Ba nhảy bay bướm mà lạ lắm.”
“Bay bướm cái con khỉ. Tao múa võ đó, đi theo bài quyền ‘Thập Bát La Hán’ Múa theo điệu nhạc, thì ‘khiêu võ’ cũng thành ‘khiêu vũ’ vậy.”
Bà vợ ông xì một tiếng dài.
Ông Niết thấy dọn về nơi nầy, tìm được nhiều thú vui hơn. Có khi cả tuần, ông chưa hề nói một câu tiếng Mỹ. Nhưng ông cũng bực, vì bị bà vợ và con gái bao vây, chăm sóc cho ông quá kỹ, không cho ông lái xe nữa, lấy lý do ở đây thành phố đông đúc, xe cộ như mắc cữi, mà thì ông đã già, chậm, mắt kém, dễ gây tại nạn. Ông nói hai mươi mấy năm nay đã lái xe trên đất Mỹ, mà có sao đâu? Thế nhưng vợ và cô con gái đồng thanh bảo, nơi đây là đô hội, chỗ ở trưóc kia là thành phố nhỏ quê mùa, hai bên khác nhau. Ông đòi mua xe đạp, cũng ngăn cản, không cho. Những khi ông đi bằng xe buýt, thì ở nhà bà lo lắng, quýnh quáng, chốc chốc kêu điện thoại di động kiểm soát xem ông có gặp trắc trở gì không. Vợ và con gái canh chừng ông như chăm nom đứa trẻ con. Ông cũng biết vì tình thương mà vợ và con lo lắng và ngăn cản ông.
Những khi cần thăm bạn bè ở xa, ông Niết muốn dùng xe công cọng cho khỏi nhờ vả ai. Nhưng cô con gái ông không muốn bố mẹ đi đường chờ đợi cực khổ, nên nhờ chồng đưa đi. Ông Niết phải cương quyết: “Thôi, bố mẹ ở nhà, không cần đi nữa.”
Anh con rể dịu dàng nói: “Con cũng cần đi qua vùng đó có công chuyện, nhân tiện chở Ba Mẹ đi luôn.”
Ông biết anh con rể có lòng tốt, nói vậy cho ông khỏi áy náy, ông nhất quyết khước từ. Bà vợ ông thì không chịu hiểu, cứ nằng nặc đòi đi. Ông thở dài: “Thôi, nếu muốn thì bà đi một mình. Tôi mệt nằm nhà.”
Bà vợ gắt: “Vô duyên chưa! Bạn của ông mà tôi đi thăm một mình được sao?”
Những khi anh con rể đi vắng, ông Niết có dịp ngồi riêng với cô con gái, ông thường nhỏ nhẹ:
“Con cũng nên xét lại cách cư xử với chồng cho hợp lý hơn. Cứ sai nó việc nầy, việc kia lu bù, bắt nó chạy cho long tóc gáy, lại còn chê bai, giận hờn, nạt nộ. Chống chứ đâu phải là đầy tớ, hay nô lệ? Một ngày kia nó ý thức được bất công, rồi vùng lên, thì không tốt đâu!”
“Con có làm gì quá đáng đâu? Con chưa hề nghe anh ấy kêu khổ hoặc than thở bao giờ! Con không hiểu Ba muốn nói gì!”
Một hôm, con gái ông ngồi chơi đùa với đứa cháu ngoại bảy tuổi. Khi cô ôm con vào lòng và hỏi:
“Sau nầy lớn lên con sẽ làm gì?”
“Con sẽ sợ vợ, như bố sợ mẹ!”
“Không. Không. Không được. Con của mẹ phải mạnh dạn, hùng dũng, không sợ ai cả. Mà ai dạy cho con câu nói nầy?”
Thằng bé đáp rất tự nhiên:
“Ông ngoại.” ./.