Có lẽ không có một thành phố nào như Pleiku được
nhắc nhở nhiều đến như vậy trong văn học Việt Nam. Những thi văn sĩ, đã sống và thở ở không gian đó, đã trải qua những ngày tháng tao loạn chiến tranh, nên tác phẩm của họ đã biểu hiện sinh động được tâm cảm của những người lính thú hay những nàng chinh phụ của một thời đại chiến tranh.
Với tôi, phố núi Pleiku gợi lại cho tôi rất nhiều vần thơ. Có thể là của riêng tôi mà cũng là của rất nhiều thi sĩ đã gần gũi với thành phố ấy. Thêm vào nữa, Pleiku còn là cả một kho tàng kỷ niệm của riêng tôi..
Ngay ngày đầu tiên đến Pleiku, tôi đã cảm thấy như mình là một dòng sông đang đến một khúc quành.
Năm tôi lên nơi chốn ấy, tôi vừa đến cái tuổi đôi mươi. Hai mươi tuổi, tâm hồn lúc ấy trắng bong, tràn đầy mơ với mộng. Chưa có kinh nghiệm trường đời nên thường phản ứng trước những điều mà mình thấy không vừa lòng. Tuổi trẻ lại hay thích thoải mái không ưa sự gò bó nên dù ở Nha Trang phong cảnh sơn thủy cũng hữu tình lắm nên khoái chuyện giang hồ lang thang. Ở đâu cũng xa nhà nên tôi tình nguyện đi biệt đội Pleiku mút mùa lệ thủy và khi lập không đoàn thì cũng là một trong những sĩ quan thuộc hàng khai sơn phá thạch của đơn vị kỹ thuật ở đây…
Thời gian ở thành phố biên trấn này chỉ hơn hai năm mà sao tràn đầy kỷ niệm. Có những lúc, cơm xấy đồ hộp ngày này qua tháng khác mà vẫn vui. Lãnh lương xong, chỉ một vài ngày là sạch nhẵn, thế mà tối nào cũng lang thang ở phố đến nửa đêm mới mò về phi trường. Ở đây, biết bao nhiêu đứa bạn, buổi sáng còn đùa giỡn chọc ghẹo nhau mà vài tiếng đống hồ sau thân xác đã thành sương khói cho những phi vụ không về. Ở đây có sáng mù sương, thấy đời mỏi mệt như chiếc xe dodge của biệt đội ì ạch leo lên đầu dốc. Dù rằng lúc ấy tôi chỉ vừa hai mươi tuổi…
Cảm giác đầu tiên của tôi khi đến Pleiku thật là lạ lùng.
Ngày đầu tiên khi tôi từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u ám. Phi cơ trực thăng khi bay qua Khánh Dương bị bắn và tôi hiểu chiến tranh đã đón chào tên lính trẻ làm thân lính thú đồn xa như thế. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo và bầu trời nặng nề u ám mầu mây đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho tôi thấy mình quá nhỏ nhoi trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, tôi thấy những câu thơ vẩn vơ trong óc. của Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn,… Thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm,… của riêng tôi. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt rát. Những ngọn gió thốc vào ngực.Nặng tê… Tự nhiên tôi thấy mình thật gần gũi thân thiết với những vần thơ biết là bao nhiêu. Có lúc, tôi nghĩ thi ca là một phần đời sống mình…
Thi sĩ làm thơ cho Pleiku thì rất đông đảo. Và thơ hay cũng nhiều lắm, mỗi bài có ý vị riêng, có phong thái riêng. Tôi bắt đầu với nhà thơ Vũ Hữu Đinh...
Nếu nói bài thơ “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” của thi sĩ họ Vũ đã làm cho Pleiku trở thành một nơi chốn cực kỳ lãng mạn và thơ mộng của thi ca Việt Nam thì cũng chắng phải là ngoa ngôn, những câu thơ dễ thương của một vài con phố nhỏ heo hút của vùng cao nguyên, với hình tượng của “Em”, của thời tiết lạnh lạnh để má em thắm để môi em hồng. Có ai hỏi là những nhân dáng này có thật không trong đời sống của người làm thơ không thì nhà thơ họ Vũ đã trả lời rằng đó chỉ là hình tượng tổng hợp từ nhiều hình ảnh trong thực tế để tổng hợp thành một hình tượng tuyệt diệu của tưởng tượng, của hư cấu. Và trong cái không gian của một phố núi nhỏ nhoi, con người thi sĩ và cảnh vật cũng như thiên nhiên ở đây hình như thở chung một nhịp đập của trái tim tràn cảm xúc. Con phố hoang sơ lạnh lùng nhưng dường như có một tâm hồn mà người thơ cảm thông được, hiểu được từ nỗi cô đơn mà trời riêng dành cho người là thơ.
Bài thơ ấy gồm chỉ mười hai câu thơ thôi mà chuyên chở rất nhiều tình, ý. Thơ có thiên nhiên hòa hợp với con người. Thơ làm đời sống có nhiều chất thơ hơn để quên đi những ám ảnh của chiến tranh:
“Phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật gần
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.”
Hình như về sau này, khi Cộng sản chiếm miền Nam, thì trong các tuyển tập thơ có trích đăng bài này. Bài thơ này hình như vượt qua được giới tuyến của chiến tranh để trở thành một tài sãn văn hóa của dân tộc...
Bài thơ này được trích đăng hoặc in trong nhiều tuyển tập thơ xuất bản ở trong nước, nhưng không phải là nguyên văn bài thơ. Thí dụ như hai câu thơ cuối thì nguyên bản là “mai xa lắc trên đồn biên giới / Còn một chút gì để nhớ để quên“ Thì sửa lại là “mai xa lắc trên đồi biên giới / Còn một chút gì để nhớ để quên“. Chỉ sửa có một chữ mà ý tưởng đã khác nhau nhiều!
Tôi không rõ Vũ Hữu Định viết bài thơ này trong thời gian nào nhưng theo nhà thơ Luân Hoán một người bạn thân cùng quê với anh đã tả chân dung nhà thơ ấy như sau:
”với chiều cao khoảng một thước sáu nhưng có bề ngang, cộng với dáng đi chữ bát, cộng thêm lối an vận lè phè nhà thơ Vũ Hữu Định trông gần như hơi thấp. Anh không có khuôn mặt đẹp trai nhưng nhìn rất bắt mắt. Nụ cười xuề xòa luôn luôn đi trước giọng nói dí dỏm bộc trực đã thắp sáng khuôn mặt ngả màu nâu sậm của anh thơ miền Trung ra đời vào thập niên 40 này. Năm 1970 năm tôi không may mắn phải giã từ rừng núi và phố chợ Quảng Ngãi để trở về Đà Nẵng tôi đã gặp và quen thân với Vũ Hữu Định. Lúc đó hình như anh đang mặc áo cán bộ xây dựng nông thôn. Địa bàn công tác của anh lòng vòng ven rìa thành phố Đà Nẵng như Thanh Khê, Hà Khê, An Hải, Sôn Trà,.. Anh chợt đi, chợt về. Đặc biệt anh lúc nào cũng có vẻ thong dong giàu có thời giờ phất phơ phố xá. Anh làm thơ nhiều trong giai đoạn này. Thơ của anh hầu hết được đăng trên các tạp chí văn chương tại thủ đô Sài Gòn. Vũ Hữu Định có đời sống vật chất không mấy khả quan, quen biết nhau khá lâu nhưng anh từ chối không thuận cho tôi đến nhà chơi. Cũng không hề đề cập đến gia đình của anh. Biết anh có vợ có con nhưng mãi về sau này tôi mới tình cờ được gặp trong một hoàn cảnh thật buồn!
Ông mất năm 1981 ở Đà Nẵng và có nhiều dư luận về cái chết của ông. Như ông đến nhà một người bạn văn chơi ở An Hải và vì nhậu qúa say trong lúc tìm chỗ đi tiểu thì bị té từ căn gác lửng xuống và chết. Một dư luận khác thì nói rằng trong cuộc nhậu ấy, ông bị một vài người cố tình từ trên gác xô xuống và bị ngã chết. Những người bạn ông thì nửa tin nửa ngờ và cũng hiểu rằng ỏ thời thế ấy thì chết vì bị cố tình mưu hại hay vì say mà té ngã cũng đều như thế, chính quyền không quan tâm và chỉ đau xót cho gia đình, bạn bè và những người yêu thơ ông …