NGẬM NGÙI NHỚ THUỞ XA XƯA !!!
[size=1.5]Trưa …
Từ phòng làm việc nhìn ra sân trường … trong cái nắng nhẹ nhàng của mùa Xuân đang đến, có những bóng người thấp thoáng, gì vậy kìa … ô hay, lặt lá mai … rằm tháng chạp rồi sao … Tôi buột miệng kêu lên, các bạn đồng nghiệp cười cho sự lơ đãng của tôi …
Rằm tháng chạp … lòng tôi bâng khuâng, một nỗi buồn len nhẹ … Nếu là thuở xưa, chắc tôi đã không thể quên cái ngày đặc biệt này …
- Rằm tháng chạp rồi … lặt lá mai nghe mấy đứa con
Câu nói đó cứ quen thuộc lập lại hằng năm, nghe mãi thành quen, và chúng tôi, năm, sáu anh chị em nhỏ nhất trong nhà người thì lặt lá, người thì lau rửa chậu cây, sơ sơ bốn cấy mai tứ quý, hai chậu mai chiếu thủy cũng ngốn của chúng tôi một ngày trời … Nhưng chúng tôi vui mừng lắm, vì như vậy là tết sắp đến rồi …
Cũng cái thuở xưa ấy, 23 tháng chạp, cái ngày đưa ông Táo về trời, thì cũng chính là ngày chấm dứt việc học, chúng tôi được mặc những bộ quần áo mới, đến trường “ăn Tất niên” … Tối về, sau khi cúng đưa ông Táo lại được ăn món “thèo lèo cứt chuột” … Nhớ đến đây, tôi lại thấy buồn cười cho cái sự ngây thơ của mình lúc nhỏ, cứ nghe hai chữ cứt chuột, lại sợ, không dám ăn, má tôi phải dỗ dành, giải thích nhiều lần tôi mới rụt rè cấm lấy mà đưa vào miệng mút thử …
Cũng từ cái ngày 23 tháng chạp trở đi, mọi sự trong nhà bỗng rộn ràng hẳn lên … Hồi đó, không như bây giờ, không phải cái gì cũng có sẵn để mua, nhà tôi lại đến năm chị em gái, má tôi lại rất khéo tay trong chuyện nấu nướng, nên gần như mọi thứ chuẩn bị cho TẾT là làm ở nhà … Ba bốn đứa chúng tôi chưa đến 10 tuổi, cũng có “công việc” không ngơi tay. Nào là ngồi lặt bỏ rễ từng cọng giá, mà phải lặt 5,6 kg giá cho xong trong một buổi, để má tôi làm dưa …, nào là phụ các chị rây bột mì để làm các món bánh quai vạt, bánh paté chaud, nào là giúp má lột tỏi, hành để làm dưa hành, rồi lại quay ra phụ đến chuyện làm mứt … Nhiều loại mứt lắm : mứt gừng, mứt cà, mứt dừa, mứt mảng cầu, mứt tắt mứt rau câu, mứt me … Gia đình tôi, có món mứt cà, mứt tắt, mứt me và mứt mãng cầu là được bạn bè khen nức nở … Bởi vừa đẹp mắt, vì màu sắc tự nhiên không dùng chất phụ gia, vì khéo gói, và vì vị mứt chua ngọt vừa miệng. Tôi – lúc đó còn nhỏ, chỉ phụ gói, và gọt hay nói đúng hơn là dùng dao lam lạng lớp vỏ mỏng bên ngoài trái tắt, các công đoạn ngâm, phơi, sên … là các chị lớn và má tôi làm. Toàn bộ mứt (trừ mứt dừa và mứt gừng) đều được gói bằng giấy kiếng trong … nên chúng tôi làm không hết việc … Người lớn ra sao tôi không biết, nhưng con nít trong nhà thì rất hăng say phụ việc … Và, má tôi còn một món “độc đáo” của bà , đó là bánh bông lan ổ … Đối với bây giờ, làm một ổ bánh bông lan, chắc là rất đơn giản, nhưng thời đó, thì cực công lắm. Chúng tôi thay phiên nhau đánh trứng bằng tay trong một cái thố bằng sành … từ 5 cái trứng lỏng le, đánh một hồi … từ từ trứng nở ra như sệt lại và tăng lên muốn gần đầy thố, má tôi cứ thoăn thoắt đi lại, vừa ngó chừng thố trứng chúng tôi đánh, vừa làm việc của bà, đến lúc thấy “được”, là đong bột mì, đong đường bằng 1 cái chén kiểu, bỏ từ từ vào trong khi chúng tôi vẫn liên tục quậy thố trứng … rồi phải đánh thêm một hồi nữa không được ngừng tay … đến khi má tôi đem cái nồi đã được lót giấy và tráng chút dầu ăn, thì mới ngừng tay giao lại cho má tôi đổ bột vào nồi và bắt lên nướng trên bếp than … thì ở đây, chị em chúng tôi lại bắt đầu đánh trứng cho 1 ổ khác … Mấy chục năm rồi, tôi vẫn không quên được những ngày đó, bếp của má tôi với 3 cái lò than, từ sáng đến tối luôn rực hồng, vì nướng trong chiếc nồi nhôm (mà bình thường để nấu cơm, canh) và bằng lò than, nên phải có than để trên nắp nồi nữa, gọi là lửa trên, lửa dưới … Cứ hể một ổ bánh “ra lò” để nguội, là ngay sau đó được sang qua chiếc dĩa giấy và bọc giấy kiếng đỏ … rồi được đem biếu tặng, chủ yếu là thầy cô giáo của các anh chị em chúng tôi, cứ vậy mà mấy chục ổ bánh được nướng ròng rã từ 25 đến cho đến chiều tối 29 tết mới chấm dứt …
Cũng trong cái ngày 29 tết đó, chúng tôi thích thú chờ xem đổ rau câu làm mứt và làm rau câu đông lạnh … Với mứt rau câu, thì rau câu được nấu đậm đặc hơn gấp 2 lần, sau khi rau câu đông cứng, các chị lớn dùng dao chắn răng cưa cắt ra từng miếng dài vuông vức, thì bọn nhỏ chúng tôi lại xúm vào gói … Tuy rằng còn nhỏ, nhưng chúng tôi cũng phải “tuân thủ” quy định rất nghiêm ngặt, trước khi làm phải rửa tay thật sạch, và phải dùng đủa gấp miếng mứt đặt vào giấy, rồi gói, hoàn toàn không chạm tay vào mứt, vì hai lẽ, một là để cho mứt được vệ sinh và điều thứ hai không kém phần quan trọng là “mứt không có hơi tay, thì mới để lâu và không chảy nước”, má tôi lập đi lập lại với chúng tôi như vậy trong suốt những ngày đó.
Ngày giao thừa bao giờ cũng có buổi cơm “tất niên” đông đủ mọi người, sau khi dọn dẹp xong, là lúc ba tôi và các anh chị lớn ngồi xúm lại giở quyển tử vi Quỳnh Liên ra … Ba tôi luôn xem tuổi cho các con, rồi xem năm nay, trong các đứa con của mình tuổi đứa nào thích hợp để xông đất đầu năm … rồi tuổi của đứa nào thích hợp để xuất hành đầu năm, khi xuất hành thì đi về hướng nào … trong khi đó, má tôi lặng lẽ rửa tách chén kiểu chỉ chuyên dùng cho ngày tết … rồi, chị em gái chúng tôi, phụ má trải khăn bàn bày tách chén, chị gái thì chưng hoa tươi … đến 11g00 thì đâu đó ổn thỏa, cả gia đình chúng tôi thay đồ mới …
Thời khắc giao thừa trang nghiêm sắp đến… chúng tôi cùng ba má thắp nhang trên bàn thờ, rồi đổ ra cửa nhà, nhìn mâm cúng ông thiên của má …
Đúng 12g00 đêm, tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ đổ rền … tiếng còi tàu hụ vang … dứt hồi còi, mâm cúng cũng vừa tàn, má dẫn chúng tôi ra lăng ông hái lộc …
***
Sau 1975, thời cuộc đổi thay, 11 người trong nhà không còn đủ đầy nữa, người đi học tập cải tạo, người phải làm việc nơi xa … thời gian nghỉ tết chỉ còn hạn hẹp từ 27, 28 tết cho đến mùng 4 … Người ở nhà không đủ thời gian để bày biện bánh trái như xưa, người ở xa không đủ thời gian về kịp, đành ăn tết xa nhà … vả lại, cũng không còn đủ điều kiện để mà bày vẽ ra nữa …
Bây giờ, mỗi năm tết về, tôi chỉ còn biết ngậm ngùi, nhớ về một thuở xưa … và … kể cho con gái nghe những cái tết của một thời đã xa mà thôi …
SAO MAI - rằm tháng chạp xuân Mậu Tý -
[/size]