Hoang Nga
Senior Member
Offline
Penguin
Posts: 493
Gender:
|
TuyetNgo wrote on 22. Nov 2008 , 18:20:
-Ngô Thị Vân -
Từ khi chuyển nghề, tôi phải lái xe mất hơn nửa tiếng đi và về cũng vậy, nên phải nghĩ ra nhiều cách để tiêu khiển dọc đường. Hằng ngày vừa lái xe, vừa nghe, vừa hát theo những băng nhạc chọn lọc cho qua quảng thời gian nhàm chán và xa vời vợi ấy. Có bận đang hát bài “ Kiếp nào có yêu nhau “đến đoạn Thái Thanh lên cao vút, muốn theo kịp phải nhắm mắt nhắm mũi họa may mới khỏi đứt hơi. Nhìn thấy khoảng cách giữa xe mình và xe đàng trước còn khá xa, nên yên chí nhắm mắt lại lấy hết hơi để theo cho kịp Thái Thanh, không ngờ thình lình chiếc xe bên cạnh chen vào giữa, may mà mở mắt kịp nên chân đạp thắng, miệng thì hét “đừng nhìn em nữa ui chao ơi! “ Lại có lúc đang say sưa hòa mình với Lệ Thu trong bài hát “Sang ngang “ bỗng nhiên bị nấc cụt, thế mà vẫn cứ tiếp tục hát, vậy cho nên cứ vài đoạn lại được đệm bằng những tiếng “hấc... hấc” : “anh hỡi đôi mình.. hấc, mộng này đã tan... hấc, tình đã dở dang.. hấc…”, ai mà nghe chắc tưởng rằng tôi đang có tâm sự quá cảm xúc mà khóc nấc chăng? Tự dưng tôi bật cười và chợt nhớ đến dì và anh họ tôi. Chúng tôi cùng tuổi với nhau nên vẫn trêu đùa như bạn. Có bận anh tôi trêu dì bảo rằng dì hát bài “Trầu cau” như thế này : “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu cà rụp, cà rụp, cà rụp, ôi ta buồn ta xin quyên sinh bởi vì ai cà rụp, cà rụp, cà rụp…” vì dì tập hát bài ấy theo chiếc điã hát đã bị nứt, thế mà dì vẫn không giận. Dì họ tôi trắng nõn nà và đẹp như một bức tranh, thế mà vài tháng sau ngày mất nước, đã bị chết tức tưởi vì những người lính Cộng sản không có kinh nghiệm lái xe trong thành phố, đã dám lái những chiếc xe nhà binh khổng lồ và cán chết dì tôi. Ôi thật đúng là “ hồng nhan bạc mệnh “! Anh họ tôi khá đẹp trai, thuở cắp sách đến trường các bạn tôi ai cũng bảo anh tôi giống Tây lai. Khoảng năm 1969 anh đã bị một viên đạn oan nghiệt chấm dứt cuộc đời quân ngũ. Ngày đưa anh ra nghiã trang, tôi còn nhớ mãi hình ảnh ông tôi mái tóc bạc phơ, cúi gầm đầu nhất định đi lẽo đẽo theo sau chiếc quan tài của đứa cháu ngoại yêu quý. Thật không có cảnh nào não lòng hơn, và câu hát ru em “ lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây” lại càng làm cho tôi thêm chua xót! Giờ đây cả dì lẫn anh tôi đã ra người thiên cổ, không hiểu ở bên kia thế giới anh tôi còn trêu chọc dì nữa không?
Lái xe vào những tháng ngày ngắn đêm dài, khi ra đi đèn đường vẫn còn sáng, khi trở về đèn đêm đã bật, tuy vậy trên xa lộ nhiều quảng đường không có đèn, nhìn vào kính chiếu hậu thấy những đoàn xe từ xa vùn vụt tiến tới ( vì mọi người đều chạy với vận tốc trên 75 dặm một giờ, riêng tôi và những xe vận tải hạng nặng chạy khoảng 68 đến 75 dặm/giớ là cùng) với những ngọn đèn vàng như những cặp mắt thú dữ tưởng như đang muốn vồ mình, nhưng khi đến gấn gần xe tôi, tất cả các xe đều tỏa ra hoặc bên trái hoặc bên phải, lại tiếp tục cuộc săn đuổi một kẻ thù vô hình. Đôi khi tôi cũng hừng chí tham dự vào cuộc đuổi bắt tưởng tượng ấy bằng cách nhấn thêm “gas”, cũng lượn, cũng lách, nhưng bỗng nhớ đến số tuổi chồng chất của mình, nếu là ngày trước chắc đang ngồi xếp bàn tròn trên sập gụ, mười ngón tay xoè ra đặt trên hai đầu gối, con cháu đứng hầu xung quanh. Thế là cụt hứng, từ từ chạy chậm lại. Có một buổi sáng tôi rời nhà khi trời còn sâm sẩm tối. Bầu trời trong vắt không một đám mây. Chiếc trăng lưỡi liềm treo lơ lững trên thinh không, phiá dưới có một vì sao nằm cạnh. Ôi chao ơi, sao mà nó có duyên đến thế! Tôi cứ vừa lái xe vừa ngẩn lên ngắm hoài không chán mắt, suýt tông xe đàng trước. Trông cảnh ấy không hiểu sao bỗng dưng tôi liên tưởng đến cô Cindy Crawford, người mẫu có nốt ruồi đáng giá nghìn vàng bên khoé miêng. Tôi còn có một trò tiêu khiển khác nữa là đọc bảng số xe đàng trước mặt và chợt khám phá ra một điều là hầu như tất cả các loại xe du lịch ở tiểu bang California, bảng số ( trừ những bảng số được đặt riêng ) đều đầu bằng một con số, rồi tiếp đến là ba chữ cái và sau đấy là ba số tiếp theo. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ rằng bảng số của tất cả các loại xe đều theo một thứ tự như trên, nhưng về sau mới nhận thấy rằng các loại xe vận tải mười tám bánh, xe chở xăng, xe đổ rác… theo một thứ tự khác biệt khi thì một con số đầu và tiếp theo là hai chữ cái ( chứ không phải ba chữ như các xe du lịch ) rồi đến bốn con số, hoặc bắt đầu bằng một, hay hai chữ cái, rồi các số tiếp nối, hoặc năm số đầu và hai chữ cái cuối cùng. Các loại xe “van, pick up, truck “.. có chiếc theo thứ tự của số xe du lịch có chiếc lại rập khuôn các xe kể trên, tôi cũng chẳng hiểu tại sao? Những chử cái liền nhau trên bảng số các xe du lịch đôi khi cũng tạo thành những chữ có nghiã rất buồn cười, nếu có Dạ Khê bên cạnh thế nào nàng ta cũng cho nghe vài ba chuyện tếu.
Bao giờ lái xe trên xa lộ, tôi cũng đều bấm số “ cruise control” hoặc 68 dặm/giờ hoặc 70 dặm/giờ, ai muốn đi nhanh hơn thì cứ vượt. Có bận tôi đang lái ở “lane” tận cùng bên phải xa lộ, bổng thấy một chiếc “ pick-up truck” lái sát xe tôi, đèn pha bật sang chói, tôi cũng mặc, cứ 70 dặm một giờ mà đi vì nghĩ rằng mình chẳng làm cản trở lưu thông vì lái chậm. Nó vẫn theo sát tôi như cố ý dọa, đến đường kế nó lấy “ exit “ và bấm còi rồi đưa ngón tay làm động tác mất dạy cho tôi thấy. Tôi biết rằng khi nó đã ra khỏi xa lộ rồi, thì không thể quay trở vào ngay được, nên yên chí bấm còi trả và đưa cùi chỏ hích về phía nó. Trưa hôm ấy ngồi xem vô tuyến truyền hình, thấy tin một phụ nữ Á Đông đang lái xe trên xa lộ bị một xe khác chận lại và bắn bị thương. Cả ngày hôm ấy tôi lo sợ khi nhớ lại hành động ngu xuẩn của mình ban sáng. Những ngày kề tiếp, tôi không dám đi đúng giờ như thường lệ, mà phải đi sớm hoặc chậm hơn mười phút, vì chỉ sợ gặp lại người lái xe bửa nọ, thế nào họ cũng nhận được xe tôi, vì xe Honda Prelude màu đỏ, đèn phiá đàng sau bị vỡ, phải vá bằng một băng nhựa màu vàng to tướng. Một tuần lễ trôi qua chẳng thấy gì, tôi mới yên long.
Xe tôi màu đỏ, nên người bạn Hung Gia Lợi - chủ cũ của xe tôi và cũng là bạn thân của ông xã tôi đã nhiều lần bảo anh ấy nhắc nhở cho tôi nhớ đây là những chiếc xe “dễ bắt mắt” cảnh sát công lộ. Khi lái xe, tôi rất cẩn thận, nếu muốn lái lẹ thì mắt phải láo liêng, nhìn trước, nhìn sau, nhất là luôn luôn phải nhìn vào kính chiếu hậu, nhận xét những xe đi sau mình rất xa, để xem có bóng dáng xe cảnh sát hay không. Bao giờ cũng phải cảnh giác đề phòng nên chưa hề bị ăn giấy phạt. Thế mà có một bận vừa ra khỏi xa lộ, vòng qua đường để về nhà, đèn vàng từ lâu đã đổi qua đỏ, không hiểu tại sao tôi lại nhấn gas vượt đi. Tự nhiên có linh tính là mình sẽ bị bắt, y như rằng, chỉ trong chớp mắt đã thây một chiếc xe chớp đèn ngay đàng sau. Thế là phải tấp vào lề. Người cảnh sát bước xuống xe đi về phiá tôi. Tôi vẫn ngồi yên trong xe, quay vội cửa kính xuống. Ông ta bảo tôi cho xem bằng lái xe và giấy tờ cần thiết, và hỏi tôi có biết lý do tại sao ông ta chận xe tôi lại không? Tôi trả lời vì vượt đèn vàng. Ông ta bảo không phải đèn vàng mà là đèn đỏ. Tôi làm bộ ngạc nhiên, cố nhìn thẳng vào mẳt ông ta rồi trả lời : “ Không, tôi chắc chắn không vượt dèn đỏ”. Nói dối nên trống ngực đánh thình thịch. May cho tôi là khi tôi vượt đèn đỏ,tôi không thấy xe cảnh sát nào ở phiá sau xe tôi, vậy ông ta phải ở từ con đường bên trái và thẳng góc với đướng tôi, xe ông ta có lẽ đứng đàng sau ít nhất là hai hay ba chiếc xe, vì khi tôi nhấn “gas“, tôi có liếc về phiá ấy, trời tối nên tôi chỉ để ý được những xe đứng đầu. Vậy ông ta cũng không chắc là tôi nói đúng hay sai. Thấy tôi trả lời có vẻ qủa quyết, nên ông ta cười và bảo rằng hôm nay là một ngày may mắn cho tôi, vậy ông ta chỉ cảnh cáo thôi, nhưng dặn từ nay về sau dù là đèn vàng cũng phải đứng lại. Tôi vôi vàng “ yes sir, yes sir “ lia liạ.Thế là thoát nạn! Hình như tôi có số may mắn không bị cảnh sát phạt. Dạo còn đi làm tại Damon Lab. ở Newbury Park, tôi phải rời nhà từ năm giờ sáng. Khi đi đến đường rẽ phải thì gặp đèn đỏ, tôi có quyền rẽ, nếu đường phiá trái không có xe đi lại. Lúc ấy tôi thấy một chiếc xe đang phóng tới, trời tối nên tôi chẳng biết là xe gì. Tôi rẽ phải, thay vì cứ ôm “lane“ phải, tôi lại đổi qua “lane“ trái là phiá đang có xe chạy đến. Xe ấy vội đổi qua “ lane“ phải, đi sát vào xe tôi, hoá ra là xe cảnh sát! Tôi buột miệng “thôi chết cha rồi, chi cũng bị phạt“, nhưng không hiểu tại sao xe ấy chạy song song với xe tôi một đoạn rồi phóng đi. Thật hú viá! Dạo đó tôi lái xe Cougar XR7, các bạn cùng sở trêu tôi bảo là xe không người lái. Có lẽ ông cảnh sát tưởng xe ma nên bỏ chạy chăng? Trước kia tôi thường thích lái những xe to lớn kềnh càngnhư Chevrolet Caprice Classic, Cutlas Supreme, Cougar XR7, Ford Crown Victoria.. vì nghĩ rằng sẽ an toàn hơn trên xa lộ và mình còn bắt nạt đuợc những xe nhỏ, chứ từ ngày lái xe Honda Prelude, những xe lớn chẳng nể nang gì mình, mà cả xe nhỏ cũng chẳng xem mình ra gì cả. Họ cứ việc lấn lướt được là lấn, nhiều lúc tức mà chẳng làm gì được. Lái xe hằng ngày mới nhận thấy một điều rất kỳ khôi, là phần đông người Mỹ mỗi lần muốn ra khỏi xa lộ, dầu ở “lane“ tay trái và chạy sau xe tôi, đằng sau xe tôi là một quảng trống, vẫn cứ nhấn “gas“ cúp ngang xe tôi để ra “exit“ chứ không chịu đạp thắng cho xe chậm lại để đổi qua “lane“ của tôi, rồi ra khỏi xa lộ sẽ an toàn hơn! Tôi đem điều này kể cho ông xã tôi, anh ấy cười và bảo rằng chỉ có một cách giải thích là khi họ học lái xe, người ta dạy rằng muốn đổi “lane“ phải nhìn thấy chiếc xe mình vừa qua mặt ở một quãng xa an toàn mới được qua?
Tôi thường lái xe chậm hơn những dòng xe trên xa lộ, nên thường chọn “lane“ cuối cùng bên phải để chạy. Có bận chở một người quen, bà ta là người miền Bắc chẳng biết ở miệt nào mà cứ nói ngược hai chữ l và n? Khi thấy tôi lái chậm hơn những xe khác lại đi ở “lane“ tay trái của xa lộ, nên ra mặt dạy khôn dạy khéo : “lếu trên xa nộ chị chạy chậm như thế, thì chị lên nái vào nên tay phải thì hơn, khỏi phải nàm cản trở nưu thông những xe nái sau xe mình“. Trước kia khi nghe bà ta nói chuyện, tôi đâu có để ý, thế mà không hiểu tại sao lúc ấy nghe một tràng những chữ l và n đổi ngược nhau, tôi suýt bật cười to, phải cố nhịn, giả vờ ho sù sụ, và suýt tí lữa thì nạng tay nái. Lái xe vào những ngày tháng ngày dài hơn đêm là cả một cực hình. Khi ra đi, cũng như khi về, mặt trời đều chói chang chiếu vào mặt mình, dù có bỏ chắn xuống hay đeo kính râm cũng chẳng ăn thua gì. Có vài đoạn lóa mắt, không dám nhìn thẳng, phải nhìn xuống đường cũng vô ích, ngay xe đằng trước mặt cũng chẳng thấy. Thế là phải lái chậm lại cứ như người mù. Khi ra khỏi khoảng ấy mới biết mình còn an toàn và cũng không hiểu tại sao đã không xảy ra tai nạn? Tôi tự hỏi không hiểu những người lái xe lúc ấy có bị trạng thái giống tôi không? Nếu đươc đi bên cạnh chiếc xe vận tải 18 bánh là tôi cứ núp theo nó, như núp bóng tùng quân, để nhờ nó che chở ánh sáng chóa loà chiếu vào mắt mình. Thông thường nếu thấy những loại xe ấy, tôi không bao giờ dám đi song song với chúng, phải nhấn “gas” để vượt vì nhỡ chúng lật, sẽ đè xe tôi bẹp dí. Để bù vào những phiền toái do ánh sáng mặt trời gây nên, thì hầu như ngày nào tôi cũng được ghé thăm mộ ba tôi, chứ những hôm hoàng hôn đổ xuống, nghe tiếng leng keng của phong linh hoà với tiếng qụa kêu đâu đó trong nghiã điạ trống vắng thênh thang, tôi đã rùng mình tưởng tượng những hồn ma đang phảng phất quanh đây, thế là chỉ kịp vái ba tôi và lâm râm khấn “Ba ơi, con đến thăm Ba đây“ rồi te cò chạy nhanh ra xe, lái ra khỏi nghiã trang càng lẹ càng tồt.
Đôi lúc lái xe trên xa lộ, nghĩ cũng giật mình. Chỉ sơ ý một giây đồng hồ, tay lái, chân thắng, chân “gas “ nếu xê dịch không đúng chỗ, có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Có bận tôi ra hiệu đổi “lane” qua tay mặt, vừa mới phóng qua, một chiếc xe “van” ở bên phải cũng đâm sầm vào “lane” ấy . Thế là hai xe lại văng vào vị trí cũ. May mắn thay những xe đi sau, có lẽ đã đoán được những chuyện gì đã xảy đến, đều thắng chậm lại, vì vậy mà xe “van” và xe tôi không bị đâm vào xe nào cả . Sau lúc ấy, trống ngực tôi đánh liên hồi như trống trận. Thế mà tôi vẫn thấy thích thú khi ngồi vào chiếc xe của mình, nên không cảm thấy lái xe trên xa lộ là một cực hình (trừ những lúc bị ánh nắng chói lòa) như mọi người thường nghĩ, nhất là biết rằng cuối con đường mình đi, sẽ có một nụ cười và đôi mắt thơ ngây đang chờ đón và tôi sẽ đưọc ôm trọn một hình hài bé bỏng thiên thần trong vòng tay.
NGÔ THỊ VÂN Cali ngày 9 tháng 6 năm 2000
Kính thưa Cô Ngô Vân , cô Ngọc Mai, cô Thu Em kính chào ba Cô . Thưa ba Cô có khoẻ không ạ ! Được đọc những bài viết giá trị của các cô, em thích lắm. Học trò chúng em thật là tốt phước nên có được những người Thầy như ba cô, lúc nào cũng gần gũi , và chia xẻ buồn vui với chúng ẹm Em nhớ lại những năm trước, khi Hội gặp sóng gió, các Cô cũng trăn trở với sự lo lắng buồn phiền với đám học trò. Nay trời yên, biển lặng, chúng em lại được các cô lúc nào cũng ở bên cạnh để cố vấn, hướng dẫn trong mọi sinh hoạt của Hội. Nay em nghe Đặng Mỹ nói, các Cô sẽ có mặt trong ngày Sinh Nhật Diễn Đàn tại Vancouver. Mặc dù em lu bu nhiều việc, nhưng cũng sẽ cố gắng thu xếp để có thể góp mặt trong ngày vui này , hy vọng rằng sẽ không có trở ngại nào vào phút chót. Em cũng rất vui khi nghe Thầy Khang đã bình phục gần như xưa. Tạ ơn Thượng Đế đã giữ gìn Thầy mạnh khoẻ để Cô Vân của chúng em lại yêu đời và cho chúng em những bài viết hữu ích. Em nghe tin Thầy Đường đi mổ mắt, các Cô cho em được gửi lời kính thăm Thầy, và kính chúc Thầy được bằng an và mau bình phục. Em hy vọng có dịp gặp lại Các Thầy Cô và em còn nhớ món bánh khoái của Ba Cô đãi chúng em hôm nào, ăn đến đâu thì khoái đến đó hihihi Không biết bao giờ chúng em mới được khoái trở lại . Em kính chào các Cô và kính chúc các Cô vạn an và mọi sự Như Ý. Hoàng Nga.
|