Con người vẫn hay ngã lòng trước sự kiện và không biết làm gì trong những tháng ngày mỏi mòn chờ đợi. Thật ra thì chính những ngày tháng không tên này đã ban tặng một bông hồng vô cùng quý giá cho đời sống. Nó làm cho ta biết cái giá phải trả của mọi sự và biết trân quý những gì ta gặt hái được trong tay ngay từ bây giờ đây.
"Mòn con mắt sầu đưa từ cổ độ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay"
(Bùi Giáng)
"…Tri nhân giả trí, tự tri giả minh, thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường…"
(Lão Tử)
Triết gia B. Spinoza trong tác phẩm "Đạo đức học", đã viết một câu thời danh: "Đối với hình tam giác, Thượng đế sẽ là một hình tam giác. Và đối với hình tròn, Thượng Đế sẽ là một hình tròn".
Rõ ràng khi chúng ta ý thức là ý thức về thế giới và thế giới trình hiện với chúng ta như thế giới được chúng ta ý thức. Mỗi một cá thể, cảm nhận thế giới theo một chiều kích sai biệt của mình. Vấn đề là ở chỗ làm sao ta biết rằng đối tượng sẽ là chính nó hay chỉ là những mảnh vỡ mờ nhạt bởi những ý nghĩa riêng tư mù quáng của trí năng lang thang.
Triết gia Trần Đức Thảo viết:
"Mọi sự kiện thiết thực của cuộc sống không mất đi khi chúng ta nhìn tất cả với tư duy triết học, mà trái lại hiện rõ lên với chân tính. Thế giới có thể bị thu gọn và lên khung trong một cảm nhận lý tính nhưng không bị sai lạc bởi lý thuyết vì thế giới vẫn còn đó mà trở nên sinh động dưới một hình thức khác, cho phép chúng ta ý thức và hoàn toàn tự thức…, một bước nhảy dẫn tới một thực tại hiện sinh mới, hiện sinh siêu nhiên và tuyệt đối. Một ý niệm bao hàm bản sinh tự do của con người"[1].
Con người khi ý thức được sự hiện hữu của mình sẽ tìm cách ban tặng cho đời mình một ý nghĩa. Theo ngôn từ hình ảnh của Malraux thì con người, khi biết mình sẽ hoại diệt, "…đã rứt ra từ cái chua chát của các thiên hà khúc hát chòm sao mà nó sẽ phóng vào thế kỷ tháng năm tình cờ, nơi nó sẽ buộc những lời xa lạ…"[2]. Những ẩn ngữ gửi lại là cách tìm về một ý nghĩa sống. Nói hình ảnh hơn, đó là đạo sống. Rilke nói nghệ thuật cũng chỉ như là một thứ đạo sống mà thôi. Đạo sống này, trao gửi qua bao nhiêu thế hệ để nhắn nhủ con người luôn sống được và sống qua mọi hoàn cảnh. Quá trình sống này, trải qua từng giai đoạn, kích thích con người phát triển tiềm năng bằng cách tạo ra những nghịch cảnh cưỡng kháng, khiến y phải dùng một ý chí phi thường để vượt qua và gặt hái những kinh nghiệm khái quát làm chân lý công ước cho riêng mình "tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục…" để ta có thể an nhiên tự tại sống thật chậm rãi và bình thản trong mọi cuộc tiếp giáp.
Tuy thế, con người vẫn hay ngã lòng trước sự kiện và không biết làm gì trong những tháng ngày mỏi mòn chờ đợi. Thật ra thì chính những ngày tháng không tên này đã ban tặng một bông hồng vô cùng quý giá cho đời sống. Nó làm cho ta biết cái giá phải trả của mọi sự và biết trân quý những gì ta gặt hái được trong tay ngay từ bây giờ đây. Nhân gian thường chỉ biết đến những gì ta đang có ngày hôm nay mà không biết những ngày tháng âm thầm ta kiến tạo. Vì thế mà đám đông hay xét đoán một cách hời hợt bên ngoài chứ không đặt vấn đề trong dòng chảy đích thực suối nguồn của nó. Đám đông chỉ phát giác được manh nha khi bắt đầu chán nản một điều gì đó mà mình vẫn hùa theo nhau để tán tụng "phong thần".
Khi chúng ta đã chán nản một cách đầy đủ thì nỗi xao xuyến xâm chiếm và ngự trị, khiến chúng ta đang đi giữa dòng đời bỗng chìm lỉm xuống thành một khối cô đơn "chiều đã kêu chiều bằng tiếng gió, trong ta đêm xuống rất bạo tàn" (Nguyễn Tất Nhiên). Lúc ấy tiếng gọi "phản phục quy nguyên" lên tiếng. Bởi "vạn vật giai bị ư ngã phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên". Nhưng thường thì chúng ta mãi không nhận ra vì mắt chúng ta mù quáng trước Vô Thể và tai chúng ta điếc lòi trước tiếng gọi của Vô Hình. Và những khuynh hướng của đám đông xúi giục chúng ta làm lơ đi thể tính của bản ngã tự tại, một suối nguồn phong nhiêu cho sáng tạo. Ta cần phải trở thành chính ta. Bởi từng cá nhân là từng con người độc sáng, không hề lặp lại trong sử lịch thời gian :
"Chôm chôm trên cành
đâu bao giờ mơ tưởng
Thành sầu riêng ngon lành"
(Trần Văn Hiến)
Ngay cả chôm chôm cũng biết hài lòng với thân phận. Chúng an vui sống trong sự hiện trình của loài chôm chôm. Nhờ thế mà chúng không bị lẫn đi với bất kỳ một loại trái cây nào khác. Một bài haiku giản dị mà vi tế của tinh thần "phản phục quy nguyên".
Martin Heidegger đã viết cho Rilke: "Vào thời đại đêm tối của thế giới, hố thẳm phải được học và học cho cạn. Mà muốn như thế phải có người vươn tới Hố thẳm"[3]. Hiển nhiên là Rilke đã vươn tới hố thẳm và gắng truyền đạt lại cho chúng ta một kinh nghiệm uyên nguyên của nhân sinh đã bị những tập khí di truyền nội tại và ngoại tại làm cho mờ tối. Mọi cách học phải đóng cửa ẩn mình "chẳng tu thì cũng như tu mới là…". Hố thẳm càng sâu dày thì chất chứa nghi tình càng lớn. Và nghi tình này, đến lượt nó, làm cho kẻ học đốn ngộ do kinh nghiệm uyên nguyên dễ dàng khai mở khi chúng ta vượt qua.
"Không chết trần truồng không thể được
chúng tôi đập vỡ những hình hài
cuộc sống phải thừa như không khí
cuộc sống phải thừa như sớm mai"
(Thanh Tâm Tuyền)
Những ngón tay hoài vọng đưa ra rồi khô đi và rụng xuống dòng đời luôn di động. Ai biết được hồn mình đã rụng mất hai tay? Cái đau thương ấy làm lời thơ thêm âm vang u uẩn. Và cái cao ngạo vì thế mà có lần đã sinh ra do anh hoa phát tiết, và gây bao nhiêu ngộ nhận cho tha nhân. Ai biết được vào một sớm mai hồng có chàng thi sĩ cô đơn trong niềm tương giao thông cảm níu kết với đời đã âm thầm, không cười không nói, hiu hắt bước vào cõi mộng của tình điên:
"Em về mấy thế kỷ sau
Ngó trăng còn thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi gửi lại đội dòng
Lá rơi có dội lại trong sương mù?"
(Bùi Giáng)
Và bao nhiêu nước mắt của thiên tài rồi sẽ vì đời mà còn chảy mãi. Một cánh chim ngàn đốt tổ bay đi. Về đâu? Đương nhiên là về một phương trời còn hoài vọng:
"…Lệ ứa ra hai hàng,
Lệ thương thân dã tràng
Nghìn xót xa cũng muộn
Rồi mai sau nhớ lần đầu…"
(Vũ Thành An)
Định mệnh của thi nhân trên dòng lịch sử là định mệnh của con đường thập giá:
"…Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người…"
(Tình khúc thứ nhất, Lời: Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An)
hay
"Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu"
(Nguyễn Trãi)
Chúng ta hãy để ý. Lời đầu bài ca và câu thơ đầu như một nét gạch ngang dứt khoát, hơi văn đi một nhịp thật bạo tàn: "tình vui như gió mây trôi", và "Chuyện kim cổ xưa nay như nước chảy mãi", tàn nhẫn và vô tình trôi lướt qua. Câu nhạc và thơ thứ hai gạch xuống một nét dọc khác âm u và ngậm ngùi "ý sầu mưa xuống đời", và "lá vàng rơi", làm cấu trúc thơ nhạc thành một cây thập giá của cuộc đời để "lệ rơi lấp mấy tuổi tôi" và để cho anh hùng ngàn năm mang hận.
Quy luật này là tất yếu chăng? Hình như không còn ngoại lệ nào khác:
"Hễ đã hơn người và vượt bậc
vinh quang rồi đến lúc lao đao"
(Tuệ trung thượng sĩ)
Nhưng "sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn". Kẻ sĩ rút lui vào trong tư tưởng, âm thầm nuôi dưỡng đời mình, hoài thai một nỗi niềm tự nhiên thanh thản, như hình tượng của đức Phật mắt lim dim hướng về bên trong. Nhờ sự rút lui này mà thế gian được triển nở. Khi ấy sự sáng tạo của vũ trụ sẽ diễn ra thông qua bản thân ta. Con người chỉ như còn một nhịp cầu nối, cho hiện vật hiện trình như chính nó là. Công cuộc ấy, nhân gian gọi là sáng tạo, còn người tỉnh thức thì gọi là phát kiến tâm linh