Mời cả nhà đọc một thêm bài hay của nhà văn Xuân Đỗ.
Cám ơn anh Đàm đã cho chúng ta những vần thơ hay.
PD
-------------------------
LAN ÐÀM
VÀ NHỮNG VẦN THƠ LỤC BÁT
Tháng mười năm 2005 tôi đang khá bận rộn trong việc dọn nhà qua một phòng ở một dãy chung cư gần đấy. Tôi vừa bán căn nhà ở trong hai mươi tám năm, chuẩn bị di chuyển về California, để về hưu nghỉ ngơi, sau hơn ba chục năm đi làm, từ khi chạy qua Mỹ, sau ngày 30 tháng tư, 1975 đau buồn lịch sử Việt Nam.
Hôm đó một ngày đầu thu, tiết tháng mười ở vùng Trung Tây Hoa kỳ, tiểu bang Oklahoma, thành phố Tulsa. Trời đã khá mát mẻ. Những ngày nóng bức, oi nồng đã qua. Những ngày nắng nóng hừng hực, nhiệt độ bên ngoài trời nhiều khi lên trên một trăm độ F, trong cái độ nóng (heat index) trên một trăm hai chục độ là chuyện thường tình.
Căn nhà đã có chủ mới trả giá mua, thủ tục đi vay tiền của ông ta đang xúc tiến nhanh chóng. Có lẽ chỉ khoảng bốn tuần lễ nữa, chúng tôi phải dọn ra, giao nhà trong tình trạng sạch sẽ ngăn nắp cho chủ mới.
Việc dọn dẹp cũng đã gần xong. Những thùng sách vở chất chứa trong ba chục năm không ngờ nhiều đến thế. Ngoài một số lớn tôi gởi bằng bưu điện qua California trước, số còn lại tôi đã đành lòng mang đi biếu bạn bè thân, những người yêu sách vở, say mê đọc. Tôi cũng mang một số lớn khác, sách báo, chữ Việt, chữ Anh, đến tặng các thư viện cộng đồng, nơi có nhiều cư dân Việt Nam cư ngụ. Mấy ông bà quản thủ thư viện người Mỹ này, lúc đầu có vẻ do dự, không biết trong số người đến đọc sách tại các thư viện này, có bao nhiêu là cư dân gốc Việt, còn đọc được tiếng Việt? Sau một hồi chờ đợi để các vị này gọi điện thoại hỏi ý kiến, có lẽ người có thẩm quyền cao cấp hơn, để quyết định. Bỏ ống nói xuống, ông bà ta nở một nụ cười đón nhận. Tôi, một người mang những tác phẩm tiếng Việt đi tặng cũng mừng thầm, sách vở mình nâng niu bấy lâu, nay có chủ mới, được sắp xếp vào những ngăn trên thư viện, và nó sẽ đến tay người đọc tiếng Việt nào đó trong tương lai. Tôi mừng vì không nỡ phải vất bỏ đi như những vật phế thải, không giá trị.
Tôi ngồi nghỉ ngơi sau vài chuyến chuyển đồ đạc qua nơi cư ngụ mới, trên thềm hiên nhà. Nhìn căn nhà trống trải gây cho tôi cảm thấy bùi ngùi. Gần ba chục năm ra vào, nay phải rời xa nó. Nơi đây ba đứa con tôi, hai trai, một gái, trong tháng bảy năm 75, từ trại tỵ nạn Fort Chafee mới đến một vùng đất mới, xứ của người Da Ðỏ ngày xưa. Hồi đó, con trai lớn nhất mới tám tuổi, con gái kế sáu tuổi và cậu út mới hơn ba tuổi rưỡi. Ba mươi năm trôi qua thật nhanh, ba đứa con nay đã thành đạt, thủ đắc kiến thức nhà trường để ra đời, bắt đầu cho những gia đình riêng bé nhỏ của chúng và chúng tôi có một cháu nội gái, lên hai và trong gia đình còn lại bây giờ chỉ có hai vợ chồng già hủ hỉ bên nhau.
Vài cơn gió mát thổi mơn trớn trên khuôn mặt đã khô mồ hôi của tôi. Gió vẫn rì rào qua hàng cây trước sân lẫn tiếng chim nhảy nhót, ca hát trong một buổi trưa êm ả. Tiếng chó nhà bên hàng xóm sủa vang từ chiếc chuồng trong nhà của người láng giềng bên phải, làm tôi giật mình, ngẩn nhìn về bóng người đi đến. Ông đưa thư đi giao thư hằng ngày. Tôi đứng lên chào ông ta và đưa tay nhận gói sách báo ông giao, nói lời cám ơn. Ông rảo bước qua nhà bên cạnh.
Có vài ba cái thư, có lẽ đều là những thư chứa các hóa đơn diện, nước, rác trong tháng. Có một phong bì màu vàng, có lẽ một cuốn sách hay một tờ báo nho nhỏ. Tôi vội mở ra. À, cuốn Thơ Lan Ðàm
của người bạn, anh Lan Ðàm bên California gởi tặng, với hàng chữ ghi: “Bản tặng XÐ. Lan Ðàm Sept.2005” và một dấu triện son thật đep của tác giả.Cả tháng nay tôi đã tháo máy computer, bỏ vào thùng, chuyển qua nhà mới, bận quá, vẫn còn để trong thùng đó, chưa đem ra, lắp vào mạch điện, liên lạc với bạn bè khắp năm châu bốn biển qua hệ thống mạng lưới internet và điện thư, email. Mới một tháng mà như vắng bóng bạn bè lâu lắm, nay cầm cuốn thơ của Lan Ðàm gởi tặng, như đánh thức nỗi nhớ sách vở, đọc hằng ngày trên mạng lưới, trong tôi.
Cuốn thơ nho nhỏ, xinh xắn, khoảng một trăm trang. Tôi lật vội vài trang, chọn một bài như “bói Kiều”, gặp “Bài Trương Quỳnh Như”, một bài thơ lục bát:
Ta còn rượu,chỉ vắng người
Bài thơ họa dở, tình ơi sao buồn
Mối tình Trương Quỳnh Như - Tiêu Sơn, một huyền thoại văn học, tình sử buồn nhưng tuyệt đẹp từ ngàn xưa, Khái Hưng đã viết cuốn tiểu thuyết bất hủ Tiêu Sơn Tráng Sĩ, làm say mê một thời thanh thiếu niên Việt Nam. Nay Lan Ðàm nhắc đến, khơi lại dòng thi hứng, đưa vào thể thơ lục bát Việt Nam, thật đẹp, thật thiết tha:
Kinh kỳ lạnh những hoàng hôn
Lối quen, lầu cũ bước dồn sợ đau
Tiêu Sơn cách mấy giang đầu
Xa thêm, người đã thay màu áo xưa
Khuê phòng trằn trọc tiểu thư
Rừng hoang, cổ tự, thiền sư ngậm ngùi
Nến hồng lửa ngọn chẳng vui
Vườn khuya trăng cũng ngủ vùi trong mây
Sương đêm mờ mịt sông đầy
Vạc kêu, ta nhớ vừa say, một mình.
Dòng thơ lục bát đẹp quá, buồn buồn, lãng đãng trong không gian nhớ nhung, làm tôi thích thú.Tôi tiếp tục dở thêm các trang thơ khác, phần nhiều trong thể lục bát nhẹ nhàng, trữ tình, êm diu.
Vào phần 2 cuốn thơ: Ðường Thi Phóng Dịch, tôi ngạc nhiên đến đến cười lên khúc khích. Lan Ðàm đã phóng dịch các bài thơ trứ danh, bất hủ Ðường Thi qua thể Lục Bát đặc biệt Việt Nam của các nhà thơ tài danh Trung Hoa thời thịnh Ðường trên cả ngàn năm, trong văn học Trung Hoa. Từ Lý Bạch qua Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị, Thôi Hộ, Trương Kế, Vương Duy...
Ðây là những bài thơ, những tác giả mà bất cứ người yêu thơ nào, dù có làm thơ hay không, đã một lần đọc đến, đều yêu thích.
Ðọc bài thơ Ðỗ Mục, “Bạc Tần Hoài”, (Ðêm Ghé Bến Tần Hoài), hai câu thơ cuối:
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa
Hai câu thơ quen thuộc quá, tôi nghĩ ngay đến câu quen thuộc, nghe hoài, như “Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách”, những câu thơ, câu cách ngôn gần nhau giữa Trung Hoa và Việt Nam, cùng chung những tư duy văn hóa. Lan Ðàm phóng dịch thật hay:
Gái buôn quên chuyện tan nhà
Bờ xa đua hát khúc Hoa Sau Vườn
.
Tôi tiếp tục dở các trang thơ kế tiếp, đọc bài “Lương Châu Từ” (Khúc Hát Lương Châu) của Vương Hàn, một bài thơ tứ tuyệt mà hầu như nhiều người thuộc nằm lòng từ thời trên ghế trung học:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
.
Nhất là câu cuối cùng “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về), như một lời trối trăn của những người trai trẻ trong thời loạn ly, khoác lên mình tấm áo chiến binh, xông pha ra trận tiền, trước hòn tên, mũi đạn, không hẹn một ngày về. Lan Ðàm tái sáng tạo qua ngôn ngữ lục bát Việt:
Rượu đào đầy chén dạ quang
Thèm say, đàn dục lên đàng đi thôi
Sa trường túy lúy ai cười
Xưa nay chinh chiến mấy người hồi hương
Ðọc qua Lý Bạch, bài « Tĩnh Dạ Tứ » (Ý Nghĩ Trong Ðêm Lặng), một bài thơ cổ hình như quá gần gũi với mọi người, như một tiếng thở dài:
Sàng tiền kháng nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Ðê đầu tư cố hương.
Lan Ðảm chuyển qua Việt ngữ như đồng sáng tạo nỗi niềm thương nhớ cố hương của kẻ bị lưu đày ngày nay :
Trước giường trăng sáng như gương
Tưởng đâu mù mịt hơi sương xứ người
Ngẩng nhìn vằng vặc giữa trời
Cúi đầu nhớ cố hương vời vợi xa.
Trương Kế trong bài thơ mang nhiều giai thoại văn chương, «Phong Kiều Dạ bạc», (Ðêm Ghé Bến Phong Kiều):
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngự hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
.
Lan Ðàm Việt hóa:
Quạ kêu, trăng úa, sương mờ
Bờ phong hiu hắt, lửa đò sầu lay
Thành xa, chùa ẩn đêm dầy
Nửa khuya chuông điểm, khoang đầy vọng âm.
Ðọc tiếp bài thơ “Ðề Tích Sở Kiến Xứ” của Thôi Hộ, (“Ðề Nơi Gặp Gỡ Lần Trước”):
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.
Lan Ðàm làm sống lại ý thơ người cũ:
Năm qua cửa cũ ngày này
Má người đua sắc hoa hây hây hồng
Người giờ biết nẻo nào trông
Hoa như xưa vẫn gió đông cợt đùa
.
Thôi Hộ, người thơ xưa, Lan Ðàm, người thơ nay, kẻ đọc thơ xưa và nay, đều cùng thở dài, nhớ người đẹp một thời, má ửng hồng như cánh hoa anh đào bừng nở đón xuân. Nay người xưa có còn trên cõi đời này, “hoa đào năm ngoái còn chào gió đông”?
* * *
Thi ca Việt từ ngàn xưa đã ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ vào nền văn thơ Trung Hoa và sau này từ thế kỷ 19, khi tiếp xúc với tây phương, chịu ảnh hưởng thêm, sâu đậm nền văn thơ Pháp. Ðây cũng là điều nghich lý và đau lòng, trong lịch sử và tình tự dân tộc, Trung Hoa và Pháp là hai nước đã để lại nhiều nỗi oan khiên, khổ đau cho dân tộc và đất nước Việt Nam qua thời gian đô hộ với chính sách cai trị và bóc lột tàn khốc của họ. Trung Hoa đã đô hộ nước ta ba lần, gần một ngàn năm và Pháp xâm chiếm, khai thác, dày xéo đất nước Việt Nam trong gần một trăm năm.
Nhưng cuộc đời và hạnh phúc con người là một chuỗi lẫn lộn giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa tiêu cực và tích cực. Nền văn thơ cũng vậy, phản ảnh cuộc đời, giữ lại cái đẹp trong văn chương, quên đi những điều bất hạnh.
Những vần thơ dịch lục bát của Lan Ðàm như một thể hiện Việt hóa những cảm xúc tự ngàn xưa qua rung động thi vị rất Việt Nam ngày nay của một tâm hồn hòa nhập vào cái đẹp của nhân loại.
Trong thi ca Việt Nam, thể loại thơ lục bát mang trọn vẹn nét đẹp hiền hòa, thơ mộng nhưng cũng đầy ý chí độc lập, của một dân tộc. Các nhà thơ nổi danh của Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Huy Cận, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên v.v... đã xử dụng nhuần nhuyễn, biến hóa khôn lường ngôn ngữ Việt trong thể thơ lục bát. Thể thơ lục bát cũng còn là hơi thở dân gian, qua các câu hò, câu vè, câu cách ngôn mang nhiều ẩn dụ văn chương, lịch sử, luân thường, đạo lý.
Một thể thơ mang tính đại chúng như vậy, nên đại đa số người làm thơ, từ các nhà thơ thành danh đến những người vừa tập tễnh bước vào con đường thi ca, đều xử dụng đến. Biên giới ngôn ngữ thơ, giữa tài hoa và “chập chững, vụng về” chỉ xê xích nhau trong đường tơ, kẽ tóc và tùy thuộc sự cảm nhận của người đọc thơ, người thưởng ngoạn.
Lan Ðàm trên nửa thế kỷ âm thầm trong vườn thơ, ghi lại cảm xúc của mình về các vấn nạn nhân sinh, đã xử dụng thể lục bát thật nhuần nhuyễn, làm mới ý thơ, ngôn ngữ và cấu trúc bài thơ, tạo cho người đọc một cảm giác xao xuyến, lâng lâng, chia xẻ với tác giả.Có một lần, tôi không nhớ rõ, tôi đọc trên báo Thời Luận của anh Ðỗ Tiến Ðức, hay trên trang nhà Quốc Gia Hành Chánh, một bài thơ lục bát, nhan đề “Tháng Giêng, Nhớ Long Ân”, một người bạn của anh mà tôi mới gặp một lần, nhưng để lại nhiều ấn tượng đáng mến. Anh Long Ân đã qua đời, Lan Ðàm nhớ về bạn, trong hai bài lục bát thật xót xa. Bài Hội Hữu và bài Tháng Giêng, Nhớ Long Ân:
Một ly rượu đỏ đã say,
Dăm câu thơ cổ đủ ngày dài thêm
Cội mai vàng rực bên thềm,
Ừ, quên mời bạn cỏ mềm tương tư.
(Hội Hữu)
Thì thôi, rượu cạn bình không
Còn chi để rót cho dòng sông xưa.
Tóc tiên vườn cũ ơ thờ
Trà quên lưu khách, thu vừa tàn phai
Thì thôi, im ngủ sông dài
Nửa chai, chắc đủ gởi người chút ta.
Chiều hội hữu, khói hương pha,
Lạnh cà phê đắng, vàng hoa mộ phần
Thì thôi, đời vẫn phù vân
Cây ngô đồng đã mấy lần lá rơi.
Cơn say thiên cổ xa rồi
Hóa thân ngươi, vạt nước trôi lạnh lùng
(Tháng Giêng, Nhớ Long Ân). Hai bài bài thơ hài hòa, đẹp như một bức thảm lụa đầy nhớ nhung, nhắc đến Long Ân, người bạn chí thân của anh, nhà thơ tài hoa mệnh bạc, đã in cuốn thơ “Rót Rượu Cho Dòng Sông”, năm 2003.
Thơ lục bát Lan Ðàm thật đẹp. Gập tập Thơ Lan Ðàm, tôi vẫn còn bồi hồi
./.
XUÂN ÐỖ
May 2007