Giao Chỉ - San Jose.
1967
1977
“Joe” Devlin và Quo Vadis.
Ngày xưa tôi đã được xem phim La mã có tựa đề Quo Vadis. Chữ nghĩa này lấy từ kinh thánh khi các đồ đệ của Chúa hỏi nhau về sự ra đi của người. Quo Vadis? Thầy đi đâu.
Ngày nay tại San Jose người ta thành lập một kịch đoàn có tên là Quo Vadis do bà Marie Balletim đạo diễn và quản trị. Sự hiểu biết của tôi về chữ nghĩa của kinh thánh cũng có chừng đó. Còn về phần cha Joe, hơn 20 năm trước đã nghe tên của người. Ngày nay hình ảnh đã mờ nhạt. Danh tiếng của cha Joe Devlin không vang lừng thế giới. Có thể chỉ vài ngàn người Việt Nam trước năm 1975 còn nhớ nếu là dân ở Tràm Chim, miền Tây Nam Phần. Có thể chỉ vài chục ngàn dân tỵ nạn Việt Nam biết đến cha Joe nếu họ đã từng ở trại Songkha Thái Lan.
Nhưng đám trẻ Việt Nam lang thang trôi giạt đến Songkha tạm trú trong trung tâm trẻ em không thân nhân chắc hẳn mãi mãi còn nhớ đến cha Joe.
Trong đó có cô Vanessa Thu Vân Cao, chủ nhân T&H Body Shop trên đường số 5 thành phố San Jose. Đi trên xa lộ 101 đôi khi ta thấy có tấm bảng T&H nhận bảo trợ công tác làm sạch sẽ Freeway. Đó chính là cô gái tỵ nạn 13 tuổi ở Songkha ngày xưa, bây giờ theo lời cha nuôi trả nợ Hoa Kỳ bằng cách góp phần làm sạch sẽ quê hương mới.
Tôi muốn kể hầu quí vị về cha Joe và cô Vanessa.
Trước hết xin đọc qua bản tin của Dân Sinh News.
(Dân Sinh News)
Cuộc đời ngoại hạng của một linh mục tận tụy hy sinh cho những người dân quê miền Nam Việt Nam. Tiếp theo, cũng chính vị linh mục đó đã tiếp tục là người chăm sóc cho hàng chục ngàn thuyền nhân tại Thái Lan.
Cha Joe Devlin vốn là người dân Bắc CA nhưng định mệnh đã đưa vì linh mục trẻ đến Tràm Chim miền Nam Việt Nam. Định mệnh cũng đã đưa cha đến Songkhla Thái Lan.
Hàng ngàn nạn nhân chiến tranh đã được cha Joe giúp đỡ. Hàng chục ngàn Thuyền nhân Việt Nam đã được cha Joe cưu mang.
Sự hy sinh và tận tụy của cha Joe đối với những người Việt bất hạnh từ trước và sau 75. Từ đồng ruộng miền Nam đến biển Đông. Tưởng như cha là người phải trả nợ cho dân Việt cùng đường.
Hiện nay trên thế giới có cả chục ngàn người Việt đã từng được sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của cha Joe. Bao nhiêu người còn nhớ đến cha. Cha Joe bây giờ ở đâu ?.
Ngay tại San Jose cũng có cả trăm người trong số hàng chục ngàn Thuyền nhân đã nhận cha Joe là ân nhân tại Songkhla.
Bao nhiêu người còn nhớ đến ông.
Nếu có ai hỏi bây giờ cha ở đâu thì câu trả lời rằng cha đã đi xa từ lâu rồi.
Nhưng Quo Vadis sẽ đưa cha trở về San Jose. Trong 8 buổi trình diễn liên tiếp, cuộc đời cha Joe được dựng lại thành vở kịch sẽ được trình diễn ngay tại San Jose.
Chuyện lạ chưa từng xẩy ra. Trong giai đoạn cha Joe mới đến Việt Nam, bác sĩ Phan Quang Đán là người đã mời cha đến Việt Nam. Cuộc đời cha dính liền với một Việt Nam đau thương từ lúc đó. Trong vở kịch này ai sẽ đóng vai cha Joe. Phải đến xem mới biết được. Ai đóng vai bác sĩ Phan Quang Đán. Người đó là bác sĩ Vũ Thế Hưng.
Quo Vadis dựng vở kịch về cha Joe mà dự trù trình diễn đến 8 lần thì cũng là chuyện rất lạ. Sẽ có bao nhiêu người Mỹ đi xem, bao nhiêu người Việt đi xem. Có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nào ai biết được. Nếu thực sự là thuyển nhân Songkhla, có thể sẽ đi xem nhiều lần. Có thể không hiểu hết đối thoại, nhưng cần gì. Hơn 20 năm trước, đã nói chuyện bằng tay với cha Joe mà sau cùng đã được vào Mỹ.
Người Việt lúc đó không ai gọi cha là linh mục. Ai cũng gọi là cha, như là một đấng sinh thành, nhất là đám trẻ không cha mẹ dưới 18 tuổi. Một trong đứa trẻ đó lúc ở trại là bé gái 13 tuổi. Ngày nay là thương gia ở San Jose, đã lái chiếc xe Van to tướng đến Việt Museum gỡ bức tranh Thuyền nhân để đem về làm phông cho vở kịch.
Khán giả xem kịch Quo Vadis diễn cuộc đời cha Joe. Vài nét về cha Joe.
Joe Devlin sinh ngày 27 Dec. 1916 tại San Francisco và thụ phong linh mục 1947. Lúc đó cha Joe là một thầy tu trẻ 31 tuổi và luôn luôn ước mong được phục vụ giáo hội tại những nơi khó khăn nhất. Tuy nhiên thực sự phải chờ đợi thêm một phần tư thế kỷ thì định mệnh mới đưa cha gắn liền với 2 chữ Việt Nam.
Năm 1970 bác sĩ Phan Quang Đán đang là thành viên quan trọng của chính phủ Nam Việt Nam đã gửi cha Joe một lá thư ngắn ngủi. Lúc đó cha đang tìm đường qua phục vụ Phi Châu. Bác sĩ Đán viết :
“Thưa cha, tôi nghe nói cha muốn tìm giúp đỡ dân nghèo. Xin đến đây. Chúng tôi có đủ cả. Dân nghèo, nạn nhân chiến tranh, vợ góa, con côi, ốm đau và chết chóc. Chúng tôi đang có chiến tranh với cộng sản. Chúng tôi hoan nghênh sự giúp đỡ của cha. Xin cha đến đây.”
Qua lá thư ngắn ngủi, định mệnh đã đưa cha Joe đến miền đất hẻo lánh gọi là Tràm Chim, ở miền Đồng Tháp, tỉnh Kiến Phong. Quả thực ở đây có đủ thứ mà bác sĩ Đán đã mô tả, lại thêm một kẻ thù kinh khủng nhất mà chưa được nói tới. Việt cộng.
Cha Joe đã sống 5 năm với người dân Tràm Chim. Bị Việt cộng treo đầu có giải thưởng. Bị ám sát hụt. Ông xây lại nhà Chúa, tổ chức cộng đồng xã hội và dựng lại niềm tin.
Khi cơn hồng thủy miền Nam tràn đến vào năm 1975, cha tìm cách giúp giáo dân di tản về Saigon. Chuyến đi trải qua nhiều gian truân.
Sau tháng 4-1975 cha về phục vụ tại trại tỵ nạn Pendleton California. Tiếp theo cha qua giúp dân tỵ nạn Việt Nam tại Songkhla Thái Lan. Tại đây cha trở thành vị thánh của người Việt tỵ nạn.
Có những lúc Songkhla lên đến hàng chục ngàn người, ai cũng biết cha Joe là vị ân nhân không mệt mỏi của bao nhiêu trường hợp.
Mỗi tối cha cầu nguyện cho dân tỵ nạn, nhưng cha sợ hãi khi buổi sáng thức giấc sẽ phải đi vớt xác người trên biển hay đón những gia đình tan nát, những cô gái bị hải tặc hành hạ
Những buổi bình minh đau thương vẫn đến với cha suốt ngày này qua ngày khác.
Chuyện của chị em cô Vân.
Có cả ngàn câu chuyện của người tỵ nạn viết về cha Joe. Xin nhắc lại một chuyện có hậu nhất. Ngày 16 tháng 3-1980 chị em cô Vân vượt biên tại Cà Mâu. Mẹ ở lại nuôi cha cải tạo. Bốn đứa con lên đường. Chị cả 17, rồi chị kế 15, cô bé Vân 13 và cậu em út 12. Gửi đi theo gia đình ông bác sĩ quen biết. Giờ chót, gia đình bác sĩ kẹt lại. Bốn chị em không có thân nhân xuống chiếc ghe dài 8 thước, rộng 1 mét rưỡi, chứa 48 người. Chưa đi đã thấy chết. Lúc đó là năm 80, hải tặc và sóng gió chờ ở ngoài khơi. con thuyền đi được đến hải phận quốc tế thì chết máy, thủng đáy. Đám người khốn nạn thay nhau tát nước và thả chiếc ghe trôi giạt trên biển cả.
Tàu cá Thái Lan đến tiếp tế và bóc lột nhiều lần nhưng may mắn chưa gặp tàu hải tặc. Sau 16 ngày trôi giạt gặp dàn khoan và được cứu về Songkhla. Bốn chị em gặp cha Joe đưa vào trung tâm trẻ em. Từ đó các em trở thành con cái của cha. Ở đảo 7 tháng. Chị em Vân được vào Mỹ và người quen nhận bảo trợ về Oakland. Cha Joe quản ngại nên giới thiệu về cho cha Tịnh và được người quen khác nhận về cư ngụ tại San Jose. Từ lúc đó cha Joe bên đảo tiếp tục theo dõi giúp đở. Các em theo đạo và đã từng được chị Kim Oanh nhận là mẹ đỡ đầu. Lúc đó cô Kim Oanh là cháu cha Tịnh cũng chỉ hơn chị em vài tuổi.
Chị em đưa nhau đi học và cùng nhau trưởng thành tại San Jose. Đám cưới cô Vân có cha Joe về chủ hôn. Sau đó khi cha về nghỉ hưu ở San Jose thì chị em và các gia đình tỵ nạn tại San Jose có tới lui thăm viếng.
Vân và chổng đứng bên tay mặ
thttp://pppre.s3.amazonaws.com/5320b873ba7a9ede/1714181bb6a04799983ba230072c89f4... Cha Joe nhân ngày họp mặt tại San jose.
Đám tang cha Joe cũng tại San Jose, cô Vân lên đọc bài ai điếu khi các người tỵ nạn Việt Nam ngồi chật cả nhà thờ. Ai cũng khóc cho người ân nhân số 1 của Việt Nam tại Songkhla.
Ngày nay cô bé Vân 13 tuổi ra đi ở Cà Mâu năm 80 trở thành Vanessa Thu Vân Cao là người tổ chức và bảo trợ chính cho kịch đoàn Quo Vadis dựng lại cuộc đời cha Joe tại San Jose.
Thiếu niên tỵ nạn Việt nam, con cái của cha chụp hình kỷ niệm tại Songkhla
Cha JOE sống lại. Trong 8 buổi diễn liên tiếp, mỗi ngày cha Joe đã sống lại 2 lần.. Cảnh 1 gần 1 giờ, cha sống tại Tràm Chim, miền Đồng Tháp, Việt Nam và cảnh 2 hơn nửa giờ cha sống tại trại tỵ nạn Songkhla,Thái Lan.
Tổng cộng có 15 diễn viên Hoa Kỳ và Việt Nam. Kịch bản lôi cuốn diễn tiến chặt chẽ. Giám đốc kịch đoàn và đạo diễn là bà Marie Balletime. Các diễn viên rất xuất sắc. Người đóng vai cha Joe đảm trách vai chính sống động vô cùng. Các vai khác nỗ lực hết sức kể cả các tài tử gốc Việt.
Đối thoại hoàn toàn bằng Anh ngữ, ngắn gọn, và dễ hiểu.
Đặc biệt toàn bộ kịch bản nói lên tinh thần chống Cộng quyết liệt. Đối thoại có chiều sâu và tạo nên những đoạn bi hài lẫn lộn. Các vai phụ lần lượt đóng nhiều vai. Nông dân, thuyền nhân rồi hải tặc. Một cô gái Việt đóng cả vai nữ đặc công vào ám sát cha Joe. Một thanh niên Việt đóng vai vị đại úy VNCH anh hùng quyết ở lại chiến đấu tại Tràm Chim. Nước mắt và tiếng cười được chia xẻ bởi hàng trăm khán giả Hoa Kỳ.
Kịch đoàn Quo Vadis sau buổi diễn cuối cùng ngày chủ nhật.
Phần kết luận. Trong suốt 8 lần trình diễn, buổi tối vào ngày thường và 2 buổi chủ nhật diễn ban ngày. Mỗi ngày có chừng hơn 100 đến 200 khách Mỹ tham dự. Khách Việt Nam rất ít, thực là đáng tiếc. Buổi mở đầu, buổi tiếp tân và buổi cuối cùng hoàn toàn không có truyền thông Việt Nam tham dự.
Lại thêm một lần đáng tiếc.
Riêng Dân Sinh Media có đến quay phim toàn bộ, có thể sẽ đưa lên TV sau này. Cũng nên lưu ý thêm quý vị thân hữu của tôi. Vai bác sĩ Phan Quang Đán trong vở kịch này do bác sĩ Vũ Thế Hưng đảm trách.
Trong ngày diễn cuối cùng vào chủ nhật vừa qua, chúng tôi tham dự cùng ông bà thẩm phán Phan Quang Tuệ. Ông Tuệ có dịp nói chuyện với toàn thể diễn viên với tư cách là con trai của bác sĩ Đán. Sự hiện diện của ông cũng là một sự tình cờ đặc biệt khi được xem kịch sĩ tài tử đóng vai người cha danh tiếng của mình.
Thẩm phán Phan quang Tuệ cảm ơn Quo Vadis Riêng phần cá nhân tôi, có dịp nói với toàn thể kịch đoàn rằng, 34 năm về trước, khi còn làm việc cho học khu San Jose, cũng trên sân khấu đường Park này chúng tôi đã dựng vở hội nghị Diên Hồng cho phụ huynh và các học trò Việt Nam mới đến Mỹ. Lúc đó ông Mã Sanh Nhơn đóng vai vua nhà Trần. Ông nhạc sĩ Anh Việt, Trần Văn Trọng đóng vai dẫn đầu đoàn bô lão vào nghị hội. Còn tôi, Vũ Văn Lộc, đóng vai Thằng Mõ vác loa đi kêu gọi toàn dân. Ba ông đại tá hết thời tại San Jose vào dịp Tết 77 đã lên múa may trên sân khấu mua vui cho đám học trò tỵ nạn.
Ai ngờ rằng 34 năm sau chỉ còn mình tôi có dịp trở lại cũng sân khấu này để xem kịch bản dân Việt ở Tràm Chim và dân tỵ nạn ở Songkhla. Hai ông bạn cũ nay đi xa cả rồi. Hơn 30 năm trước, chúng tôi đem cho con trẻ tiếng cười. Ba mươi năm sau, họ diễn cho người lớn khóc.
Ban kịch này trình diễn tại San Jose, nơi có đông người Việt nhất thế giới cũng là tin tức đáng lưu ý. Duy có điều đáng tiếc là số khán giả Việt Nam tỵ nạn Songkhla tại San Jose có cả ngàn người. Mà số người đến với cha Joe ngày nay chẳng được bao nhiêu.
Thôi cũng đành xin lỗi cha Joe.
Người tỵ nạn năm xưa đâu có biết rằng kịch diễn hay và dễ hiểu như thế. Riêng đám trẻ của trung tâm Songkhla, toàn là con cái của ngài, bây giờ đã trở thành các công dân Hoa Kỳ gương mẫu.
Khả năng hiểu biết về tôn giáo của tôi rất giới hạn. Bên Phật giáo dường như ai thiện tâm cũng là Phật. Vì vậy đối với thuyền nhân Việt nhớ ơn cha Joe. Ngài cũng là Chúa. Quo Vadis? Bây giờ Thầy đi đâu?
Thiếu niên tỵ nạn Songkhla trở thành công dân Mỹ tại San Jose
Trong các bạn, ai là người đã ngồi trong lớp học này?