Cách đây mấy hôm, Trưởng ban Văn Nghệ có nhã ý mời tôi hát một bài để góp vui trong đêm văn nghệ, nhân dịp Đại hội thường niên của Hội Ái Hữu CNSLVD được tổ chức vào tháng 10 năm nay. Hát thì cũng được thôi nhưng vấn đề là hổng biết chọn bài nào cho đạt yêu cầu. Dạo này quả thực tôi cũng nổi hứng hát hỏng và thu âm vung vít làm điếc tai hàng xóm hơi nhiều, chỉ sợ họ đâm đơn thưa với cảnh sát thì đổ nợ. Kỳ ĐH tới đây, theo tôi biết thì cây nhà lá vườn phong phú lắm, danh sách các ca sỡi dài thườn thượt, đúng là trăm hoa đua nở, người người hăng say. Em Trưởng ban yêu cầu cho biết trước tên bài hát, tác giả, "tông" gì...v...v... để lên danh sách cho khỏi trùng với người khác. Điều này làm tôi bối rối như gà mắc đẻ vì không biết chọn bài nào để trình làng cho suông sẻ.
Những bài tôi khơi khơi hát trên diễn đàn gần đây, mục đích chỉ để vui chơi giải trí cho chính mình, sau nữa với các đệ tử xa gần trong vòng thân mật thôi, chứ không có ý đem ra múa may trên sân khấu dù là sân khấu của phe ta. Có ba điều trở ngại khiến tôi do dự khi định tham gia: già rồi, hát dở và khó lựa bài hát. Cho đến nay, thật sự tôi chưa thấy ca sỡi nào tuổi cỡ tôi lên sân khấu để solo cả, tuy đồng ca thì cũng có đôi khi. Phần đông, nữ ca sỹ tuổi đã xế chiều, ngoại hình kém hấp dẫn, thiên hạ không còn mấy ưa thích dù có hát hay. Bi giờ, nam ca sỹ già lại độc nhãn, lên sân khấu chắc để...doạ khán giả. Xưa nay, ca sỹ thứ thiệt, thường thu âm trước bài hát, lên sân khấu chỉ để...nhép thôi. Kỳ ĐH này, không biết ca sỹ tài tử của mình có...nhép hay không nhưng riêng tôi, nếu hát thì sẽ hát live cho đỡ tốn đô la, đỡ hao xăng và cho khỏi mất thì giờ đến phòng thu. Nhưng chao ôi, hát live trước hết phải thuộc bài, già lại hay quên, vợ mới dặn có một chút mà đã hổng nhớ rồi, lọ là bài hát nào cũng dài dằng dặc. Chưa hết, thế còn sức khoẻ? Ngộ nhỡ hôm đó cảm cúm, ho, sổ mũi... thì chắc phải...xin lỗi khán giả. Bi giờ mới đến phần quan trọng: hát bài nào? Nếu là bài quen thuộc, mọi người đã thường nghe thì ca sỹ hơi buồn vì khán giả sẽ chán lắm, chỉ lo ăn uống và tâm sự mí nhau thôi. Trên sân khấu, lúc đó ca sỹ và ban nhạc sẽ hát và đánh đàn cho nhau nghe...ên, cho tiện việc...ss.
Tóm lại, hai phần đầu, già và hát dở thì chịu thua không sửa được và chỉ có nước...liều mạng. Còn lại mục thứ ba, nghĩa là chọn bài hát thì có thể nhút nhít được.
Tôi có cái may là thời kháng chiến được phục vụ trong đoàn văn nghệ do Thầy tôi, nhạc sỹ Phạm duy Nhượng làm trưởng đoàn nên cũng thuộc một số bài hát mà tác giả chính là nhạc sỹ. Những bài này đa số đã tuyệt tích giang hồ, không còn bản nhạc và cũng chả có ai hát nữa. Tôi chợt có sáng kiến là tại sao không lôi ra hát đại một bài và mọi người lúc đó sẽ không có đối tượng để so sánh? thật là một chọn lựa tuyệt vời. Rồi lại nẩy thêm ý kiến nữa là sẽ kiếm một mầm non trong Hội rủ hát chung để dựa hơi, khắc phục cái khoản lỡ quên bài. Trời ơi cái IQ của tôi hôm nay sao tự nhiên lại loé sáng thế, xin cám ơn Thượng Đế. Nhưng bi giờ vấn đề sinh tử là biết chọn ai đây?
Quý vị ơi, tất cả là do cái duyên mà thôi. Gia đình Kim Phương LVD 73, đã là hàng xóm với chúng tôi từ nhiều năm qua nhưng mãi gần đây mới có duyên hội ngộ để hân hoan nhận nhau là cùng Hội cùng thuyền. Một bất ngờ nữa là K.Phương cũng có tâm hồn nghệ sỹ giống tôi và đã là một ca sỡi Karaoke từ lâu. Thế là Thầy Trò như diều gặp gió, bắt đầu tập hát với nhau và đã cho ra lò một bài trên diễn đàn rồi. Nhờ ở gần nhà và nhất là em Tốt, phu quân của Phương cũng là người thích văn nghệ, nên khi nào rảnh thì hai vợ chồng lại ghé chơi. Trong khi Thầy Trò tập hát thì Tốt ngồi thưởng thức và góp ý cho bài hát được hay hơn. Mọi người rất ư là thoải mái và không khí thật đầm ấm, vui nhộn như trong một gia đình.
Bây giờ tôi mời quý vị trở lại với cái tựa đề của bài viết: " IQ của đệ tử...cao "
Trong bài Hồi ký có tựa đề "Người đẹp sinh viên", đã được post trên diễn đàn, tôi có kể một câu chuyện vui về việc dậy hát, giữa tôi, lúc đó là Y Tá năm 1950, với cô sinh viên y khoa trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám tại tỉnh Bắc Giang thuộc Liên khu Việt Bắc. Hôm đó, trường Đại học Y Khoa tổ chức đêm văn nghệ và mời tôi tham dự vì biết tôi vốn là Quản ca cuả Trường Y Tá Liên khu năm xưa. Tôi đã hát bài " Chiều Việt Bắc" của tác giả Hồ Bắc. Bài này vừa lãng mạn vừa hùng tráng, tôi rất thành công và được cả hội trường tán thưởng nhiệt liệt. Sáng hôm sau, một cô sinh viên khá đẹp, má hơi bầu bầu, em của cố nhạc sỹ Ngọc Bích, tìm lại chỗ tôi tạm trú, năn nỉ bắt tôi phải dạy cô hát bài CVB đêm đó. Để đền bù, Cô hứa sẽ dậy lại tôi bài " Xuân nhớ chiến sỹ" do anh cô sáng tác.
Thú thật với quý vị, lúc đó tôi mới 19 tuổi, cô nàng cũng khoảng đó, chỉ nhìn thấy nhau là đã thấy sung sướng rồi, nhất là đang sống ở trong rừng, dậy dỗ mà làm chi cho phí thì giờ, phải không quý vị. Đùa tí cho vui thôi, quý vị đừng vội vã nghi oan cho Thầy già đấy. Thế là chúng tôi bắt đầu dậy nhau theo như điều kiện của cô nàng và tôi xung phong dạy trước. Nàng là sinh viên chắc phải học hết bậc trung học, còn tôi chưa học hết lớp đệ Thất đã phải thoát ly gia đình đi kháng chiến, dĩ nhiên là cái IQ của tôi về mọi phương diện đều thua cô cả. Tuy nhiên về hát hò thì tôi lại hơn cô một mức nhờ Thầy đã truyền nghề cho đệ tử thật tận tình. Bài hát đúng ra chả có gì khó nhưng vì muốn câu giờ để được gần người đẹp nên tôi bắt bẻ nàng đủ điều. Nào là phải lấy hơi chỗ này chỗ kia, nào phải lên giọng xuống giọng diễn tả sao cho có hồn, những đoạn có lời ca lãng mạn êm ái thì đôi mắt như xa vắng, mong chờ ngày trở về của đoàn quân chiến thắng...ôi thôi đủ thứ hầm bà làng làm nàng bối rối không biết uốn éo ra sao cho sư phụ bằng lòng, thật tội nghiệp. Nhưng rồi thì bài hát cũng phải được hoàn tất, đâu kéo dài mãi được, vì sắp đến giờ... xơi cơm. Bi giờ đến lượt nàng dậy tôi, và lần này nàng mới thật vất vả vì cái IQ của tôi nó quá thấp, nàng dậy đến toát mồ hôi ra mà tôi vưỡn không thuộc bài. Và Cô Trò cứ đánh vật với nhau như thế cho đến đúng giờ cơm thì đành bắt buộc phải chia tay vì về chậm thì chỉ có nước đi rửa chén, cơm đâu còn mà ăn. Tính sổ ra thì IQ thấp dạy IQ cao mất gần một giờ. Còn IQ cao dậy IQ thấp mất gần hai giờ, thật là tuyệt vời. Đêm hôm đó, tôi mơ màng nhớ đến hai câu thơ của Quang Dũng sáng tác thời kháng chiến:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà nội, dáng kiều thơm.
Chưa hết đâu quý vị, bi giờ đến lưọt Thầy Trò LVD dậy nhau, ý quên lần này thì đúng là Thầy dạy trò và không có chuyện làm ngược lại. Vì không còn bản nhạc nên tôi phải dạy theo lối truyền khẩu, y như hồi tôi dạy cô sinh viên năm xưa cách đây hơn nửa thế kỷ vậy, thật là một sự trùng hợp thú vị. Có một điều khác là cái IQ của K.Phương lần này hơi cao. chỉ độ nửa tiếng là em đã hoàn tất perfect bài hát và đâu còn lý do gì để kéo dài được nữa. Thêm một điều là ở Mỹ quốc tuy không sợ thiếu cơm như ở trong... rừng, nhưng phu quân của người đẹp cứ ngấp nghé ngoài cửa chờ đưa vợ đi shopping thì Thầy đâu có can đảm để... kéo dài thời gian! Sau khi các em phom phom dẫn nhau đi rồi, đến lượt Thầy nhức đầu vì phải ngồi nặn óc ra, dùng trí nhớ để viết phóng lại bản nhạc xưa, mục đích để có tài liệu đưa cho ban nhạc đệm đàn. Cái khó là tôi đâu phải là nhạc sỹ chuyên nghiệp như Ng văn Hà...v...v... mà hành nghề cho mau mắn suông sẻ được. Nhưng vì muốn đỡ khổ lúc trình diễn nên bắt buộc phải cố gắng để viết lại bản nhạc. Cái cảnh vừa đàn vừa hát trên sân khấu vất vả lắm, một mình tôi sẽ phải xài đến 2 cái mic. Một cái dành cho cây đàn, cái kia để hát. Thế rồi, 2 tay mắc đánh đàn, cái miệng làm sao uốn éo với cái mic được, đành chịu thua. Thôi thì ở đời cái gì cũng phải trả giá hết, muốn được thoải mái thì đành chịu khổ trước mà thôi. Đến đây xin tạm chấm dứt bài viết, hẹn gặp lại quý vị trong những bài kỳ tới.
IQ đệ tử...cao cao
IQ sư phụ thấy sao...lè tè.
Đường