Lần đầu tiên tôi có duyên được tiếp cận với một nhân vật khá đặc biệt mà tôi hằng quý mến. Đã từ lâu, tôi chỉ biết anh qua những vần thơ trữ tình lãng mạn, thấm sâu vào lòng người, thường được post trên diễn đàn LVD. Anh là ai?
Chuyến đi tour 7 ngày của chúng tôi đã chấm dứt vào đêm Chủ nhật 29/10, và được theo sau bằng một trận bão Sandy khủng khiếp. Vừa nghỉ xả hơi được vài bữa thì em Kiều báo tin đã thu xếp xong với Cô Hiếu Tâm và một số bạn để chuẩn bị đi thăm thi sỹ Đỗ hữu Tài vào chiều thứ Sáu tuần tới. Hôm đó, chúng tôi bốn người được em Ngố lái xe đưa đến một trung tâm, nơi săn sóc chuyên biệt cho những người khuyết tật mà tôi không nhớ tên. Trên xe, Cô Hiếu Tâm ngồi cạnh tài xế, Kiều, Ngọc và tôi ngồi đằng sau. Em Kim Liễu đi xe riêng theo một ngả khác và chúng tôi hẹn gặp nhau tại nơi tổ ấm của thi sỹ sau 3 giớ chiều.
Thi sỹ ngụ tại một căn phòng nhỏ, hình như số 35, ở cuối hành lang. Phòng có 2 giường, một bỏ trống, thi sỹ nằm giường phía ngoài và hiện đang ngồi trên xe lăn để tiếp chúng tôi. Anh vóc người vừa phải, phong thái khoan hoà, nét mặt vui tươi và rất hiếu khách. Anh ân cần chào hỏi mọi người, nét mặt không hề lộ dáng vẻ của một con người thiếu may mắn, có vấn đề, như những người cùng lứa tuổi.
Sau khi khách quý đã biết nhau qua lời giới thiệu, các món ăn được bầy gọn ghẽ trên một bàn nhỏ xinh xắn dính liền với chiếc xe lăn của anh. Trước lúc đó, chủ nhân chiếc xe định mệnh, theo yêu cầu, đã biểu diễn cách sử dụng phương tiện di chuyển của mình một cách khéo léo nhẹ nhàng và thật khó tin, chỉ bằng cái "cằm" của đương sự. Thưa quý vị, thi sỹ Tài đã sống lặng lẽ cô đơn, suốt ngày chỉ làm bạn với cái giường, với chiếc xe lăn, tính đến nay đã 27 năm dài đằng đẵng. Anh quả là con người có sức chịu đựng dễ nể, đầy nghị lực, thật đáng khâm phục.
Nghe kể lại, hồi đó khoảng 20 tuổi anh đến Mỹ, sau 2 năm? anh mắc một căn bệnh kỳ lạ không thuốc chữa là bắp thịt cứ teo dần và trở nên tê liệt ngày càng nặng theo thời gian. Cho đến giờ phút này, thi sỹ với thái độ bình thản, hơi khôi hài, nhìn mọi người mỉm cười và khẽ nói: chỉ có cái đầu là còn hoạt động.
Từ lúc đó, không khí trở nên vui nhộn, ấm cúng, thân thương như trong một gia đình. Các em sửa soạn món ăn theo một thứ tự hợp lý để phục vụ thi sỹ, cái đinh của buổi hội ngộ hôm nay. Nào là bánh tét, sầu riêng, xôi ...v...v..., riêng chúng tôi đã biếu anh một hộp chocolate nhỏ, mua tại hãng sản xuất trong dịp đi chơi vừa qua. Em Kiều, rất năng động, đã mở đầu với nụ cười trìu mến, cầm muỗng bón cho thi sỹ món ăn đầu tiên, thật cảm động. Người cho, người nhận và những thân hữu bao quanh, tất cả đều được hưởng những phút giây hạnh phúc tuyệt vời, và không bao giờ quên được.
Tiếp theo là một hoạt cảnh hết sức bất ngờ: chủ tiệm Ngố đã tự tay cắt tóc cho thi sỹ với đồ nghề chuyên nghiệp mang theo từ nhà. Thế là tiếng cười, tiếng đùa dỡn, chọc ghẹo lẫn nhau cả chủ lẫn khách làm cho căn phòng nhỏ bé trở nên vui tươi, sống động, chan chứa tình cảm yêu thương.
Thế rồi giờ phút chia tay cũng đã đến. Kiều nương, tay cầm một sấp phong bì lớn nhỏ đủ mầu sắc, đứng bên thi sỹ, giơ cao lên, với giọng xúc động: đây là những món quà nho nhỏ của tất cả mọi người, xa gần trong gia đình LVD gửi tặng anh, mong anh chấp nhận. Thi sỹ ngỏ lời cám ơn và từ tốn: những chiếc phong bì ân tình này rồi cũng sẽ ra đi và trở về với cát bụi nhưng tấm lòng nhân ái chúng ta đã trao cho nhau ngày hôm nay, của quý thân hữu, của tôi, của tất cả mọi người sẽ còn mãi trong tâm tư của chúng ta. Xin chân thành cám ơn quý vị. Sau đó mọi người đã cùng chia tay trong sự lưu luyến và hẹn gặp lại nếu có dịp trong tương lai.
Đỗ hữu Tài, Nhà Thơ, dù ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt về thể xác nhưng tinh thần anh luôn vững mạnh. Anh tin là Thượng Đế đã đưa anh vào hoàn cảnh như vậy để thử thách. Anh đã cảm thông với Ngài và vui vẻ chấp nhận. Anh đã sống với tinh thần lạc quan và thực hiện đúng như tiêu đề: Yêu đời & Yêu người.
Thành phố cổ Alexandria Sau khi tạm biệt Thi sỹ, mọi người lại di chuyển trên 2 xe, hẹn gặp nhau tại thành phố cổ Alexandria để cùng với Bích Định đã chờ sẵn ở đó, tiếp tục cuộc vui còn dang dở. Thành phố nằm bên bờ con sông Potomac nên phong cảnh trên bến dưới thuyền rất hữu tình, và là một địa điểm du lịch đáng giá đối với khách thập phương trên thế giới. Nhà cửa kiến trúc theo lối xưa, không đồ sộ nhưng rất đắt tiền, tính ra cả triệu, triệu đấy. Hình như cư dân toàn là những nhân vật có địa vị, chức tước hoặc giầu sang như Tướng Tá, Nghị sỹ, Dân biểu...v...v... Nhóm chúng tôi tất cả 7 người gồm Cô Hiếu Tâm, Kiều, Kim Liễu, Ngố, Bích Định và hai chúng tôi. Mọi người dắt tay nhau đi dạo dọc theo con đường chính, ngắm nhà cửa, tiệm ăn, tiệm bán đồ kỷ niệm... nhưng không dám dô tiệm nào cả.
Sau khi đã mỏi giò thì bèn nhất trí đi kiếm nhà hàng, đã được các em lựa sẵn, có tên là My Thai để thoả mãn cái dạ dầy. Nhà hàng khá sang, đông khách, không biết chủ nhân là Thái thiệt hayThái dởm, tuy nhiên các món ăn rất ngon và lạ miệng. Tiệc nửa chừng các em đã ân cần trao nhau những quà lưu niệm nho nhỏ xinh xinh do chính bàn tay nghệ thuật của các em đã hoàn thành, thật trân quý và nhớ đời. Ngọc rất vui được hai em Liễu và Ngố tặng 2 đồ đeo cổ dễ thương rất vừa ý, cám ơn các em. No bụng rồi bèn kéo nhau ra bờ sông chụp hình vung vít, cái nào cũng đen thùi lùi vì thiếu... ánh sáng. Lúc đó trời đã bảng lảng bóng hoàng hôn, gió lạnh thấu xương tuy phong cảnh vẫn tuyệt vời. Đêm xuống dần, mọi người bèn chụp một tấm hình chót trước mặt tiền nhà hàng để kỷ niệm trước khi chia taỵ
Em Ngố thật vất vả, đã lần lượt đưa chúng tôi ai về nhà nấy, chắc phải tới khuya em mới về tới tổ ấm của mình.
Vợ chồng chúng tôi, mạn phép cùng thay mặt Cô Hiếu Tâm, thành thật cám ơn lòng nhiệt tình của tất cả các em: Kiều N, Kim Liễu, Bích Định và Ngố đã ưu ái đưa đón, tặng quà, nhất là cho chúng tôi được hưởng một thời gian vui vẻ, thoải mái tại VA. Hẹn gặp lại các em nếu có cơ hội qua chơi lại miền Đông. Thân ái chào tạm biệt.
Đường & Ngọc