Thuở xa xưa, hồi còn mài đũng quần nơi trường tiểu học, máu văn nghệ của tôi đã bắt đầu chớm nở từ lúc học lớp Ba, mà Thầy giáo đứng lớp dạo đó lại chính là Bố tôi. Học hành chỉ ở mức khiêm nhường nhưng ca hát, đàn địch tôi lại khá và thường được mọi người tán thưởng. Được các bạn bè yêu mến, vì ngoài cái nghề giúp vui trong các dịp hội hè, còn là con một Thầy giáo, nổi tiếng về cái chiêu thích tát tai học trò khi Thầy sạch túi, vì thua mạt chược tối hôm trước.
Đúng ra tôi chỉ chơi giỏi đàn mandolin, còn ca hát thì tàm tạm, hơi bị ngắn không lên cao xuống thấp được, do mắc chứng hen xuyễn di truyền của Mẹ. Nghề đàn hát của tôi lên tới tột đỉnh là hồi Thầy giáo Phạm duy Nhượng năm 1940, từ Hưng Yên đổi về Thái Nguyên quê tôi và phụ trách dạy lớp Nhất. Thầy trò tôi đã có một thời oanh liệt suốt từ năm đó, qua thời Việt minh cướp chính quyền, qua cuộc kháng chiến chống Tây, mãi đến cuối năm 51 khi cả hai cùng dinh tê về Hà nội mới thật sự chia tay và chấm dứt.
Thời gian học trường Phan Chu Trinh tại Thủ đô Thăng Long, tôi cũng có những hoạt động văn nghệ sôi nổi, hậu quả là đã ngây thơ dấn thân vào mối tình tay ba với hai nữ sinh, xinh như mộng, tuy hơi phiêu lưu nhưng rất ư là êm ái và cực kỳ... lãng mạn. Nhưng sau khi di cư vào Sài gòn, từ trường Sư phạm bước ra hành nghề Thầy giáo là tôi giã từ hẳn cái món hát hò và chỉ còn lo chuyện lấy vợ để xây dựng một mái ấm gia đình, bù lại những năm tháng vất vả lang thang thời kháng chiến.
Thế là cuộc đời Thầy Đ cứ êm ả trôi đi... theo đúng từng bước như đã diễn tả trong các bài Hồi ký. Cuối cùng do cơ duyên đưa đẩy, tôi rất hạnh phúc được tái ngộ với trường cựu nữ sinh LVD năm 2008 tại quận Cam. Thế rồi cũng do sự tình cờ, lần đầu tiên tôi bước chân lên sân khấu hát chung với em Kiều N trên San José năm 2011 và từ đó máu văn nghệ của tôi tưởng như đã bế mạc lại có dịp sống lại trong trái tim khô, nồng nhiệt và vui nhộn như thuở nào, chắc cũng do cái duyên mà thôi.
Nghề chơi cũng lắm công phu Nhờ có chút vốn văn nghệ nên tôi tập hát lại những bài tiền chiến năm xưa tương đối dễ dàng. Tuy nhiên lúc còn trẻ đã ngắn hơi, bây giờ tuổi đã cao nó lại ngắn hơn tí nữa nên rất ư vất vả nhất là những lúc cần phải lên cao để uốn éo giọng ca. Muốn luyện hơi, tôi khai thác thời gian lúc đưa Nàng đi shopping để tập ở parking slot trong lúc nó vắng vẻ. Có lần muốn được hát thoải mái, bèn ra giữa sân thử xem hơi nó tới đâu, thì được ông security lù lù hiện ra, tưởng tôi khùng đến hỏi thăm, nên đã tự động rút vào trong xe luyện cho an toàn. Thế khi ở nhà thì tập tành ra sao? Thú thực với quý vị, từ khi biết chơi computer, everything tôi đều thực hiện ở trên giường cả. Tôi mua cái bàn nhỏ của người thường ẩm thực trên giường, đặt cái laptop bên trên, thò 2 chân ở bên dưới, thế là làm việc thoải mái: viết bài, tập hát, thu âm...và khi cần thì ngủ luôn cho khoẻ. Có điều bất tiện là lúc tập hát, rên ư ử làm Nàng khó chịu phán: hát gì mà ghê thấy mồ, thôi ra phòng khách tập cho em khỏi nhức đầu. Tôi bảo: giời ơi, hát nho nhỏ để tập thì phải rên chứ, nhà nghề như Khánh Ly mà tập ở trên giường thì cũng như anh mà thôi! Tuy phản kháng vớ vẩn lấy lệ nhưng cuối cùng đành khăn gói ra phòng khách hành nghề để N vui và cũng khỏi...nhức đầu luôn.
Khi hát live trên sân khấu, vì mình đâu phải nhà nghề, mà tiền đâu để đi thu hoài, cái khó là hổng thuộc bài, dù đã hát cả triệu lần rồi. Lý do là già hay quên, có khi chính mình cũng quên cả...mình nữa thì làm sao nhớ được bài hát. Đứng trên sân khấu, nếu cả lũ cùng cầm giấy thì không sao, có khi lại vui nữa vì mấy cái miệng xinh xinh, già trẻ chụm lại gần nhau trông rất nên thơ và...lãng mạn! Nhưng nếu hát mình...ên mà cầm giấy thì quê quá không chấp nhận được trừ trường hợp là văn nghệ gia đình hay bỏ túi.
May quá nhờ thông minh? nên tôi có sáng kiến là sẽ học bài lúc đi treadmill ở trong gym. Số là mỗi tuần, N vì muốn giữ eo và tiện thể giúp tôi, chuyển cái bụng từ "táo" qua "lê" cho đẹp lão nên bắt buộc hai đứa phải đi tập 3 lần trong gym. Tôi đã lợi dụng thời gian này để vừa cầm giấy học bài, lại vừa đỡ sốt ruột mong cho mau hết giờ, thế là nhất cử mà lưỡng tiện. Tuy nhiên nếu phải trình diễn thật sự để thu hình trên sân khấu thì cũng nên "nhép" như mọi người cho chắc ăn. Thế thì phải ra phòng thu âm cho nó chặt phải hông? Quý vị thì có thể nhưng Thầy Đ thì No, tại sao?
Thu âm tại gia Khi cái máu văn nghệ đã sống lại trong trái tim khô thì tôi bắt đầu thích hát hỏng, và cũng là điều bình thường. Có điều hát thì phải có người nghe nhưng tôi quả là số ăn mày, N của tôi vốn không khoái nghe hát, chỉ thích làm Thơ thôi. Thế thì ta đành phải thu âm gửi đi, ép những người quen như bà con, bạn bè, học trò...chịu khó thưởng thức để mình còn có hứng tiếp tục. Vấn đề cốt lõi ở đây là làm sao để biết cách thu âm, đâu phải chuyện dễ dàng, phải không quý vị?
Cám ơn Nhạc sỹ Nguyễn văn Hà Đúng là duyên giời đưa lại, ngay lúc đó nhạc sỹ N.Hà lại có nhã ý hướng dẫn mọi người trên diễn đàn cách thu âm bài hát bằng comp. Thế là tôi bèn khai thác ngay và được nhạc sỹ giải thích tận tình mọi thắc mắc nếu có và vô điều kiện. Xin chân thành cám ơn nhạc sỹ N.Hà một lần nữa. Thế nhưng biết cách làm là một chuyện, thu âm bài hát cho vừa ý lại là chuyện khác nữa và cần phải có kinh nghiệm và trải qua nhiều thử thách gay go.
Bước đầu tôi vừa đàn, vừa hát, vừa cầm giấy, thật vất vả vì bị phân tâm quá nhiều, hát chẳng ra cái đám ôn gì nhưng cũng vưỡn được nhiều người khen để khuyến khích vì mới lạ. Cụ ông ngoài 80 mà dám bước chân lên sân khấu của một trường nữ để hát thì thật là cổ lai hy, không tán thưởng sao được!
Tôi còn nhớ bài đầu tiên thu âm post trên diễn đàn là "Chiều Tà" hay "Tiếng Thu" của Phạm Duy? Ngay khi mới ra lò đều được mọi người khen ngợi nồng nhiệt. Riêng em N.Trinh bên xứ kanguru đã khen nức nở, nào là làn hơi mạnh mẽ như thanh niên, giọng ca truyền cảm giống những ca sỡi già nổi tiếng ... làm tôi cảm động và phổng mũi.
Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, một sự thực phũ phàng đã từ từ ló dạng.
Những lời khen tặng dần dần phai nhạt, chìm lỉm theo tháng ngày và không còn để lại một chút dư âm rơi rớt nào nữa. Riêng người đẹp miền cực Nam thì chỉ thỏ thẻ có một lần duy nhất rồi cũng biến mất một cách âm thầm đầy bí ẩn! Ngoài ra những bạn hữu, con cháu hình như cũng chỉ khen lấy lệ độ 1,2 lần gì đó rồi cũng tắt ngúm. Thế nà thế lào?
Tôi đã thưa với quý vị từ thở ban đầu là tuy thông minh nhưng tôi lại chậm hiểu, chỉ số IQ còn thua Nàng xa lắc. Bi giờ tôi mới ngộ ra một thực tế tuy hơi buồn nhưng lại là sự thật: Mọi người khen ông Thầy chỉ vì lịch sự mà thôi, chứ có hay ho gì mà phải mất thì giờ để thưởng thức. Nếu muốn nghe hát thật sự thì thiếu gì cd, dvd...của các ca sỹ nhà nghề, phải không quý vị? Tuy nhiên, nếu tôi may mắn hát không quá tệ thì thỉnh thoảng quý vị cũng nên vô tư mở ra nghe, để khích lệ mầm già và giữ lại trong lòng một thoáng hương xưa sau khi Thầy cao tuổi đã bước lên chuyến xe cuối cùng của cuộc đời.
Để khỏi bị lãng quên, từ nay tôi sẽ cố gắng cải thiện giọng hát, thu âm cẩn thận, tìm những bài hát hay để mến tặng tha nhân. Tôi hy vọng sẽ làm vui lòng mọi người phần nào và không đến nỗi làm quý vị phải quá thất vọng. Xin cám ơn quý vị.
Đường