Mytat
|
Xa rồi những khúc đồng dao Nguyễn Bình Đông
Khúc đồng dao ... gợi nhớ ...
Khúc đồng dao hát từ những hồi bé tí Trăng sáng sân nhà chú cuội với cây đa Tùng tập ... tùng dinh ới chị Hằng Nga Mơ chuyện kể vua Đường * du Nguyệt điện
Khúc đồng dao của một thời chinh chiến Mẹ ầu ơ ru con ngủ trưa hè Nghe thoảng giọng buồn hòa lẫn tiếng ve Thời chinh chiến mấy người đi trở lại!!!
Khúc đồng dao của những ngày thơ dại Sẻ ngọt chia bùi ... mua láng giềng gần Có đắng cay cùng chia sớt ... tình thân Bài học công dân ... lá lành ... lá rách ...
Khúc đồng dao của thưở nào cắp sách Thương lọn tóc huyền cô bé không quen Tập đếm sao những buổi tối không đèn Nhẩm cho thuộc bài "mười thương" e thẹn
Khúc đồng dao buổi ban đầu hò hẹn Cởi áo qua cầu, thương trúc đầu đình ... Chuyện tình trẻ con sao quá là xinh Nghe khúc đồng dao ... chợt lòng thương nhớ ...
Khúc đồng dao xưa ... không vay mà nợ Ơi quê hương mong một buổi thanh bình ...
TN * Đường Minh Hoàng
Đồng dao là những bài hát dân gian truyền miệng của trẻ em trong lúc vui chơi giải trí, đùa giỡn. Mỗi khi hát có thể kết hợp với những trò chơi hoặc không có những trò chơi. Những trò chơi dân gian được kết hợp với bài hát: “Chuyền chuyền”; “Tập tầm vông”, “Ve... cắt”,v,v... Những bài đồng dao này giữ vai trò đệm nhịp cho trò chơi. Nhưng có những bài liên quan đến trò chơi mà không giữ vai trò đệm nhịp trong quá trình trò chơi diễn ra như trò “Thả đỉa ba ba”. Vui chơi giải trí không phải lúc nào cũng phải có trò chơi. Nghĩa là phần trò chơi chỉ ở dạng quây quần, chạy nhảy, đi lại... Có thể chỉ nắm tay hoặc bám vai nhau, giậm chân đi đều trên sân, trên đường làng trong những đêm trăng sáng là cái cớ, cái nền làm nảy sinh trò chơi.
Ngôn ngữ đồng dao gần gũi với ngôn ngữ đời thường, ngắn gọn, súc tích, câu cú mạch lạc, nhịp điệu thể hiện rất rõ ý và lời để trẻ em dễ hát, dễ nhớ và dễ thuộc. Hát đồng dao ở Nam Bộ gồm các điệu Cùm nụm cùm niệu, Bắc kim thang, Tập tầm vông, Con chim manh manh...
Chừng ba bốn em gái nhỏ cùng ngồi chung quanh chiếc gậy cắm thẳng. Mỗi em thay nhau nắm tay vòng chiếc gậy, tay này tay nọ chồng lên nhau cho đến đầu gậy rồi làm ngược lại, vừa làm vừa hát bài Cùm nụm cùm niệu như sau:
“Cùm nụm cùm niệu Tay tí tay tiên Đồng tiền chiếc đũa Hột lúa ba bông Ăn trộm ăn cướp trứng gà Bù xa bù xít Con rắn con rít Thì ra tay này”
“Bắc kim thang” là điệu hát kết hợp với trò chơi của mấy đứa trẻ. Trong những đêm trăng sáng, các em quây quần lại, mỗi tốp chừng ba bốn em, nắm tay nhau thành vòng tròn, rồi xoay người lại, chân trái xỏ rế lên nhau, sau đó buông tay, vừa vỗ tay vừa nhảy cò cò bằng chân phải, miệng hát vang bài “Bắc kim thang” hết sức nhịp nhàng và uyển chuyển. Em nào té coi như thua cuộc, phải cõng lần lượt các em kia đi một quãng hoặc búng vào tay... đau điếng !
“Bắc kim thang cà lang bí rợ, Cột qua kèo là kèo qua cột. Chú bán dầu qua cầu mà té, Chú bán ếch ở lại làm chi. Con le le đánh trống thổi kèn, Con bìm bịp thổi tò tí te tò te...”
“Con chim manh manh” là một bài hát đồng dao rất đổi quen thuộc, nét nhạc xinh xắn rất dễ thương. Các em nhỏ vừa hát theo nhịp vỗ tay vừa nhảy múa. Lời và nhạc bài này cứ hát đi hát lại, nhạo tới nhạo lui, cứ hát “dần lân” không biết khi nào mới dứt...
“Con chim manh manh Nó đậu cây chanh Tôi vác miểng sành Tôi liệng nó chết giãy Tôi làm thịt bảy mâm Tôi dâng cho ông một mâm Tôi dâng cho bà một dĩa Bà hỏi tôi con chim gì? Tôi nói con chim manh manh Nó đậu cây chanh...”
“Tập tầm vông” là điệu hát nói rất đơn giản, được nhiều trẻ con ưa chuộng. Lời hát là thể thơ 3 chữ, nhịp 1/4, sắc thái gọn và đều đặn. Hai em ngồi đối mặt, vừa hát vừa vỗ tay. Nhịp thứ nhất: mỗi em tự vỗ tay. Nhịp thứ hai: tay phải em này vỗ chéo qua tay phải em kia. Nhịp thứ ba: mỗi em tự vỗ. Nhịp thứ tư: tay trái em này vỗ chéo qua tay trái em kia. Và cứ thế vừa vỗ tay vừa hát với tốc độ nhịp nhàng, từ chậm đến nhanh, rồi hát dồn dập...
“Tập tầm vông tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không?”
Đây là bài hát đồng dao theo nhịp 2/2 rất dễ nhớ, dễ thuộc:
“Cá rô cá rạch Gặp trận mưa rào Mày chẳng ở ao Mày lên rãnh nước Nước xuôi mây ngược Mày thích ra sông Thỏa chí vẫy vùng...”
Bài đồng dao này tôi thường nghe bà nội hát vào những chiều mưa, khi một con cá rô nhỏ xíu lạc theo dòng chảy lách tách rơi vào sân nhà. Nội bắt nó thả vào thau nước, để ngày mai tôi đem thả nó về lại ruộng đồng. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng đồng dao. Những câu hát ngô nghê dù có nghĩa hay vô nghĩa cũng chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Những chiều mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng mưa lần lượt vỡ tan ra, tôi lại lẩm nhẩm:
“Lạy trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày Lấy đầy bát cơm Lấy rơm đun bếp”
Những đêm trăng sáng ở quê ngày xưa, chúng tôi thường tập trung trước sân nhà để chơi trò “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc...”
hay túm tụm lại và thay nhau đọc từng câu:
“Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút Ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính, cho đến khi không tìm ra người bạn nào cho ông trăng nữa thì thôi. Rồi trò:
“Chi chi chành chành Cái đanh thổi lửa Con ngựa chết trương Ba vương ngũ đế”
Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Cả những đứa trẻ ở miền quê xa cũng dường như không còn mấy nhớ và hát đồng dao. Tôi thấy buồn vì người ta đã quên những khúc đồng dao, loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xóa chúng khỏi ký ức của người lớn. Khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp. Trở về với đồng dao, là trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Tình yêu cuộc sống bỗng trỗi dậy và được thanh lọc khỏi những bộn bề của bao nhiêu năm tháng bon chen. Cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, thời gian bắt đầu từ một giây. Và nhân loại, chẳng phải bắt đầu từ trẻ con đó sao?!
Có thể nói, đồng dao kèm theo diễn xướng trong một không gian rộng, con trẻ có điều kiện hòa nhập với thiên nhiên, hòa nhập với nhau và với cuộc sống nói chung. Từ đó nảy sinh tình cảm, tình yêu thiên nhiên, tình đoàn kết, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau cũng như tình yêu cuộc sống. Có những bài đồng dao đã góp phần giáo dục các em ý thức lao động, ý thức giúp đỡ cha mẹ và những người thân trong gia đình.
Mặc dù đồng dao là những bài hát của trẻ em nhưng ta vẫn thấy yếu tố tư tưởng của người lớn. Ở một số bài, người lớn đã mượn lời trẻ để bộc lộ tâm tư nhưng phải thông qua sự chế tác, thay đổi của trẻ thì đồng dao mới dễ dàng được trẻ em chấp nhận. Rất nhiều trường hợp trẻ em đã tự đặt lấy bài hát và trò chơi cho mình. Lúc đầu còn ở dạng thô sơ, đơn giản nhưng một khi đã phù hợp với các em thì sẽ được phát triển bổ sung thêm cho đến mức tương đối hoàn chỉnh. Đồng dao có thể còn thay đổi khi di chuyển từ xóm nọ sang xóm kia. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính dị bản của đồng dao.
Thế giới đồng dao là một thế giới sinh động, phong phú chứa chan sức sống và màu xanh. Trong đồng dao có đủ hình ảnh của những con trâu, con nghé, con voi, con ve, con kiến... cho đến con tôm, con tép, con còng, con cua... Đồng dao cũng có cây cỏ, đất nước, nhà cửa, đồ ăn thức uống. Tất cả đều có hồn, biết trò chuyện, biết tâm sự cùng trẻ em. Nhiều tưởng tượng bất ngờ đã giúp các em có được một cuộc sống hồn nhiên, thân mật và đậm đà xung quanh mình. Với đồng dao, dường như không có sự cách biệt giữa trẻ em và thiên nhiên.
Đồng dao nằm trong kho tàng văn hóa dân gian, có nội dung trong sáng, lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Hiện nay, chúng ta đang từng bước khôi phục những bài hát đồng dao cũng như sáng tác mới các bài hát này bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, việc làm này hiện nay còn nhiều hạn chế. Mong sao đồng dao sớm được quay trở lại với đời sống tinh thần của con trẻ.
Nguyễn Bình Đông
|