Tản mạn về cố TT Ngô Đình Diệm & ông Mã Tuyên đêm 1 tháng 11, 1963
Hàng năm, cứ đến ngày 1 tháng 11 thì người dân miền Nam đều nhớ lại ngày này trong năm 1963 ngày mà dẫn đến cái chết tổng thống Đệ Nhất Cộng Hòa, cố TT Ngô Đình Diệm, và người em, ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Có quá nhiều bài viết, tài liệu và sách báo đã nói về cái chết của hai ông. Ai là kẻ thủ ác và tại sao?Tôi đã 80 tuổi mà vẫn chưa biết thực sự ai là người ra lệnh giết chết hai anh em cố Tổng Thống (TT) và ông Nhu, lời một cụ già đã nói với người viết bài nầy cách đây vài năm.
Ai đã giết Tổng Thống?1. Đã có người nói chính tướng Dương Văn Minh, Chủ Tịch HĐQNCM ra lệnh cho cận vệ là đại úy Nguyễn Văn Nhung giết chết TT trong thiết vận xa M 113.
2. Có bài báo cho là chính đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 bộ binh giết chết hai anh em cố TT và ông Nhu sau khi tra khảo tiền bạc của cải trên đường giải giao hai ông về Bộ TTM QLVNCH từ nhà thờ thánh Phanxico Xavie (nhà thờ cha Tam). Chiếc thiết vận xa M 113 chở TT và ông Nhu đi sau cùng đã tách khỏi lộ trình để rẽ vào Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, khi đó đã do Sư Đoàn 5 bộ binh chiếm đóng, rồi sau đó mới quay trở ra nhập trở lại vào đoàn xe.
3. Cố TT và ông Nhu tự sát. Lời của Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn, hai viên tướng đảo chánh tuyên bố với báo chí. Tấm hình chụp TT và cố vấn Nhu nằm trong vũng máu với hai tay bị trói quặt ra sau bên trong thiết vận xa M 113. Báo New York Times khi đăng tấm hình này có ghi chú: “Tự sát mà không có tay”. TT là một tín đồ đạo Thiên Chúa. Tín lý của tôn giáo này không cho phép tín đồ được tự sát.
Tại sao giết?1. Do tư thù cá nhân giữa tướng Dương Văn Minh và TT: Tướng Dương Văn Minh khi dẹp tổ chức võ trang Bình Xuyên đã tịch thu được hai phi vàng 24, 1 loại thùng Toneau bằng sắt rộng hơn vòng tay ôm và cao hơn 1 m, và tiền giấy từ lời khai của Lê Paul con trai của Bảy Viễn, trùm Bình Xuyên, rồi giữ lấy. Chính quyền đã ra lệnh cho điều tra vụ này.
2. Do cố TT và ông Nhu đã âm thầm thương thảo với CS Bắc Việt. Ông Nhu đã bí mật gặp gỡ với đại diện CS là Phạm Hùng khi đó là xứ ủy Nam Bộ tại vùng rừng Tánh Linh trong tháng 2, 1963. Chính ông Nhu còn ra lệnh cho Hải Quân tha cho ông Lê Duẩn bị hải quân VNCH bắt trong trận U Minh giữa năm 1963. Trước đó, năm 1958 ông bộ trưởng nội vụ Lâm Lễ Trinh đã nhận lệnh từ ông Nhu ra một chỉ thị yêu cầu các tỉnh trưởng miền Nam phải thi hành các việc như ngưng bắt các cán bộ CS, và thu hồi các vũ khí như súng trung liên Bar, tiểu liên Carbin mà Thompson đã cấp cho Bảo An, và Dân Vệ, thay thế bằng các dao găm và súng mousqueton lỗi thời.
3. Chính quyền Hoa Kỳ bất mãn vì cố TT và ông Nhu không chấp thuận để cho họ đổ quân vào miền Nam VN. Người Mỹ biết cố TT là một công cụ của CS Bắc Việt, báo Newsweek ngày 24 tháng 12, 2001 in hình cố TT với hàng chữ: “1963, the Kennedy administration begins to see South Vietnamese President Ngo Dinh Diem as a communist tool and decides that Diem must go”. “The CIA engineers coup attempts that eventually lead to his assassination in November”. Hoặc chính phủ Mỹ lật đổ TT Đệ Nhất Cộng Hoà vì đã đàn áp Phật Giáo.
Tìm hiểu để biết rõ lý do thực sự dẫn đến cái chết của cố TT và ông Nhu cùng người trực tiếp thủ ác là một điều thật khó.
Bây giờ nếu người nào mà chịu khó vào các thư viện xem lại các sách báo của hai miền Nam – Bắc VN trong thập niên 1950, 1960, và 1970 thì đều thấy tại miền Bắc có cả một chiến dịch tuyên truyền bôi xấu các nhà lãnh đạo miền Nam. Do vậy bản thân cố TT và cả dòng họ nhà Ngô tại miền Nam khi đó cũng là các đề tài của bọn văn nô bồi bút viết về các cá nhân những người này để dâng lên đảng CS. Lê Vĩnh Hòa, một văn nô tập kết miền Nam, đã từng viết câu thơ: “Áo dài khăn đóng mặt bầu, anh chồng mà ngủ với em dâu mới tài.” để nói về cái quan hệ giữa cố TT với người em, nhưng sự thực là chuyện không có.
Chính ông Bùi Tín, khi ông còn là một phóng viên CS Bắc Việt cũng đã từng tin như vậy. Cũng vậy, cái gọi là uỷ ban liên lạc miền Nam khi đó cầm đầu bởi viên tướng CS Nguyễn Văn Vịnh chuyên môn sáng tác các loại văn thơ thư từ mà chúng nói là của người dân miền Nam gửi ra khi hai miền còn trao đổi thư từ, nhưng thực sự là do chúng sáng tác kể về sự hủ hoá tàn ác của bè lũ họ Ngô là Nhu, Cẩn, cũng như các hành động của chính quyền cán bộ tại các địa phương miền Nam đối với người dân mà chúng nói là trong vùng tạm chiếm. Ông Nhu thì được mô tả là một đệ tử của trường phái Phi Yến Thu Lâm (người nghiện thuốc Phiện), môi tái xịt, và da xám. Ông Ngô Đình Cẩn thì ngu dốt, độc ác lại còn có riêng cả một vườn Cam mà mỗi gốc cây là xác của một người dân yêu nước (ám chỉ Việt Cộng).
Miền Trung thì có địa danh chín Hầm nhốt tù nhân của Ông Ngô Đình Cẩn. Miền Nam thì có P42 (một căn phòng ở Thảo Cầm Viên, Sài Gòn, được bọn này mô tả là ở đây ngoài các dụng cụ để tra tấn người khi hỏi cung lại còn có cả hầm chứa Acid để sau khi tra khảo tù nhân mà lỡ làm họ chết rồi thì sẽ thủ tiêu bằng cách vất xác người xấu số đó xuống cái hồ này hoặc quăng cho thú dữ đang nuôi trong chuồng ăn thịt.
Báo chí miền Nam lúc đó thì mô tả về cái ghế khoái lạc của bà Trần Lệ Xuân sau ngày 2 tháng11, 1963 tại dinh Gia Long. Thực sự đó chỉ là cái ghế ngồi tương tự trong các tiệm Nail, uốn tóc. Cũng có người nói ông Nhu là người nghiện ngập (Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi), sách của Đỗ Mậu. Cố TT thích cái gì thì giữ cái đó làm của riêng (chiếm đoạt nghiên mực cổ Tức Mặc Hầu của Dực Tông Hoàng Đế Tự Đức), bài viết của Vương Hồng Sển.
Cả một cái guồng máy thông tin CS, và thêm một số người thuộc miền Nam phụ hoạ đua nhau dựng chuyện như vậy nên chẳng trách nhiều người dân tại miền Bắc và cả miền Nam đã tin những điều tuyên truyền đó là chuyện có thật. Người miền Nam đi tập kết ra Bắc theo CS (Hiệp Định Geneva, 1954) khi đó chỉ mong nhà nước và đảng CS sắp xếp cho nhanh một chuyến hồi kết để quay về miền Nam chiến đấu giải phóng thân nhân miền Nam khỏi sự kềm kẹp ghê khiếp của chế độ gia đình trị họ Ngô. Chỉ đến khi họ có dịp tiếp cận với xã hội miền Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975 rồi thì mới biết tất cả luận điệu thông tin về anh em cố TT và ông Nhu đều là sự xảo trá của CS Bắc Việt, hoặc là những nguồn tin chưa thể kiểm chứng được.
Những năm gần đây, thấy không thể nói xấu về cá nhân con người của cố TT được nữa thì bọn văn nô CS trong nước lại có cái màn đồng hóa hình ảnh ông HMC với cố TT cho là hai người này giống nhau từ tư cách, và chống sự can thiệp vào VN của chính quyền Mỹ. Đời tư là người độc thân không vợ con, và xuất thân từ gia đình quan lại. Nhưng đó chỉ là cái bề mặt thôi, bề trong thì đám này vẫn cho in lại các quyển sách, và các bài viết nói xa nói gần tất nhiên là nói xấu bôi bẩn về thời đệ nhất VNCH, và các cá nhân trong nguồng máy chính quyền miền Nam. Quyển “Đệ Nhất Phu Nhân” của Hoàng Trọng Miên. “Tâm Sự Tướng Lưu Vong” của tướng Đỗ Mậu, và từ quyển “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”.
Cách đây không lâu, người viết bài này nhân trong một dịp đến viếng phần mộ của cố TT tại vùng Lái Thiêu thì được các người dân sống gần đó cho biết là vài hôm trước đó, có một Việt kiều mang nguyên cả một tấm bia mới toanh với đầy đủ tên tuổi, hình, và chức vụ của cố TT để thay thế cho tấm bia cũ nhưng người này đã bị các công an thường xuyên túc trực tại đó tịch thu tấm bia, và còn đả thương người khách du này nữa. Thật tội nghiệp cho ông khách Việt kiều đó và thật bỉ ổi cho hành động của các tay công an CS chỉ vì muốn tỏ chút lòng riêng với một người đã quá cố khá lâu mà phải chuốc họa vào thân.
Một người cũng vì một chút tình cảm riêng với cố TT mà cũng phải chuốc hoạ vào thân đó là ông Mã Tuyên, một thương gia gốc Triều Châu. Ông chuốc hoạ là vì đã chứa chấp cố TT và ông Nhu trong cái đêm 1 tháng 11, 1963. Khi đó ông Mã Tuyên, tuổi độ trên 50, là tổng bang trưởng của 10 bang người Hoa tại vùng Chợ Lớn. Ông Mã Tuyên đã kể lại giờ phút Rồng đến nhà Tôm như sau:
Khi đó độ 5 giờ chiều, tôi và gia đình đang nghe tin tức trên radio tại nhà thì chuông điện thoại reo. Tôi bắt máy, đầu giây xưng là ông đô trưởng Sài Gòn Chợ Lớn ngỏ ý muốn gặp tôi gấp tại trụ sở Thanh Niên Cộng Hòa quận 5 (khu Đại Thế Giới). Tôi bảo tài xế đánh xe chạy đến đó, và chờ đến 6:30 thì ông Đô Trưởng mới đến và ông ta nói với tôi là TT muốn đến nhà ông lánh nạn. Tôi nhận lời và đi về nhà chuẩn bị. Khoảng 7:30 tối, hai xe Citroen chạy đến nhà tôi số 34 đường Đốc Phủ Thoại với tổng cộng 8 người gồm cố TT, ông Nhu, ông Đỗ Thọ, ông Đô Trưởng, và 4 nhân viên bảo vệ.
Ông Mã Tuyên cho biết là nghỉ ngơi tại nhà ông cho đến sau nửa đêm thì cố TT đưa cho ông một số giấy tờ và nhờ ông đem đốt đi. TT nhờ ông canh chừng máy điện thoại dưới nhà, và liên tục sử dụng điện thoại trên lầu để gọi đi nhiều nơi và cả các nơi khác gọi đến cho TT nữa. Nhà ông mã Tuyên nguyên là 3 căn phố liền nhau gồm một tầng trệt và 2 tầng lầu. Chuông điện thoại reo liên tiếp từ nửa đêm cho đến sáng. Sau đó TT xuống tầng trệt thì trời đã sáng trong tiếng súng chỉ còn nổ thưa thớt trong Đô Thành. Sắc diện của TT cho thấy tình thế trở nên tuyệt vọng.
TT cho biết lữ đoàn phòng vệ bảo vệ dinh Gia Long đã ngưng tiếng súng. Ông Mã Tuyên cho biết cố TT và ông cố vấn ngồi cầu nguyện rồi dùng điểm tâm món Bánh Bao Xíu Mại và Cà Phê chung với ông rồi TT hỏi về nhà thớ lớn nhất vùng Chợ Lớn. Ở gần đấy là nhà thờ Phanxico (cha Tam), và TT nói với ông là họ sẽ đến nhà thờ đó. TT và ông cố vấn thay y phục khác. TT bảo ông Mã Tuyên đừng lái xe và cũng đừng đi theo vì sẽ bất tiện. Ông Mã Tuyên đã gọi người tài xế lái chiếc xe Traction mầu đen chở TT và ông cố vấn cùng người tùy viên Đỗ Thọ đến nhà thờ cha Tam.
Năm ngày sau đó, ông Mã Tuyên bị HĐQNHCM bắt giam trong 3 năm. Tài sản bị tịch thu và đem bán đấu giá nhưng đồng bào Việt gốc Hoa mua lại được trong cuộc đấu giá và trả lại cho gia đình ông.
Nhiều nguồn tin đã nói là tư gia của ông Mã Tuyên là một hang ổ của CS, và đây cũng là lý do dẫn đến cái chết của cố TT và ông Nhu. TT và ông Nhu lại phạm vào một lỗi lầm ngoại giao to lớn là khước từ sự giúp đỡ về an ninh của Đại sứ Mỹ, Cabot Lodge, chạy vào nhà Mã Tuyên, là trung tâm liên lạc xưa nay của ông Nhu với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). Không phải cuộc binh biến ngày 1 tháng 11, 1963 đã đưa đến cuộc thảm sát hai ông, mà chính quyết định liều lĩnh ấy đã làm cho hai ông gánh lấy thảm hoạ. Sao lại đi đến một trung tâm liên lạc với CS mà Mỹ đã biết từ lâu rồi? (hồi ký của tướng Tôn Thất Đính).
Việc cố TT và ông Nhu đến nhà ông Mã Tuyên có người đã đặt nghi vấn là hai anh em ông định nhờ ông này bắt liên lạc với MTGPMN để họ đưa hai ông vào mật khu như kiểu hai ông suy diễn từ trường hợp trung tá Vương Văn Đông sau cuộc đảo chánh bất thành ngày 11 tháng 11, 1960 đã nói ông ta nhờ MTGPMN giúp đưa qua Cam Bốt.
Nếu cho là nhà ông Mã Tuyên là một cơ sở của CS thì tại sao CS lại bắt ông ngay sau khi chúng vừa chiếm được miền Nam. Lần đầu là 4 tháng rồi thả và bắt lại sau một thời gian ngắn. Lần bắt sau này, chúng đã giam ông tới 4 năm.
Chỉ vì cho TT và ông cố vấn tá túc qua một đêm tại nhà mà ông Mã Tuyên đã bị giam tù trong 3 lần tổng cộng trên 7 năm? Cả hai chính quyền sau ngày 1 tháng 11, 1963 và 30 tháng 4, 1975 đều tra hỏi ông Mã Tuyên về cái đêm lịch sử hôm ấy tại nhà ông. Tại sao họ lại đến nhà ông mà không phải nhà người khác. Có bí mật gì bên trong? CS cũng tịch thu cả 3 căn nhà của ông Mã Tuyên (ông có tới 3 vợ và 13 người con theo lời kể của con gái ông là Mã Huệ Phương).
Người ta nói là ông Mã Tuyên đã không than van một lời nào về những tai ương đổ xuống gia đình và bản thân ông sau cái đêm định mệnh đó. Năm 1983, ông Mã Tuyên và gia đình chính thức rời VN đi định cư tại Đài Bắc, Đài Loan. Rồi đến tháng 2, 1992 thì ông Mã Tuyên cùng một phần gia đình đã về lại Chợ Lớn và qua đời trong tháng 9, 1994.
Tại sao đã định cư tại Đài Loan rồi mà ông còn chọn trở về lại VN, và khi chết thì chôn tại Nhị Tỳ Triều Châu ở Biên Hoà. Ông là người Việt gốc Hoa nhưng đã chọn cho mình cung cách khóc cười theo vận nước Việt nổi trôi?
Ngày 1 tháng 11 khi biết có đảo chánh thật rồi và ngay cả vào buổi sáng hôm sau trước lúc cố TT và ông Nhu rời nhà ông Mã Tuyên. Nếu lữ đoàn phòng vệ do thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ chỉ huy được sự chấp thuận của cố TT thì với binh lực khi đó có cả thiết vận xa M 113 và sau có thêm tiểu đoàn 41 biệt động quân tham gia cùng lữ đoàn phòng vệ thì sẽ dồn lực lượng kéo quân tấn công thẳng vào bộ tổng tham mưu nơi HĐQNCM đang trú đóng thì sẽ dẹp tan cuộc đảo chánh. Nhưng cố TT không đồng ý, và ra lệnh cho thiếu tá Duệ án binh chờ, để ông liên lạc với các tướng lãnh cố tránh đổ máu. Nếu có lệnh đồng ý cho lữ đoàn phòng vệ hành quân thì chắc chắn lữ đoàn nầy sẽ chiếm được bộ tổng tham mưu cách nhanh chóng bắt giữ các tướng lãnh đảo chánh, và kết cục sẽ đổi khác. “Nhớ lại những ngày ở cạnh TT Ngô Đình Diệm”, sách của ông Nguyễn Hữu Duệ. Giận cá chém thớt và đập bỏ tượng Hai Bà Trưng vì cho là giống khuôn mặt bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy.
Khi thiết vận xa M 113 chở cố TT Diệm và ông Nhu tách đoàn chạy vào Bộ Tư Lệnh CSQG (khoảng 20 phút) rồi chạy ra để sau đó nhập vào đoàn xe và đoàn xe này dừng lại tại đường rầy gần ngã tư đường Cao Thắng và Hồng Thập Tự vì có đoàn xe lửa đang chạy đến, và chính lúc này cố TT đã bị đại úy Nguyễn Văn Nhung bắn chết. Thực ra đại úy Nguyễn Văn Nhung đã bắn vào hai xác người đã chết nằm trong thùng xe, hai tay bị trói với các vết dao đâm khi tra tấn và giết trước đó. “Theo lời kể của người hạ sĩ xạ thủ trên chiếc thiết vận xa M 113 khi đó” trong bài viết “Tâm Sự Người Lính Già” trên báo Văn Nghệ Tiền Phong số 355. Nhưng người xạ thủ này tên là gì? Ông hiện còn sống hay đã chết? Tại sao cả hàng mấy chục năm trời người ta mới được nghe ông tiết lộ về người thực sự giết chết cố TT và ông Nhu? Xác của cố TT có những dấu vết chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bị giết. Xác ông Nhu bị đâm nhiều nhát dao, và áo rách đầy máu. Cả hai ông đều bị bắn từ sau ót ra phía trước, và đều bị trói hai tay quặt ra phía sau lưng. Trung úy y sĩ Huỳnh Văn Hưỡn, chỉ huy bệnh xá Bộ Tổng Tham Mưu, là người đã khám nghiệm 2 thi hài.
Tại sao cố TT không chạy vào toà đại sứ Mỹ hay Pháp để xin tỵ nạn? Hai người cũng không chạy vào nhà một người Việt nào mà lại chọn vào tá túc nhà ông Mã Tuyên, tổng bang trưởng 10 bang người Việt gốc Hoa?
Lập luận của cố TT và ông Nhu là tìm cách thương thảo với CS là họ đã trở thành kẻ phản quốc nên trước sau gì cũng phải có một người lính miền Nam nào đó giết hai ông? Chúng ta biết là người anh ruột của cố TT là Ngô Đình Khôi đã bị CS bắt giết chung với con trai tháng 8, 1945 tại làng Hiền Sĩ, Phong Điền, Thừa Thiên thì làm sao cố TT có thể thoả hiệp với CS được? Vụ thương thảo với Phạm Hùng có thể là một đòn chiến lược riêng trong toan tính của TT Diệm đối với chính quyền Mỹ lúc bấy giờ? Không lẽ TT Diệm ngây thơ đến mức có thể tin được chuyện hoà hợp với CS? Mới chỉ có một vụ gặp gỡ với đại diện CS thì cũng khó có thể kết luận là trước sau gì TT Diệm cũng thoả hiệp với bọn CS? và như vậy miền Nam sẽ không thể tồn tại đến ngày 30 tháng 4, 1975 nếu như không có vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11, 1963. Cho là quân đội đứng lên đáp lời sông núi lật đổ cố TT là vì ông đã thông đồng với CS. Vụ ngày 1 tháng 11, 1963 nếu không thành thì sẽ có các vụ đảo chánh khác nữa làm suy yếu tinh thần chiến đấu chống làn sóng Đỏ?. Tại sao ngay sau khi lật đổ TT Diệm thì lại có vụ phá bỏ các Ấp Chiến Lược, một mô hình làng chiến đấu trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa gây nhiều tổn thất cho hoạt động quấy phá của cán bộ CS?
Những người liên can đến cái chết của cố TT thì đều đã chết. Lúc khi còn sống, họ lại không tiết lộ sự thật. Sẽ còn những uẩn khúc về cái ngày 1 tháng 11, 1963.
Nguồn: OVV WordPress
http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?88637----------------
(*)Tổng Thống Mỹ Lyndon Johnson gọi bọn "Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng" là Đám Côn Đồ. (Bunch of thugs).